Tơ tằm Việt Nam và nỗi lo từ Trung Quốc

Kinh tếThứ Sáu, 21/04/2017 11:46:00 +07:00

Sau giai đoạn suy thoái, từ năm 2007 nghành tơ tằm Việt Nam đã phục hồi và đang có nhưng bước phát triển vững chắc nhưng gần đây nỗi lo từ các nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng đang gây bất ổn thị trường.

Hiện nay trên cả nước có hơn 200 hộ nuôi tằm con và phổ biến nhiều nhất ở Lâm Đồng với trên 150 hộ. Thêm vào đó là 40 dãy ươm tơ tự động và tính đến cuối năm 2017, con số này sẽ đạt 50 dãy.

Hinh anh

 Ngành tơ tằm Việt Nam cần một môi trường lành mạnh để phát triển. (Ảnh: Internet)

Đây được coi là một bước đi “nóng” của ngành tơ tằm Việt Nam, thể hiện những bước đi vững chắc nhưng lại là một thách thức lớn bởi sự mất cân bằng giữa đầu tư máy móc thiết bị và phát triển nguồn nguyên liệu.

Theo thống kê của Hiệp hội dâu tơ tằm Việt Nam năm 2017, cả nước hiện đang có từ 7000 đến 8000 ha dâu và nếu người nông dân đầu tư thâm canh tốt cây dâu thì thu hoạch 30 tấn/ha kèm theo tằm chất lượng tốt, không bị bệnh thì lượng kén thu về vẫn không đủ để đáp ứng công suất máy móc mà các doanh nghiệp đầu tư.

Ở Lâm Đồng hiện đang có 15 cơ sở ươm tơ tự động với hiệu xuất 2 tấn tơ tự động/ngày, bên cạnh đó là 20 cơ sở ươm cơ khí cho ra 1 tấn/ngày. Tuy nhiên sự hợp tác giữa các cơ sở này không đạt được hiệu quả như mong đợi, mạnh ai nấy làm dẫn tới hỗn loạn thị trường.

Một vấn đề nữa trong khâu sản xuất tơ tằm tơ là nguồn trứng tằm hiện nay không đạt đủ tiêu chuẩn, bị bỏ ngỏ bởi chưa có doanh nghiệp nào trực tiếp làm việc này mà chỉ vài ba công ty tư nhân nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc không được kiểm dịch thực vật, động vật gây tổn thất lớn cho nông dân.

Cho đến thời điểm hiện tại, tuy có thị trường không nhỏ nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập tơ từ Trung Quốc, Brazil với số lượng hơn 1000 tấn/năm, phần lớn số tơ này được sử dụng để gia công cho công ty Matsumara của Nhật Bản.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn đó là các doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tràn lan, chất lượng không đảm bảo đang ào ạt vào Việt Nam.

Cách thức mà các doanh nghiệp Trung Quốc “đầu tư” vào Việt Nam như thế nào thì có lẽ các nghành nghề khác cũng có chung kinh nghiệm và cũng chung một thắc mắc. Đó là ai cũng biết chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là yếu kém vậy mà không ai đứng ra quản lý, kiểm định những nhà đầu tư này?

Cụ thể là bên Trung Quốc rất dư thừa máy móc cũ, hoạt động kém và được tân trang lại, được bán cho Việt Nam như cho không và bằng cách nào đó những máy móc này vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu năng sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Một chiêu trò đã quá quen thuộc của thương nhân Trung Quốc là ép giá, đối với ngành tơ tằm thì việc này có thể hiểu là khi bên Trung Quốc đầu tư nhà máy ươm tơ sau đó thu mua nguyên liệu với cái giá “giời ơi” hơn giá trị thực, ví dụ 1kg kén giá trị thật là 140.000-150.000 thì các thương nhân Trung Quốc sẽ mua với giá là 170.000.

Hệ luỵ của việc này là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ còn cách đứng nhìn doanh nghiệp Trung Quốc tung hoành. Phương thức này làm lợi cho người nông dân nhưng không lâu dài vì ngay sau đó Trung Quốc sẽ “dìm” giá xuống mức thê thảm và lại là người nông dân chịu đòn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chính thống lúc đó muốn quay lại “cứu” người nông dân, phục hồi sản xuất nhưng trong tay lại không có công nhân nên đành “lực bất tòng tâm”.

Một yếu tố khác thu hút nhiều thương nhân Trung Quốc đó là Việt Nam xuất tơ tằm sang Ấn Độ được miễn thuế suất 15% trong khi Trung Quốc thì không, do đó họ tràn sang Việt Nam để hưởng lợi theo.

Với thực trạng bất ổn hiện nay, Hiệp hội dâu tơ tằm Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia đóng góp ý kiến, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng một môi trường thuận lợi cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.

Việc Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là điều không thể tránh khỏi, nhưng thiết nghĩ chúng ta phải đánh giá lại chất lượng của các thương nhân Trung Quốc trước khi cấp phép. Việc doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn bừa bãi, thiếu ý thức đang làm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển các nghành nghề khác không riêng gì dâu, tơ tằm.

Kèm theo phát triển sản xuất, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong nước và người nông dân thì nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến nên kết hợp với du lịch nhằm quảng bá thương hiệu lụa, tơ tằm Việt Nam cho người dân trong nước và bạn bè thế giới.

Video: Gặp truyền nhân của người thêu long bào cho vua Khải Định

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn