Tính năng độc đáo của tên lửa Pantsir-S1 vừa tham gia đánh chặn tên lửa Mỹ ở Syria

Thế giớiThứ Tư, 18/04/2018 11:18:00 +07:00

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có những tính năng độc đáo giúp đạt hiệu suất gần 100% khi tham gia đánh chặn tên lửa Mỹ và đồng minh phóng vào Syria ngày 14/4.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của quân đội Syria đạt hiệu suất chiến đấu gần như 100% trong việc đánh chặn tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp phóng vào Syria.

Trước khi vụ không kích này diễn ra không lâu, ngày 9/4 hãng thông tấn RIA Novosti cho biết, Nga cung cấp 40 tổ hợp phòng không Pantsir-S1 với những tính năng độc đáo cho quân đội Syria trong bối cảnh bị Mỹ và một số đồng minh phương Tây đe dọa tấn công.

pantsir_URXZ

 Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của Nga khai hỏa. (Ảnh: RIA Novosti)

Để hoạt động, hệ thống này cần phải phát hiện được mục tiêu – tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có tới “3 cặp mắt” thực hiện nhiệm vụ này. Đầu tiên là radar chỉ thị mục tiêu có khả năng phát hiện chiến cơ của đối phương ở khoảng cách từ 32 đến 45 km với tầm bao quát 360 độ.

Tiếp theo là radar theo dõi chịu trách nhiệm khóa mục tiêu khi lọt vào tầm bắn của hệ thống, với khả năng theo dõi tới 20 mục tiêu trong khu vực hình nón 45 độ, đồng thời radar này có thể điều khiển cùng lúc tới 4 tên lửa.

Cuối cùng, radar hồng ngoại của tổ hợp Pantsir-S1 chịu trách nhiệm phát hiện, chỉ thị và theo dõi mục tiêu trong điều kiện tầm nhìn thấp, radar này hoạt động hoàn toàn tự động.

Với 3 hệ thống radar hoạt động cùng lúc và đồng bộ với nhau, tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có tần suất tham chiến đáng nể với khả năng tấn công 10 mục tiêu mỗi phút.

Chỉ mất từ 4 - 6 giây sau khi chỉ thị được mục tiêu, Pantsir-S1 có thể phóng tên lửa. Đối với hệ thống pháo tự động 30 mm, thời gian này giảm xuống còn 1 đến 2 giây. Hệ thống này có thể phóng tên lửa thứ 2 hoặc đổi sang mục tiêu mới chỉ trong 1,5 giây, nhanh hơn bất cứ hệ thống tương tự nào trên thế giới.

Video: Tổ hợp phòng không Pantsir-S2 và S-400 của quân đội Nga tại Syria

Ngoài ra, tổ hợp phòng không Pantsir-S1 còn được trang bị hệ thống chống tác chiến điện tử làm nhiệm vụ chuyển đổi tần số hoạt động với các con số ngẫu nhiên.

6 tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có thể phối hợp hoạt động với nhau trong 1 mạng lưới bằng nhiều cách. Các tổ hợp này có thể hoạt động độc lập với 1 tổ hợp làm trung tâm chỉ huy làm nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu cho 5 tổ hợp còn lại, hoặc nhận lệnh trực tiếp từ đơn vị chỉ huy khác.

Ngoài ra các tổ hợp Pantsir-S1 có thể phối hợp cả 2 cách hoạt động nói trên – 1 tổ hợp làm trung tâm chỉ huy cục bộ nhận lệnh từ các hệ thống cảnh báo sớm khác ở vị trí xa hơn, sau đó truyền tải thông tin về cho các tổ hợp gần đó trong cùng đơn vị.

Mỗi tổ hợp Pantsir-S1 đều có thể hoạt động độc lập một cách hiệu quả và thậm chí không cần sự bảo vệ từ các đơn vị quân đội khác – tổ hợp Pantsir-S1 có thể phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên mặt đất, pháo tự động 30 mm của tổ hợp này hoàn toàn có khả năng tấn công lính bộ binh cũng như các loại thiết giáp hạng nhẹ.

Nhờ vào thiết kế dạng mô-đun, tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có thể được lắp đặt lên nhiều nền tảng khác nhau như xe tải 6 bánh, xe bánh xích hay thậm chí là chiến hạm. Ngoài ra tùy nhu cầu sử dụng, tổ hợp Pantisir-S1 có thể được triển khai cố định trên mặt đất.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn