Cử tri Hà Nội mong Tổng Bí thư tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới

Tin nhanh 24hThứ Tư, 24/06/2020 12:30:00 +07:00
(VTC News) -

Cử tri bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để chèo lái con thuyền đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Sáng 24/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại quận Tây Hồ.

Trước khi báo cáo kết quả kỳ họp, bà Bùi Huyền Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, do điều kiện công tác nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không bố trí được thời gian tới tiếp xúc cử tri. 

Là người đầu tiên phát biểu ý kiến tại hội nghị, cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng (Phường Phan Chu Chinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ phấn khởi trước sự thay đổi của đất nước. Phố phường được chỉnh trang xanh - sạch- đẹp, cáp ngầm, có nhiều nơi vui chơi giải trí cho người dân.

Theo bà Thắng, trong lúc khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 thì Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đến nhân dân. Qua đó củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cử tri Hà Nội mong Tổng Bí thư tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới - 1

Cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

Công tác chống dịch đã làm được những điều khiến cả thế giới khâm phục. Ngay trong kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng đã thể hiện khí phách tinh thần Việt Nam và cử tri tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2020.

Cử tri rất hoan nghênh khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đi đầu, kiên quyết chống tham nhũng, tuy nhiên bà Thắng cho rằng cần lưu tâm tới việc thu hồi tài sản do tham nhũng vì thực tế hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng rất ít. Cần công khai cho nhân dân biết cũng như những cá nhân chây ì, có như vậy mới răn đe các cá nhân khác không dám tham nhũng.

"Hiện đất nước đang còn nhiều khó khăn, mong Tổng Bí thư tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để chèo lái con thuyền đi đến bến bờ cuối cùng", bà Thắng nói.

Cử tri Thắng cũng đề nghị tăng cường sự giám sát của Quốc hội, nhất là vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội trong giám sát đầu tư công, các công trình lớn của Nhà nước. "Tại sao trong thi công các công trình lớn của đất nước mặc dù đã được giám sát nhưng qua thanh tra, kiểm toán vẫn phát hiện được những sai phạm trong quá trình thi công như việc đội giá, chậm tiến độ", cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng nêu thắc mắc.

Tại hội nghị, nhiều cử tri cũng bày tỏ sự đánh giá cao nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các chính sách an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, cử tri Trần Công Dân (Ba Đình) cho rằng, việc chi trả tới đối tượng được thụ hưởng trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ còn chậm trễ, sai sót, còn xuất hiện tình trạng làm sai, vụ lợi…

Trong buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, nhiều vấn đề khác được dư luận quan tâm cũng được các cử tri đưa ra bàn luận, trong đó có vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Cử tri Vũ Thanh Liêm (Phường Yên Phụ, quận Hoàn Kiếm) dẫn chứng đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) chất vấn về vụ án Hồ Duy Hải có lập luận rõ ràng, đó chính là cái mới.

“Thời gian qua xảy ra nhiều vụ án oan sai phải xin lỗi dân, lấy tiền nhà nước ra bồi thường, vậy ai chịu? Là người dân chịu, trong khi đây là những sai phạm trong quá trình tố tụng. Vừa qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích về vụ Hồ Duy Hải nhân dân không đồng tình.

Cái mà người dân muốn nghe là trách nhiệm ở đâu khi quá trình tố tụng có vấn đề. Đơn cử như cái thớt không phải của vụ án mà mua ở chợ về, rồi việc nhân dân nói có việc cố tình làm sai lệch nội dung trong các vụ án để chạy án, vậy vấn đề này trách nhiệm thuộc về ai? Do đó Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của ngành tư pháp”, cử tri Vũ Thanh Liêm nêu quan điểm.

Cử tri Hà Nội mong Tổng Bí thư tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới - 2

Cử tri Vũ Thanh Liêm nêu ý kiến về vụ án Hồ Duy Hải.

Về dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nhiều cử tri cũng bức xúc đặt câu hỏi: Đã 8 năm chậm tiến độ, 10 năm chưa hoàn thành xong, đội vốn hơn 200%, mỗi năm phải trả lãi 600 tỷ, vậy ai là người chịu trách nhiệm? Các cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát về dự án này.

Trả lời chất vấn của cử tri về dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, ông Trần Việt Khoa - GĐ Học viện Quốc phòng, Ủy viên TƯ Đảng, ĐBQH Hà Nội cho biết: “Đây là bài học lâu dài trong cuộc đời chúng ta khi chọn nhà thầu”.

Tùng Lâm - Vũ Liễu
Bình luận
vtcnews.vn