Tọa đàm 'Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái'

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 16/06/2022 21:17:42 +07:00
(VTC News) -

Tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” diễn ra ngày 16/6 tại Hà Nội, do UNESCO và Tạp chí Ngày Nay tổ chức.

Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái là người dân tộc thiểu số, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - Christian Manhart, nhà báo Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay và hơn 50 nhà báo, chuyên gia truyền thông, nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng dân tộc thiểu số đã tham dự tọa đàm.

Tọa đàm 'Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái' - 1

Tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” diễn ra ngày 16/6 tại Hà Nội.

Tọa đàm thuộc dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án được UNESCO triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, với sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn CJ của Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều trường học từng phải đóng cửa, trẻ em bị gián đoạn học tập. Trong đó, UNESCO nhấn mạnh rằng trẻ em gái, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, phải đối mặt nhiều nguy cơ và thách thức.

“Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chúng tôi ghi nhận sức mạnh không thể chối từ của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi hành động cần thiết. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, cũng như kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái”, ông Christian Manhart chia sẻ.

Tọa đàm cũng tập trung trả lời câu hỏi “Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan” để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn, giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Trong kỷ nguyên Internet dư thừa thông tin, làm thế nào để thu hút được sự chú ý của cộng đồng và kêu gọi các bên hành động nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số là thách thức với mỗi nhà báo. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có thực tâm, chúng ta sẽ tìm được những phương cách đủ sáng tạo, tinh tế, để kiến tạo một xã hội bình đẳng, và tạo ra bức tranh tương lai tươi sáng cho trẻ em gái dân tộc thiểu số, giống như tên của tọa đàm. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà báo cùng chung tay với sứ mệnh này”, ông Trần Văn Mạnh nói. 

Tọa đàm diễn ra hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 như một lời khẳng định sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra thay đổi tích cực, trong đó có việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Hoài Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp