Tình thư còn mãi

Tổng hợpChủ Nhật, 19/12/2010 09:21:00 +07:00

(VTC Newws) - Khi cất bốc mộ anh sau ngày giải phóng, gia đình oà khóc khi thấy anh được chôn trong tư thế ngồi...

(VTC News) - Trên căn gác nhỏ của gia đình ở tổ 14, khu vực Tân Thành, phường Bình Thuận (Đà Nẵng), chị Trương Thị Kim Tâm, chỉ cho tôi xem di ảnh người anh trai chị với gương mặt tươi tắn, nụ cười hiền hậu trẻ mãi với thời gian. Anh là liệt sĩ Trương Đình Tâm, nguyên Bí thư Huyện đoàn Tiên Phước (Quảng Nam).

Bên tấm ảnh là những kỷ vật của anh Tâm với chiếc ví da màu đỏ chứa các giấy tờ khi anh hoạt động, chân dung người thân, đặc biệt có những bức thư tình xúc động mà người vợ chưa cưới của anh gửi thời chiến tranh. Dẫu giấy đã ố vàng, có bức nhuốm máu người đã hy sinh vẫn đọc được trên đó cả tình yêu vô vàn, đằm thắm họ dành cho nhau.    

Làm Bí thư Huyện đoàn lúc mới 25 tuổi, lại đẹp trai, có tri thức, đánh giặc giỏi, anh Tâm luôn là thần tượng của nhiều cô gái. Nhưng anh đã chọn chị Lê Thị Ánh Thu, một cán bộ Huyện đoàn với nét duyên ngầm, đảm đang (sau này là Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiến Phước, đã về hưu).

Chị Kim Trâm bên những bức thư của anh trai mình. 

Tình yêu của họ trải dài qua các chuyến công tác, dày lên qua những bức thư tay vội vã. Trong thư  ngày 18-8-1972 chị viết: “Sáng nay trên đường công tác trở lại cơ quan thì nhận thư anh. Em cảm động vô cùng, mừng vui, nhưng đôi mắt không sao ngăn được dòng lệ. Anh là tất cả nỗi nhớ thương và tất cả ước mơ mong muốn của em với thời gian xa cách ấy”.

Cũng có bức thư giận hờn, nũng nịu: “Sao lâu lắm không thấy đồng chí Bí thư Huyện đoàn trao đổi công tác chi cả”. Cuối bức thư bao giờ cũng là sự quan tâm nho nhỏ, đáng yêu: “Chiếc đài anh mua em thích lắm đấy. Còn quần áo em may anh có mặc được không…?”.

Tình yêu của chị mạnh mẽ, nồng nàn như bất cứ người con gái đang yêu nào: “Có những đêm trong giấc mơ, em thấy anh về, hỏi thăm quấn quít. Tỉnh lại, nghĩ một mình, xấu hổ vô cùng”.

Mối tình đẹp ấy đã chấm dứt khi anh hy sinh trong một trận càn vào năm 1973, anh can đảm, một mình thu hút địch để đồng đội được an toàn. Khi cất bốc mộ hài cốt anh sau ngày giải phóng, gia đình oà khóc khi thấy anh được chôn trong tư thế ngồi. Trên túi áo đẫm máu vẫn vẹn nguyên những bức thư được gấp thẳng nếp.

Chị Kim Trâm, em gái anh Tâm kể rằng: “Gia đình tôi luôn trân trọng những kỷ vật ấy và sẽ giữ mãi, đó không chỉ là tình yêu của anh tôi, mà qua những cánh thư, gia đình thấy được phần nào cuộc sống sôi động của anh, người trí thức dám bỏ chốn phồn hoa để đi theo lý tưởng của mình, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”.

Hà My

Bình luận
vtcnews.vn