Ăn trái cây cũng có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn: CSGT và đại diện Bộ Y tế lên tiếng

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 03/01/2020 22:35:35 +07:00
(VTC News) -

CSGT và đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin ăn trái cây có thể khiến nồng độ cồn tăng và có thể bị xử phạt khi tham gia giao thông.

Mới có hiệu lực từ 1/1/2020 nhưng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân. 

Cùng với đó, thông tin ăn một số loại trái cây như sầu riêng, vải... có thể làm tăng nồng độ cồn và sẽ bị phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến nhiều người lo lắng.

Ăn trái cây cũng có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn: CSGT và đại diện Bộ Y tế lên tiếng - 1

CSGT Hà Nội đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông ở quận Hà Đông. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ngày 3/1, trả lời phóng viên VTC News, Trung tá Vũ Mạnh Nam, Phó đội trưởng Đội 7 (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an Hà Nội) khẳng định: “Ăn hoa quả không thể gây ảnh hưởng tới việc điều khiển phương tiện giao thông. Có thể hơi thở khi vừa ăn trái cây sẽ khiến máy đo nồng độ cồn nhích lên một mức rất nhỏ, nhưng không thể vượt quá ngưỡng bị phạt là 0,25 mg/l khí thở”.  

Trung tá Nam cho rằng, các thông tin trên MXH là không hoàn toàn chính xác và chưa phản ánh hết vấn đề. Các loại hoa quả như sầu riêng, vải… khi ăn vào có thể khiến hơi thở có tỉ lệ cồn nhất định, nhưng không tăng đến ngưỡng bị phạt theo Nghị định 100/2019 vừa ban hành.

Vị CSGT cũng cho biết, từ ngày thực hiện theo Nghị định 100, đơn vị chưa bắt gặp trường hợp người dân nào chỉ ăn hoa quả rồi lái xe mà bị dính lỗi nồng độ cồn.

Việc xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn căn cứ trên nhiều yếu tố và người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn khi bị lực lượng CSGT kiểm tra.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Trần Thị Trang, đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cho biết, trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường (như nho, sầu riêng, chuối... ) dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể, song tỉ lệ là rất nhỏ và không đáng kể.

Theo đó, trong quá trình thông tin, tuyên truyền thực hiện Luật hiện hành, Bộ Y tế sẽ phổ biến vấn đề này trên góc độ khoa học, để lực lượng chức năng nắm rõ hơn. Những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể, thì không bị xử phạt.

Ăn trái cây cũng có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn: CSGT và đại diện Bộ Y tế lên tiếng - 2

Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, bà Trần Thị Trang phân tích, không có con số chính xác tuyệt đối về thời gian sau bao lâu uống rượu bia mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. 

Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn khoảng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất từ 1-2 giờ nữa.

Vì vậy, nếu uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%, đối với người khỏe mạnh, bình thường, không mắc bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới chuyển hóa hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe.

Đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều. Vì vậy, Vụ phó Vụ Pháp chế khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần.

 

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn