Tai nạn giao thông giảm mạnh sau 2 tuần cấm lái xe uống rượu, bia

Tin nhanh 24hThứ Năm, 16/01/2020 19:41:08 +07:00
(VTC News) -

Công an TP Hà Nội cho biết, sau hai tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông đã giảm mạnh so với trước.

Chiều 16/1, tại buổi họp báo thông tin về việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và thực hiện Nghị định 100/2019 của Chính phủ, Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an - công bố những con số lạc quan sau hai tuần triển khai việc cấm lái xe uống rượu, bia.

Thiếu tướng Đức nhận định, Nghị định 100 có hiệu lực ngay sau hai ngày, đây là điểm khác so với các nghị định khác. Nghị định này thể hiện tính cấp bách về đảm bảo an toàn giao thông.

Từ ngày 1/1 đến ngày 15/1/2020, xả ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (-8,8%), giảm 38 người chết (-13,2%), giảm 57 người bị thương (-26,5%).

Tai nạn giao thông giảm mạnh sau 2 tuần cấm lái xe uống rượu, bia - 1

Thiếu tướng Lê Xuân Đức.

Trong 2 tuần qua, CSGT toàn quốc kiểm tra xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt 49 tỷ 738 triệu đồng, trong đó xử phạt 21 tỷ 013 triệu đồng đối với 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hà Nội… xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao.

Lực lượng chức năng cũng xử phạt nhiều công chức vi phạm nồng độ cồn. Điển hình như: Tại Thái Bình: CSGT Công an tỉnh Thái Bình xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Tại Quảng Bình, cảnh sát xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.

Có 3 địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nội) xử phạt người đi xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho hay, trong hai tuần qua, không có tai nạn nghiêm trọng do rượu, bia và việc cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông cũng tác động rất lớn đến người tham gia giao thông, để mọi người thượng tôn pháp luật.

"Lái xe sử dụng rượu, bia chịu mức phạt rất cao nên ý thức của lái xe được nâng lên rõ rệt", Thiếu tướng Đức nhận định.

Bên cạnh đó, đối với cán bộ vũ trang, công chức khi sử dụng rượu bia mà lái xe thì ngoài việc xử phạt hành chính còn bị CSGT thông báo về cơ quan đơn vị.

Thiếu tướng Đức cho hay, việc thực hiện Nghị định 100 có tác động lớn đến đời sống người dân, bởi người uống rượu bia sẽ không tham gia giao thông và sử dụng xe ôm, taxi để về nhà.

"Nghị định 100 cũng nhận được sự đồng thuận rất lớn của cơ quan truyền thông và người tham gia giao thông", ông Đức nhận định.

Trước câu hỏi của báo chí về việc trên thị trường xuất hiện nhiều máy đo nồng độ cồn do người dân tự trang bị khi kiểm tra lại cho kết quả khác máy đo của CSGT, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, thiết bị của lực lượng chức năng sử dụng theo quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP về thiết bị nghiệp vụ phát hiện vi phạm hành chính về giao thông.

Những máy đo của lực lượng chức năng là máy đo chuẩn, đã được kiểm định theo Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, có dán team kiểm định. Còn các máy bán trôi nổi trên thị trường chưa qua kiểm định nguồn gốc, xuất xứ có thể cho kết quả không chính xác”, Thiếu tướng Đức chia sẻ.

Thiếu tướng Đức cũng cho hay, trong 3 ngày Tết (30, 1, 2) lực lượng chức năng sẽ được tăng cường hơn ngày thường và thực hiện theo chỉ thị 03 của Chính phủ ban hành thực hiện nghiêm túc Nghị định 100, ai vi phạm đều bị xử phạt.

Việt Nam sử dụng rượu bia nhiều thứ 2 Đông Nam Á

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, qua thống kê, mức sử dụng rượu bia ở nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Thái Lan, đứng thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên trê giới.

“Khi nói về kinh tế - quốc phòng của một đất nước thì người ta gọi cường quốc nhưng không ai gọi là cường quốc rượu bia”, ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang, tỷ lệ trẻ hóa sử dụng rượu bia ở nước ta rất nhanh, khiến người chưa trưởng thành về thể chất, tinh thần bị ảnh hưởng bởi rượu bia. Tác hại việc sử dụng rượu bia là 1 trong 4 nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm, trong đó có tai nạn giao thông.

"Sau 8 năm xây dựng Luật phòng chống rượu bia, chúng tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì có đạo luật đủ sức điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang nhận định, Nghị định 100 của Chính phủ là nghị định mở đường nghiêm khắc nhất đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

“Hiệu quả của nghị định này, tôi không ngờ tác động, hiệu lực lại tức thời như vậy; Tránh được những cái chết thương tâm, sự tàn tật, những nạn nhân trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”, ông Quang nói.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn