Tin nhắn rác: Nhà mạng đầu hàng - khách hàng giúp sức

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 28/04/2011 03:35:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi việc quản lý tin nhắn "rác" được các nhà mạng coi là nhiệm vụ "bất khả thi" thì nhiều người tiêu dùng đã gợi ý những biện pháp hiệu quả.


(VTC News) - Trong khi việc quản lý tin nhắn "rác" được các nhà mạng coi là nhiệm vụ "bất khả thi" thì nhiều người tiêu dùng đã gợi ý những biện pháp hiệu quả.

Thực trạng tin nhắn “rác” đã và đang hoành hành hết sức dữ dội. Điều gây bức xúc và làm người tiêu dùng cảm thấy bị quấy rầy là các tin nhắn rác có nội dung rất phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật như kích động, mê tín di đoạn, khiêu dâm...

Được biết các công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin khi ký hợp đồng với các nhà mạng tại Việt Nam đều phải liệt kê danh sách các thông tin mình cung cấp đến khách hàng như giải trí, thể thao, thời tiết, tỷ giá hối đoái… Tuy nhiên, rất nhiều công ty đã dựa vào kẽ hở của luật để cung cấp các dịch vụ có tính chất tiêu cực mà rất khó có thể kiểm soát.

Nhà mạng “đầu hàng” ?

Mới đây vào ngày 26/4 , thanh tra bộ Thông tin và truyền thông đã phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiến hành thanh tra đối với Công ty Cổ phần EMOBI, địa chỉ số 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội.
Khách hàng thường xuyên phải nhận những tin nhắn "rác" 

Tại đây, đoàn thanh tra đã phát hiện công ty EMOBI sử dụng 5 máy điện thoại Nokia 3110C kết nối với các máy tính để phát tán tin nhắn rác nhằm dẫn dụ người sử dụng nhắn tin tới các đầu số 8x14 của mình. Đáng chú ý là mỗi chiếc máy này có thể phát tán tới 800 tin nhắn trong 1 giờ. Tất cả các nội dung tin nhắn do công ty Emobi cung cấp đều liên quan đến bói toán, cờ bạc, lô đề…

Đến ngày 27/4, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Văn Hùng đã quyết định xử hành chính 70 triệu đồng đối với công ty Emobi vì phát tán tin nhắn rác.

Theo đó thì công ty Cổ phần EMOBI đã mắc 3 lỗi: Không phải là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nhưng vẫn phát tán tin nhắn mà không được sự đồng ý của người nhận; cung cấp tin nhắn có nội dung bói toán, kích động mê tín dị đoan và lôi kéo người khác đánh bạc trái phép.

Ngay chính bản thân đại diện Bộ TT-TT cũng thừa nhận mức xử phạt 70 triệu đồng chưa đủ sức răn đe. Do vậy, nếu doanh nghiệp này tái phạm, đoàn thanh tra sẽ đề xuất đến việc thu hồi mã số.

Theo thông tin từ 3 nhà mạng có số thuê bao chiếm đa số trên thị trường viễn thông di động Việt Nam là Viettel, Vinaphone và Mobifone, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (cung cấp các đầu số tin nhắn dịch vụ giá trị gia tăng, quảng cáo) trên mạng di động là hơn 600. Tuy nhiên theo một số chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, số lượng các công ty chuyên cung cấp tin nhắn “câu khách” còn lớn hơn nhiều so với mức trên.
Việc quảng bá cho lô đề, cờ bạc... ngang nhiên xuất hiện 

Với số lượng đơn vị cung cấp đầu số lớn như vậy nhưng cách quản lý còn khá lỏng lẻo. Hiện giữa nhà mạng với các công ty trên chỉ có sự ràng buộc bằng công văn gửi tới từng công ty khuyến cáo phải thực hiện đúng hợp đồng và răn đe nếu vi phạm sẽ bị tạm ngừng dịch vụ trong khoảng thời gian 15 ngày.

Tuy nhiên các công ty cũng rất biết cách “lách luật” khi phần lớn trong số này không sử dụng trực tiếp đầu số được cấp để gửi tin nhắn rác mà mua sim khuyến mại trả trước như những khách hàng bình thường và sử dụng những số điện thoại này để “quấy rối” khách hàng.

Theo ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom thì hiện nay không có giải pháp nào triệt để ngăn chặn tin nhắn “rác” vì đây là dạng tin nhắn chủ động. Đối với các nhà cung cấp đầu số dịch vụ thì chỉ có thể xử lý theo kiểu “sai đến đâu, phát đến đó” bằng cách khóa đầu số, cắt hợp đồng liên doanh. Hiện nay Viettel Telecom đã hủy hợp đồng đối với một số công ty vi phạm nhưng tình trạng này chưa thể chấm dứt.

Khách hàng “tham mưu” chặn tin nhắn rác

Quá bức xúc về việc liên tục phải nhận những tin nhắn “rác” với chủ đề mê tín, lô đề, cờ bạc… độc giả Tuấn Duy ở Hà Nội đã chia sẻ một số biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác.
Các nhà mạng cần tiếp thu những ý kiến và đóng góp của khách hàng trong việc xử lý nghiêm những công ty cung cấp đầu số vi phạm 

Theo đó thì người tiêu dùng mỗi khi phải nhận tin nhắn rác thì cần thực hiện thêm một thao tác để thông báo cho tổng đài viên hoặc hệ thống máy tính ghi nhận thông tin phản hồi qua tin nhắn. Từ đó, các kỹ sư của các nhà mạng sẽ phải phân tích nội dung thư gửi đến về số điện thoại nào thực hiện tin nhắn quảng bá, thời gian gửi, quảng bá cho đầu số nào… Sau đó cần đưa vào áp dụng mức thống kê, với mức tin nhắn than phiền trong khoảng nào thì cần đưa ra những hình thức xử phạt tương ứng và cách hiệu quả nhất là chặn, hủy số điện thoại được dùng để quảng cáo.

Vị độc giả này rất tin tưởng cách làm này sẽ có hiệu quả cao khi các công ty quảng cáo sẽ vừa sợ bị phạt và vừa sợ tốn chi phí mua sim quảng cáo mới và qua đó họ sẽ biết cách tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Trong khi đó, anh Trần Quang Khải, trưởng phòng kỹ thuật tại công ty HuyenMobile lại đưa ra một giải pháp khá hữu hiệu là sử dụng biện pháp lọc tin nhắn “rác” thông qua nội dung của tin nhắn gửi. Biện pháp này đã khá thành công đối với việc loại bỏ những thư “rác” (hay còn gọi là spam) trên e-mail.

Tin nhắn rác ở nước ta được cấu thành từ những từ tiếng Việt không dấu và có độ dài thường không quá 160 ký tự (giới hạn của 1 tin nhắn), nên số lượng từ chỉ khoảng 20-40 từ/tin nhắn, và tổng số tất cả các từ có thể xuất hiện (trong từ điển tin nhắn rác) cũng không nhiều. Do đó chỉ cần khả năng tính toán của một hệt thống máy tính cấu hình cao là cũng có thể thực hiện tốt công việc lọc trên.

Hoàng Việt


Bình luận
vtcnews.vn