Học sinh bị ép vào đường dây mua bán trinh: Trẻ dễ mắc rối loạn tâm thần, stress sau sang chấn

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 19/01/2020 06:53:00 +07:00
(VTC News) -

Hành vi khai thác tình dục trẻ vì mục đích thương mại khiến các em mang thai ngoài ý muốn, lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn.

Bài viết của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội) về nghi án học sinh bị môi giới bán trinh tại Ba Vì, Hà Nội:

Liên quan đến thông tin được báo chí phản ánh về nghi vấn nhiều trẻ em bị môi giới bán trinh tại Ba Vì, Hà Nội gây bàng hoàng cho cộng đồng thời gian qua, tôi cho rằng, đây là hành vi khai thác tình dục trẻ em vì mục đích thương mại.

Nó là hành vi vi phạm tổng thể các quyền của trẻ em, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ cả về ngắn hạn và dài hạn.

Thậm chí có thể tăng nguy cơ mắc bệnh STI (bệnh lây truyền qua đường tình duc), mang thai ngoài ý muốn, mắc các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn. Các em có thể bị kỳ thị, phân biệt đối xử và gặp khó khăn khi quay trở lại trường.

Học sinh bị ép vào đường dây mua bán trinh: Trẻ dễ mắc rối loạn tâm thần, stress sau sang chấn - 1

Một nạn nhân là học sinh lớp 9 trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) bị ép bán dâm (Ảnh cắt từ clip).

 

Cùng với sự phát triển của công nghệ, Internet và mạng xã hội, nhiều tội phạm qua các kênh này gạ gẫm, thu hút, quấy rối trẻ em, nhằm mục đích khai thác tình dục.

Sự việc được phát hiện tại Ba Vì vừa qua, có thể chỉ là một trường hợp cá biệt. Vấn đề có thể phổ biến và nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ.

Với những kẻ “mua trinh”, chúng ta phải thừa nhận, trong xã hội vẫn có bộ phận nam giới nhận thức lệch lạc, phi khoa học và phi nhân văn về việc quan hệ tình dục với trinh nữ. Nhu cầu đó đã tạo ra những kẻ chuyên dẫn dụ các cô giá trẻ, kết nối với những đại gia có nhu cầu và nhận thức lệch lạc, để kiếm tiền môi giới.

Đặc biệt là chủ nghĩa vật chất khiến những kẻ dẫn dụ, lừa bán đôi khi lại chính là những người thân quen, là bạn bè học cùng trường, hàng xóm.

Về phương diện tâm lý của các bạn trẻ, bên cạnh những trường hợp bị lừa, bị lợi dụng, cũng có nhiều bạn ý thức và chủ động trong chuyện này.

Một bộ phận các bạn thiếu ý thức pháp luật, thiếu lòng tự trọng, thích ăn chơi, đua đòi nên chấp nhận rằng việc quan hệ để đổi lấy tiền như là một cách có thể chấp nhận được.

Giới trẻ bây giờ dường như thực dụng hơn, không còn quá bó buộc với quan niệm cổ hủ trinh tiết. Họ nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu kiếm tiền từ nó. Nhiều em có thể biện hộ cho việc đó, vì muốn thay đổi cuộc sống; vì giúp gia đình; vì để có tiền đi học…

Tuy nhiên, nhiều người ở trong những hoàn cảnh khó khăn hơn nhưng không có ý tưởng này, vì vậy cũng không thể chỉ đổ cho nghèo đói.

Với những nhận định như vậy, tôi cho rằng, cần có cái nhìn rộng hơn và tổng thể hơn từ vụ việc cá biệt tại Ba Vì.

Chúng ta cần tiếp tục có những chính sách và luật pháp để giải quyết các vấn đề hành vi vi phạm quyền trẻ em, khai thác tình dục trẻ vì mục đích thương mại. Cần có những hệ thống phát hiện sớm và quy trình giải quyết nhanh các vụ việc được phát hiện, bảo vệ trẻ, hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân.

Cần đưa thêm các nội dung này vào trong chương trình giáo dục giá trị nâng cao lòng tự trọng của cá nhân, giáo dục về giới tínhsức khỏe sinh sản trong nhà trường.

Đồng thời, nên tăng cường hiểu biết pháp luật, hiểu biết về quyền và những kỹ năng thoát hiểm cho học sinh trong những tình huống bị lừa như trên đây.

 

PGS.TS Trần Thành Nam
Bình luận
vtcnews.vn