Nỗi niềm của du học sinh Việt đón Tết xa nhà

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 23/01/2020 14:13:10 +07:00
(VTC News) -

Mỗi dịp Tết đến, du học sinh Việt đều chung nỗi nhớ nhà da diết, ai cũng nghẹn ngào khi nhìn thấy hình ảnh gia đình quây quần bên nhau.

Nhớ nhà nhưng không dám khóc

Lệch múi giờ 4 tiếng so với Việt Nam, thời khắc giao thừa năm nay rơi vào thời điểm Nguyễn Văn Hiếu đang trên lớp. Hiếu là học viên cao học tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga.

“Tôi chỉ mong thật nhanh đến giờ nghỉ trưa để cầm chiếc điện thoại gọi về cho gia đình. Đây là năm thứ hai tôi đón Tết xa nhà, nên cũng dần quen hơn khoảng thời gian đầu tiên mới sang”, Hiếu nói.

Hiếu nhớ, Tết năm đầu mới sang đây, nhìn thấy gia đình quây quần bên nhau, Hiếu nghẹn ngào, nhưng chỉ khi kết thúc cuộc gọi với mẹ cậu mới dám rơi nước mắt để gia đình khỏi lo.

Lướt web thấy các bạn ở quê nhà chia sẻ những hình ảnh thành quả dọn dẹp nhà cửa hoặc “khoe” thành tích biết gói bánh chưng cũng thấy nao lòng.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong Tết đoàn viên này, cộng đồng du học sinh tại nước ngoài càng gắn chặt với nhau hơn bao giờ hết. Cùng nhau chia sẻ câu chuyện 3 miền tổ quốc, tổ chức nấu nướng những món ăn để nhớ về vị Tết, vị quê nhà.

Nỗi niềm của du học sinh Việt đón Tết xa nhà - 1

Du học sinh Việt Nam Nga, đón năm mới.

“Sinh Việt Việt Nam tại Nga luôn có tinh thần dân tộc và hướng về truyền thống đất nước, chúng tôi tự tay gói cho mình những chiếc bánh chưng xanh dù phải rất khó khăn để mua nguyên liệu.

Hoặc tự nấu cho mình những món giò, nộm, xôi đỗ, nem... Đó là những món ăn truyền thống mà dù có đi xa thì mọi người vẫn luôn nhớ tới”, Hiếu nói.

Những giây phút bên nhau, các du học sinh cùng nhau ăn bánh chưng và nghe câu hát “Tết!Tết!Tết đến rồi” cũng tạo nên không khí rộn ràng, hân hoan.

Dù đón Tết xa nhà nhưng hương vị Tết và hình ảnh gia đình luôn in sâu trong trí nhớ của tất thảy du học sinh Việt bên đây. Chính những nhớ nhung sẽ là động lực để những người con xa quê phấn đấu - đó là những ước nguyện du học sinh Việt muốn gửi gắm đến gia đình.

Lấy công việc lấp đầy nỗi nhớ nhà

Cùng câu chuyện với Hiếu, bạn Nguyễn Vũ Tân, du học sinh ngành Quản trị khách sạn nhà hàng tại New Zealand chia sẻ, thời khắc quan trọng nhất của Tết Nguyên đán luôn khiến du học sinh, đặc biệt những bạn năm đầu tiên xa nhà cảm giác chạnh lòng pha chút tủi thân.

Bởi đâu đâu cũng thấy hình ảnh mọi người quây quần mừng năm mới còn mình thì lại lẻ loi nơi xứ lạ. Không khí đầm ấm ấy khiến nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương trong họ càng trở nên sâu sắc.

Tân mới xa quê được gần 8 tháng chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà, xa gia đình nên nhớ nhà vô cùng. Trước giờ ở nhà bị mẹ "bắt" dọn dẹp, làm lụng suốt giờ sang đây mới thấy thấm thía Tết cổ truyền của dân tộc".

Nỗi niềm của du học sinh Việt đón Tết xa nhà - 2

Hội du học sinh Việt Nam đón tết tại Newzealand.

Phần lớn các bạn sẽ gọi điện về nhà để hỏi thăm và chúc mừng năm mới người thân rồi tìm việc gì đó để xua bớt nỗi nhớ nhà.

Còn Tân chọn cách đi làm thêm. Tân muốn tập trung 100% sức lực vào công việc, quên hết thế giới xung quanh, vừa vơi bớt nỗi nhớ nhà lại kiếm thêm được một khoản tiền để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

Vị quê hương không nơi nào có được

“Nỗi nhớ nhà chưa bao giờ hiện lên rõ nét hơn mỗi dịp Tết cổ truyền… đây là năm thứ 4 tôi ăn Tết xa nhà, xa quê nhưng không lúc nào nỗi nhớ nhà không thường trực trong lòng”,  Mạnh Tùng, du học sinh Canada nói.

Cách Việt Nam 12 giờ đồng hồ, thời khắc giao thừa ở Việt Nam là buổi trưa ở Canada, Tùng cho biết sẽ tranh thủ giờ nghỉ trưa để gọi điện thoại về gia đình. "Cả hai anh em đề đi học, nên mỗi lần nhìn thấy mẹ một mình chuẩn bị cơm cúng, một mình đón giao thừa là nước mắt chứ chực trào”, Tùng chia sẻ.

May mắn hơn Tùng, Mai Ngọc, du học sinh tại London (Anh) được ở gần họ hàng nên cả nhà vẫn cố gắng thu xếp thời gian để cùng nhau tổ chức đón Tết cổ truyền.

Nỗi niềm của du học sinh Việt đón Tết xa nhà - 3

Hội du học sinh Việt Nam đón Tết tại Nhật Bản.

Mai Ngọc chia sẻ: "Ở đây bánh chưng, giò chả, hành muối và những món ăn truyền thống của quê hương đều có, cành đào cũng có. Nhưng cảm giác hương vị Tết vẫn không thể giống với quê nhà, vẫn thiếu đi sự rộn ràng, đầm ấm khi gia đình sum họp. Nhưng dù sao cũng rất may mắn cho mình là có nhà ông bà ở đây nên nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào".

Dù đón Tết xa nhà nhưng hình ảnh gia đình sum vầy, đầm ấm bên nhau cùng hương vị Tết của quê hương vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người con xa quê.

Tết chỉ vẹn tròn khi được ở bên gia đình - đó cũng là ước nguyện, là động lực để những bạn du học sinh, nhưng người con xa quê phấn đấu và thực hiện.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn