Tố trường sai phạm không báo cáo hiệu trưởng, nữ giáo viên ở TP.HCM bị kỷ luật

Giáo dụcThứ Sáu, 31/05/2019 14:53:00 +07:00

Sau khi tố cáo Trường THCS Trung An bàn giao tài chính có nhiều sai phạm với cơ quan chức năng, nữ giáo viên bị kỷ luật do chưa xin phép hiệu trưởng.

Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (huyện Củ Chi, TP.HCM) mới đây đã thi hành kỷ luật nữ giáo viên Nguyễn Thị Gái, người từng tố cáo nhiều sai phạm trong công tác bàn giao tài chính của trường. 

Theo quyết định kỷ luật viên chức năm học 2018 - 2019 do Hiệu trưởng Trường THCS Trung An Nguyễn Văn Tuông ký ngày 11/4/2019, cô Nguyễn Thị Gái (giáo viên Tổ Sử - Địa - giáo dục công dân) bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì đã có những vi phạm sau: "Tự ý thông tin cho báo chí không qua hiệu trưởng; không chấp hành theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị; Không bàn giao số tiền của trường trong giai đoạn 2015 -2018".

kyluat

Trường THCS Trung An quyết định kỷ luật giáo viên, trong đó có vi phạm thông tin cho báo chí không thông qua.

Thời gian kỷ luật nữ giáo viên này là 2 tháng, từ ngày 12/4 đến 12/6/2019.

Sau khi nhận được quyết định kỷ luật của hiệu trưởng, cô Gái bất ngờ và bức xúc.

Theo giáo viên này, hơn 20 năm công tác tại Trường THCS Trung An, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cho đến trước thời điểm 11/4/2019, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa bao giờ để xảy ra vi phạm dẫn đến bị kỷ luật.

“Khi nhận được quyết định kỷ luật tôi rất sốc và suy sụp tinh thần. Tôi đang là nạn nhân, là người phải chịu tổn thất lớn về kinh tế, tinh thần trong quá trình bàn giao tài chính nhiều sai phạm của Trường THCS Trung An. Đáng nhẽ, tôi phải được sự quan tâm, hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường nhưng đằng này tôi lại đang bị “trù dập, khủng bố tinh thần” bằng hình thức kỷ luật khiển trách”, cô Gái nói.

Cô khẳng định việc hiệu trưởng ký quyết định kỷ luật cô là không đúng. Cả 3 lí do vi phạm mà hiệu trưởng đưa ra kỷ luật đều không có cơ sở.

Giải thích về vấn đề vi phạm “tự ý thông tin cho báo chí không thông qua hiệu trưởng”, nữ giáo viên cho rằng đây điều không thể chấp nhận, vì mỗi công dân đều có quyền phản ánh sai phạm cho cơ quan chức năng, báo chí.

Theo cô, vụ việc bàn giao tài chính năm 2015 cô phát hiện nhiều sai phạm và có kiến nghị Ban giám hiệu Trường THCS Trung An, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi giải quyết nhưng hơn 1 năm qua vẫn đi đến đâu.

trungan

Trường THCS Trung An (huyện Củ Chi, TP.HCM).

“Nhiều hồ sơ phản ánh tôi cung cấp các cơ quan chức năng ở huyện Củ Chi không xử lý quyết liệt nên bắt buộc tôi phải nhờ đến các cơ quan khác cao hơn như Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thanh tra TP.HCM, UBND TP.HCM và cơ quan truyền thông báo chí để phản ánh sự thật, yêu cầu vào cuộc làm rõ.

Mỗi công dân đều có quyền cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, báo chí. Vậy tôi sai phạm gì ở đây?”, cô Gái bức xúc.

Về vi phạm “không chấp hành theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị”, cô Gái cho biết bản thân luôn tuân theo quy định và chấp hành cấp trên, trừ trường hợp bị ép làm sai.

Trong quá trình công tác do phát sinh vấn đề tố cáo sai phạm của trường nên cô được Thanh tra huyện Củ Chi mời lên làm rõ việc bàn giao tài chính trong vòng 2 tháng (từ 31/7/2018 đến 25/9/2018)

“Để không ảnh hưởng đến quá trình công tác tại trường, tôi thường sắp xếp thời gian làm việc với thanh tra vào những ngày nghỉ, ngoài thời gian làm việc. Những lần nghỉ dạy để làm việc với thanh tra tôi có xin phép hiệu trưởng và hiệu trưởng cũng biết vì thanh tra gửi thư mời về trường.

Còn việc hiệu trưởng yêu cầu tôi tường trình những nội dung tố cáo sai phạm của trường khi gửi cho UBND TP.HCM và yêu cầu báo cáo thu, chi, tồn tài chính của hiệu trưởng trước thì tôi thấy không đúng nên tôi không làm. Việc báo cáo thu, chi, tồn là trách nhiệm của kế toán”, cô Gái lý giải.

Với vi phạm “không bàn giao số tiền của nhà trường trong giai đoạn từ năm 2015-2018”, cô Gái cho rằng do quá trình bàn giao tài chính hiệu trưởng trước với hiệu trưởng sau chưa chốt được con số nên không có cơ sở pháp lý.

Hiện trường vẫn chưa xác định được bàn giao tài chính năm 2015 tồn số tiền cụ thể bao nhiêu. Còn theo tính toán của cô giáo thì không còn tiền tồn mà âm đến hơn 500 triệu đồng. Hiện, thanh tra vẫn đang làm rõ vấn đề này.

IMG_2670 4

Sổ sách tài chính trường bị tẩy xoá, sửa chữa bất thường.

Cô Gái cho biết thêm, từ khi phản ánh nhiều sai phạm trong công tác tài chính của trường cô bị thiệt hại nhiều về tiền bạc, tinh thần và phải chịu áp lực rất lớn từ ban giám hiệu nhà trường, giáo viên. Thậm chí cô bị chèn ép, xa lánh.

“Tôi đã phải đau đớn bán đi một mảnh đất để bù tiền nộp cho trường do công tác tài chính không đúng. Tôi còn bị lãnh đạo trường, đồng nghiệp xa lánh, tìm cách “trù dập”. Nhiều quyền lợi, chế độ của tôi giai đoạn này cũng bị bỏ qua”, cô Gái cho hay.

Cô Gái cho biết hiện cô đã gửi đơn khiếu nại, đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc kỷ luật cô và quá trình bàn giao tài chính của trường nhiều sai phạm cho các cơ quan chức năng.

Như VTC News đưa tin, tháng 8/2015, ông Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An chuyển công tác sang Trường THCS Tân Phú Trung. Người thay thế là ông Tùng là ông Nguyễn Văn Tuông.

Quá trình bàn giao công tác tài chính ngày 28/8/2015, kết luận tiền mặt tồn tại quỹ của Trường THCS Trung An là 316.070.293 đồng.

Sau khi bàn giao, cô Gái - giáo viên, kiêm thủ quỹ Trường THCS Trung An- phát hiện chênh lệch quỹ tiền mặt rất lớn giữa sổ sách của thủ quỹ với kế toán. Cụ thể,  theo số liệu sổ sách thu chi của thủ quỹ, từ học kì 2 năm học 2010-2011 đến ngày bàn giao tài chính (28/8/2015) thì tồn âm 557.155.180 đồng.

Như vậy, quá trình bàn giao tài chính chênh lệch đến hơn 800 triệu đồng.

Kiểm tra sổ sách tài chính, cô giáo còn phát hiện kế toán Nguyễn Ngọc Chinh (Trường THCS Trung An) đã có hành vi chỉnh sửa sổ quỹ tiền mặt (nguồn học phí thu năm 2015) và tùy tiện nhờ giáo viên trong trường ký thay chữ ký thủ quỹ và làm sai sổ sách.

Hồ sơ công khai tài chính năm học của trường không khớp với thực chi về danh mục chi, về các nguồn chi, nhất là sổ quỹ tiền mặt nguồn ngân sách các năm, kế toán đều báo thất lạc.

Không những thế, kế toán còn “cố tình” làm sai lệch số liệu giữa sổ quỹ tiền mặt từng nguồn và hồ sơ công khai tài chính (nhất là nguồn học phí nộp về Kho bạc Nhà Nước qua các năm học hơn 600 triệu đồng không thấy biểu hiện trong hồ sơ công khai tài chính).

Ngoài ra, kế toán còn làm sai nguyên tắc tài chính, lập nhiều lần cho một chứng từ chi (giả mạo chữ ký người nhận tiền và thủ quỹ).

Trong khi vụ việc chưa được làm sáng tỏ, năm học 2016-2017 đến năm học 2017-2018 chưa được chốt, công khai hay bàn giao thì đột nhiên kế toán lại có quyết định chuyển công tác về Trường THCS Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi).

Liên quan vụ việc, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo Thanh tra huyện vào cuộc điều tra, xử lý

Quang Anh
Bình luận
vtcnews.vn