Đề xuất 3 năm kinh nghiệm công tác với lãnh đạo chủ chốt để tránh bổ nhiệm ‘thần tốc’

Tin nhanh 24hThứ Ba, 25/02/2020 21:43:03 +07:00
(VTC News) -

Để tránh bổ nhiệm “thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải từ 3 năm trở lên.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước với tiêu chí cụ thể về kinh nghiệm công tác để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc”.

Đề xuất 3 năm kinh nghiệm công tác với lãnh đạo chủ chốt để tránh bổ nhiệm ‘thần tốc’ - 1

Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc”, cần đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm.

Về kinh nghiệm công tác, Bộ Nội vụ cho biết, theo Quy định số 214-QĐ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chung đối với chức danh thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, đều có yêu cầu cán bộ, công chức phải đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị chưa quy định cụ thể thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp là bao nhiêu.

Do vậy, để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc” và bảo đảm nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên.

Video: "Bắt bệnh" bổ nhiệm cán bộ ở địa phương (Nguồn: VTC Now)

 

 

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đề xuất tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Trong đó bao gồm tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tiêu chuẩn chung về sức khỏe, độ tuổi.

Những nội dung này được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW.

Dự thảo cũng nêu rõ những tiêu chuẩn đối với 19 chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Tiêu chuẩn cho mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về: vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác và trình độ.

Về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này, mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương (kể cả trường hợp quy định sử dụng tiếng dân tộc thay cho tiêu chuẩn ngoại ngữ) cho phù hợp.

Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp triển khai kế hoạch riêng theo yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng sẽ được triển khai theo kế hoạch riêng.

 

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn