Tin xấu cho FED và Nhà Trắng

Tư liệuThứ Sáu, 14/10/2022 12:45:00 +07:00
(VTC News) -

Bất chấp các động thái can thiệp, một chỉ số lạm phát quan trọng tại Mỹ vẫn tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua.

Tháng 9, giá cả tại Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt. Đây được xem là tin xấu đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này đang phải tìm mọi biện pháp để kiểm soát chi phí sinh hoạt.

New York Times dẫn báo cáo Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) mới nhất hôm 13/10, cho thấy chỉ số lạm phát tổng thể (overall inflation) ở Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhẹ so với tháng 8 nhưng nhiều hơn những gì các nhà kinh tế đã dự đoán.

Đáng lo hơn, xu hướng lạm phát cơ bản cũng đang đi “sai đường”. Sau khi loại bỏ nhiên liệu và thực phẩm - những mặt hàng dễ biến động để hiểu rõ hơn về xu hướng giá – các thống kê cho thấy giá đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.

Tin xấu cho FED và Nhà Trắng - 1

Tỷ lệ phần trăm thay đổi qua từng năm trong Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ. (Nguồn: New York Times)

Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh từ một năm rưỡi nay và tình hình tỏ ra khó thay đổi ngay cả khi FED thực hiện các chiến dịch tích cực nhất trong nhiều năm nhằm kìm nền kinh tế lại và kiểm soát tăng giá. Tình trạng đã kích hoạt mức điều chỉnh chi phí sinh hoạt An sinh xã hội (chương trình hỗ trợ nhằm giúp thu nhập bắt kịp với lạm phát) cao nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ: những người đã nghỉ hưu và người khuyết tật được tăng 8,7% phụ cấp chi phí sinh hoạt.

Nhiều biện pháp ráo riết không hiệu quả

Nhìn chung, theo các chuyên gia, những biện pháp quá ráo riết của FED và các quan chức nhằm kìm hãm nền kinh tế và từ đó giúp giảm lạm phát chưa kịp phát huy tác dụng thì đã khiến lạm phát tăng trở lại.

Đầu tiên, các ngân hàng trung ương Mỹ nhanh chóng tăng lãi suất từ gần 0 lên phạm vi 3-3,25%. Các nhà đầu tư cũng dự tính một đợt tăng lãi suất ba phần tư liên tiếp lần thứ tư sẽ được đưa ra tại cuộc họp tiếp theo của FED vào ngày 2/11. Sau khi dữ liệu lạm phát hôm 13/10 được công bố, họ lại bắt đầu đặt cược sẽ có động thái lớn khác tại cuộc họp tháng 12.

Nhà kinh tế học Blerina Uruci tại công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price nhận định: “Xu hướng này rất đáng lo ngại”.

FED tăng lãi suất làm thị trường nhà ở chững lại và dự kiến sẽ dần tác động đến phần còn lại của nền kinh tế vì khiến việc vay tiền để chi những khoản lớn hoặc mở rộng kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Nhưng nhu cầu của người tiêu dùng cần thời gian mới có thể phản ứng theo xu hướng đó.

Thực tế, các vấn đề về chuỗi cung ứng kéo dài liên quan đến việc ngừng hoạt động trong thời đại dịch đang khiến một số hàng hóa bị thiếu hụt, cộng với tình trạng thiếu lao động đang đẩy lương lên cao hơn, thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều công ty đang tăng giá quá mức cần thiết để trang trải chi phí, vì nhận thấy rằng họ có thể tăng biên lợi nhuận mà không mất người mua.

Lạm phát cũng là một trở ngại đối với Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo sau báo cáo lạm phát, các đảng viên Cộng hòa nhanh chóng phản ứng với cách ông Biden đang lèo lái nền kinh tế. Tổng thống nói báo cáo cho thấy "một số tiến bộ" trong việc chống lại giá tăng, khi chi phí tăng ba tháng qua ít hơn so với ba tháng trước đó. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng lạm phát vẫn ở mức cao và “vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Và dù nhìn chung người Mỹ có thể duy trì mức tiêu dùng, những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đang phải vật lộn với chi phí thực phẩm, nhiên liệu và nhà ở. Hầu hết mọi người thấy tiền lương của họ bị “xói mòn” vì tăng giá.

Tin xấu cho FED và Nhà Trắng - 2

Giá tăng có thể trở thành một xu hướng lâu dài ở Mỹ. (Ảnh minh họa)

Chưa rõ bao giờ lạm phát hạ nhiệt

Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và lạm phát có thể ở mức vừa phải trong những tháng tới. Họ ước tính sự hạ nhiệt sẽ diễn ra suốt 18 tháng qua, nhưng dữ liệu nhiều lần chứng minh điều ngược lại.

Sau khi thực hiện ba lần tăng lãi suất mức cao, các quan chức FED có thể sẽ bàn về việc tăng lãi chậm lại trong tháng 11. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát mới dường như sẽ khiến FED khó giảm tốc vào cuối năm như dự tính.

Ngay cả khi lạm phát có dấu hiệu giảm bớt, các nhà hoạch định chính sách có thể muốn có thời gian để xem xét các tác động, cũng như hậu quả từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ đang diễn ra trên khắp thế giới. Hiện tại, mọi dấu hiệu họ nhận được từ dữ liệu lạm phát đều không tích cực.

Chính sách của FED cần có thời gian để phát huy tác dụng và hầu hết các nhà kinh tế chưa dự đoán những điều chỉnh trong năm nay sẽ làm giảm đáng kể lạm phát. Nhưng vì việc điều chỉnh ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, các tác động có thể xuất hiện đầu tiên trong các danh mục hàng hóa và dịch vụ hàng ngày.

Hiện điều đó vẫn chưa xảy ra. Từ bữa ăn nhà hàng đến thuốc lá cho đến các sản phẩm văn phòng phẩm, giá cả tiếp tục tăng chóng mặt, cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn sẵn sàng mở ví.

Và khoảng thời gian của đợt bùng nổ giá này là một vấn đề đáng lo ngại. Lạm phát tổng thể tại Mỹ đã đạt trên 5% trong cả năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương 2%.

Khi giá cả tăng nhanh kéo dài, các ngân hàng trung ương lo ngại người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ bắt đầu quen. Người lao động có thể bắt đầu yêu cầu tăng lương cao hơn để trang trải chi phí leo thang, và người sử dụng lao động có thể thực hiện các đợt điều chỉnh giá lớn và thường xuyên như một phần hoạt động - làm cho lạm phát nhanh trở thành một đặc điểm lâu dài hơn của nền kinh tế Mỹ và khó dập tắt hơn.

Tin xấu cho FED và Nhà Trắng - 3

Chưa rõ bao giờ lạm phát sẽ hạ nhiệt. (Ảnh minh họa)

Vòng xoáy lương tăng-giá tăng

Dự đoán về lạm phát tiêu dùng vẫn chưa thay đổi nhiều trong các cuộc khảo sát. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết đã có những dấu hiệu trong dữ liệu lạm phát cho thấy việc tăng giá có thể ngày càng trở nên khó thay đổi.

Chi phí nhà ở, chiếm một phần lớn trong lạm phát, đang tăng đều đặn. Các ngành dịch vụ như chăm sóc thú cưng và nha khoa đang tăng giá mạnh, có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang đẩy lương và tăng giá khi các công ty cố gắng trang trải chi phí cho người lao động của họ.

Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group, cho biết: “Chúng ta đang bắt đầu thấy lạm phát dai dẳng đang len lỏi vào nền kinh tế. Chúng tôi thực sự lo ngại về việc điều này biến thành một vòng xoáy giá-tiền lương, khi mức lương tăng và khó có thể sớm hạ được lạm phát”.

Tiền lương tại Mỹ không tăng nhanh kịp với lạm phát, nhưng đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức bình thường. Tính đến tháng 9, trong năm qua, thu nhập trung bình theo giờ của những nhân viên bình thường (không phải cấp lãnh đạo) tại Mỹ đã tăng 5,8%. Trước đó, các khoản tăng lương này trong thời kỳ đầu đại dịch chỉ dao động khoảng 2% hoặc 3%.

Các yếu tố mà các nhà kinh tế dự kiến ​​sẽ kiềm chế lạm phát - bao gồm cả việc chuỗi cung ứng được phục hồi – vẫn đang cần thời gian để hiển thị trong dữ liệu.  Kết quả là, giá một số hàng hóa, vốn được dự đoán sẽ kéo lạm phát xuống, lại có thể đẩy lạm phát lên.

Những chi tiết này minh họa cho bài toán lạm phát “đau đầu” của FED.

Khi người mua hàng chậm lại và việc mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh trở nên tốn kém hơn, các doanh nghiệp thuê ít hơn, thị trường lao động sẽ suy yếu và tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại. Điều đó giúp củng cố việc làm giảm nhu cầu. Nhưng vì FED không có điều kiện chờ đợi trong một môi trường lạm phát tăng nhanh, các quan chức đã điều chỉnh chính sách một cách quyết liệt mà không cần đợi xem hậu quả. Khi làm như vậy, rủi ro ngân hàng trung ương sẽ gây ra một cuộc suy thoái khiến nhiều người mất việc tăng lên. Điều đó sẽ đặc biệt gây tổn hại cho những người lao động có thu nhập thấp hơn, những người dễ bị mất việc làm và những người đã đang phải chịu gánh nặng kinh tế.

Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz cho biết: “Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng xoay sở để tránh lạm phát”. Ông nói rằng FED đã chậm trễ trong việc dự báo lạm phát và quá chậm trong phản ứng, và nền kinh tế bây giờ sẽ phải trả giá cho sự chậm trễ này.

Phương Anh(Nguồn: NYTIMES)
Bình luận
vtcnews.vn