Tin sáng: Triều Tiên chê Tổng thống Hàn ‘tầm thường’

Thế giớiThứ Năm, 07/11/2013 07:29:00 +07:00

(VTC News) – Triều Tiên chê bai Tổng thống Hàn Quốc, Mỹ chi hàng tỷ USD nâng cấp bom nguyên tử là những tin đáng chú ý sáng 7/11.

(VTC News) – Triều Tiên chê bai Tổng thống Hàn Quốc, Mỹ chi hàng tỷ USD nâng cấp bom nguyên tử là những tin đáng chú ý sáng 7/11.

Triều Tiên gọi Tổng thống Hàn là "tầm thường về đạo đức"

Theo AFP, ngày 6/11, Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye "tầm thường về đạo đức" sau khi bà Park gợi ý sẵn sàng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un bất cứ lúc nào.

Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên đã lên án việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim trong khi vẫn đưa ra những bình luận mang tính khiêu khích chống Triều Tiên.

Park Geun Hye
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye 
"Phát biểu của bà Park về 'cuộc gặp thượng đỉnh' thậm chí không đáng để xem xét mà chỉ có thể là phương án cuối cùng nhằm vượt qua khủng hoảng chính trị nội tại và bên ngoài."

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng gặp ông Kim Jong-Un bất kỳ lúc nào nếu điều này là cần thiết để cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản triển khai tên lửa đất đối hạm tới Okinawa

Tân Hoa xã
đưa tin, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ngày 6/11 đã triển khai các tên lửa đất đối hạm tới đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa.

Đơn vị tên lửa này sẽ triển khai tạm thời trên hòn đảo nhỏ Miyako và sẽ được sử dụng vào các cuộc diễn tập tại khu vực này, bắt đầu từ hôm 1/11 và kéo dài đến ngày 18/11.
tên lửa Nhật Bản
Tên lửa Nhật Bản 
Tham gia cuộc tập trận này còn có một đơn vị tên lửa khác đến từ một căn cứ ở tỉnh Aomori và một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đóng vai là tàu "địch."

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng các tên lửa đất đối hạm này có khả năng tấn công mục tiêu ở mọi nơi trên vùng biển giữa đảo Miyako và hòn đảo chính của tỉnh Okinawa.

Tuy nhiên, bộ này nói thêm rằng cuộc tập trận không nhằm mục đích đe dọa cụ thể nào cũng như nhằm vào bất cứ nước nào.

Syria: Nổ lớn tại Damascus, 8 người chết

Một vụ nổ lớn đã xảy ra hôm 6/11 giữa trung tâm thủ đô Damascus của Syria, cướp đi sinh mạng của 8 người và làm nhiều người khác bị thương. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết, một thiết bị nổ đã được cài đặt tại Quảng trường al Hi-jas, trung tâm Damascus.
đánh bom syria
Hiện trường một vụ đánh bom ở Syria 
Cùng ngày, một vụ tấn công khác cũng xảy ra nhằm vào một trường tiểu học tại quận al-Zahara'a ở Damascus. Một quả súng cối bắn vào trường học này đã làm 4 học sinh bị thương.

Các vụ nổ bom và tấn công súng cối diễn ra hàng ngày tại thủ đô Damascus của Syria. Chính quyền Syria cáo buộc lực lượng nổi dậy đang chiếm đóng quanh Damascus là thủ phạm của những vụ tấn công này.

Hy Lạp tê liệt vì đình công

Ngày 6/11, các liên đoàn lao động Hy Lạp tổng đình công trong 24 giờ phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Hoạt động dịch vụ tại Hy Lạp hôm nay đã bị đóng cửa khi các liên đoàn lao động thực hiện kế hoạch tổng đình công trong 24 giờ, cũng như tiến hành biểu tình hòa bình nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Một cuộc đình công tại Hy Lạp
Đình công khiến giao thông bị đình trệ. Các trường học công, tòa án phải đóng cửa. Các bệnh viện nhà nước chỉ có một số bộ phận cấp cứu hoạt động. Hàng chục chuyến bay bị hủy bỏ và hoãn khi các nhân viên sân bay đình công trong 3 giờ để ủng hộ hoạt động của các liên đoàn. Tại thủ đô Athen, hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình.

Mỹ chi hàng tỷ USD nâng cấp bom nguyên tử

Mỹ dự định chi hàng tỷ USD để nâng cấp loại bom nguyên tử B61 vốn được thiết kế nhằm ngăn chặn khả năng Liên Xô trước đây tại châu Âu. Đây là một phần trong dự án gây tranh cãi nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Nhiều nhà lập pháp và chuyên gia nước này phản đối nỗ lực trên khi cho rằng đó là một sự lãng phí tiền của khổng lồ, qua đó có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga.
bom B61
Bom nguyên tử B61 
Tuy nhiên, các tư lệnh và quan chức chính phủ hàng đầu của Mỹ đã lập luận rằng loại bom trọng lực B61 này cần phải được duy tu để các loại vũ khí khác có thể được loại bỏ và nhằm đảm bảo rằng nước Mỹ vẫn là một lực lượng “đáng tin cậy”.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã loại bỏ hàng nghìn vũ khí nguyên tử chiến thuật ở châu Âu, song hiện vẫn giữ lại 180 quả bom B61 ở cựu lục địa. Đây là loại vũ khí hạt nhân duy nhất của Mỹ vẫn được triển khai tại những căn cứ của NATO ở các nước Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức tìm cách tiếp cận Snowden tại Nga

Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết, chính phủ Đức đang tìm cách để có thể tiếp cận với cựu nhân viên CIA Edward Snowden đang ở Nga để tìm hiểu về các hoạt động do thám của Mỹ, trong đó có cáo buộc nghe lén Thủ tướng Đức Algela Merkel.
Snowden
Snowden và một chính trị gia người Đức 
Tuy nhiên, ông Friedrich cũng nhắc lại lập trường của chính phủ Đức rằng, Snowden không đủ tiêu chuẩn để được tị nạn tại Đức. Trước đó, một số lực lượng đối lập tại Đức kêu gọi trao quyền tị nạn cho Snowden, để cựu nhân viên CIA này có thể bay tới Đức cung cấp các thông tin về hoạt động do thám. Snowden cũng khẳng định sẵn sàng giúp chính phủ Đức đưa ra những bằng chứng về hoạt động do thám của Mỹ.

Cố Tổng thống Arafat có thể bị đầu độc bằng chất phóng xạ

Kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar ngày 6/11 trích phát hiện mới của một nghiên cứu tại Thụy Sĩ về cái chết của cố Tổng thống Yasser Arafat cho thấy ông có thể đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium.

Trước đó, gia đình của Tổng thống cũng khẳng định nhà lãnh đạo Palestine là nạn nhân của một tội ác “ghê gớm”.
Yasser Arafat
Cố Tổng thống Yasser Arafat 
Đây có thể là chứng cứ quan trọng nhất trong các cuộc điều tra gần đây về cái chết của nhà lãnh đạo Palestine. Ông Arafat qua đời tại Pháp ngày 11/11/2004, thọ 75 tuổi, nhưng các bác sĩ không thể xác định rõ nguyên nhân cái chết.

Các cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành sau khi dấy lên nhiều nghi vấn cho rằng ông chết do bị đầu độc bằng chất phóng xạ được đưa ra hồi năm 2006. Các quan chức Palestin từ lâu đã cáo buộc Israel đầu độc ông Arafat. Tuy nhiên, Israel phủ nhận cáo buộc này.

Tùy Phong(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn