Tin giả PTT nói 'ai có ý định về quê ăn Tết thì nghĩ lại', doanh nghiệp lao đao

Thị trườngThứ Sáu, 05/02/2021 18:15:00 +07:00
(VTC News) -

Tin giả phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về COVID-19 khiến khách hàng hoang mang, làm doanh nghiệp lao đao, thiệt hại nặng nề khi Tết Nguyên đán cận kề.

Mới đây, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho biết, đã rà quét và phát hiện một số tài khoản facebook đăng tải, chia sẻ thông tin được cho là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, VAFC xác nhận nội dung thông tin trên là giả mạo. Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đề nghị người dân thận trọng, tỉnh táo trong việc tiếp nhận và chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, tránh làm phức tạp tình hình về dịch bệnh COVID-19, vi phạm các điều cấm trên không gian mạng.

Cụ thể, đoạn tin giả có nội dung: “Nếu ai có ý định đi du lịch khi vé đang rẻ, hay về quê ăn Tết với gia đình thì hãy suy nghĩ lại bằng sự thấu đáo của mình. Không du lịch đợt này ta đi đợt khác. Không về quê lúc này thì ta về lúc khác nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác đâu...".

Tin giả PTT nói 'ai có ý định về quê ăn Tết thì nghĩ lại', doanh nghiệp lao đao - 1

Thông tin giả được lan truyền trên mạng.

Những thông tin giả xuất hiện ngay khi COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương và dù chưa được kiểm chứng thực hư song lại nhanh chóng được share tràn lan trên mạng xã hội. Những thông tin giả tràn lan khiến cho tâm lý nhiều người dân hoang mang. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp phải chịu thiệt hại nặng nề.

Lo ngại dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình, nhiều người dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...thay đổi kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu nên đã đổi, trả vé tàu Tết. Thống kê của ngành đường sắt từ ngày 28/1 đến nay, đã có hơn 32.000 vé tàu đổi, trả khiến ngành đường sắt không còn tiền mặt để trả cho khách.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay do lượng khách dồn dập trả vé nên đến thời điểm này công ty đã hết tiền để tiếp nhận việc trả vé. Sau khi bán vé Tết, dòng tiền đã được phân bổ cho sửa sang toa xe, chuẩn bị cho đợt vận chuyển cao điểm Tết. Việc khách trả vé ồ ạt cùng lúc sau khi có những thông tin giả lan tràn trên mạng khiến công ty không thể xoay xở kịp.

Cũng như đường sắt, ngành hàng không cũng gặp khó khi khách hàng dồn dập hủy, hoãn vé, trong đó, nguyên nhân một phần chắc chắn có sự tác động từ những thông tin giả mạo xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, khi dịch bùng phát tại một số địa phương, hãng hàng không quốc gia ghi nhận số lượng khách yêu cầu hoàn, đổi vé tăng lên so với thường lệ. Hành khách đổi vé nhiều nhất từ những ngày 27 - 28/1. Đường bay bị đổi, trả vé nhiều là đến Hải Phòng, do đây là địa phương nằm giữa 2 vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh.

Tuy nhiên, với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, người dân đã phần nào bình tĩnh hơn khi đối phó với đại dịch. Việc nhận thức đúng và tẩy chay những thông tin giả mạo đã giúp hành khách có tâm lý ổn định hơn. Vietnam Airlines cho biết, chính vì thế nên lượng khách đặt vé máy bay dịp Tết đã hồi phục, dần trở lại bình thường.

Chia sẻ với VTC News sáng 5/2, đại diện Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cho biết hãng ghi nhận nhiều chặng bay từ Hà Nội, TP.HCM trong những ngày áp Tết có tỷ lệ lấp đầy từ 80% đến hơn 95%. Trong đó, các chặng bay nhộn nhịp nhất là từ TP.HCM đi các tỉnh, thành ở miền Bắc, miền Trung phục vụ người dân về quê sum họp cùng gia đình và từ Hà Nội đi các thành phố du lịch phía Nam như Phú Quốc, Nha Trang…

Du lịch có thể nói là ngành thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất trước những tin đồn không đúng về COVID-19 được lan truyền. Những thông tin đã được chỉnh sửa cố tình kia sẽ dễ dàng khiến người dân hoang mang, dao động và vội vàng trả vé, huỷ đặt phòng.

Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là ngay khi dịch bệnh bùng phát, nhiều tin đồn thất thiệt được lan truyền thì du khách ào ạt hủy kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ hủy những điểm du lịch ở nơi có ca bệnh như Hải Dương, Quảng Ninh, hành khách còn hủy luôn những tour ở địa phương khác. Các công ty du lịch vì thế càng điêu đứng.

Dù chưa thống kê được mức độ thiệt hại trong thời gian vừa qua nhưng bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Saigontourist cho biết, hiện khách đang e dè vì chưa biết dịch có kiểm soát được không thì lại xuất hiện nhiều nguồn tin không xác thực, mạo danh thổi phồng tình hình dịch bệnh, càng làm ảnh hưởng đến làn sóng hoãn, huỷ tour.

Cùng chung quan điểm với bà Trà, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và du lịch Bluesky Việt Nam chia sẻ, bản thân việc dịch bùng phát khiến các công ty lữ hành phải lao đao, nỗ lực không ngừng để tồn tại nhưng các thông tin gây hoang mang cho khách hàng sẽ càng khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Những ngày qua, nhiều khách hàng phía Nam liên tục gọi điện hỏi chúng tôi về việc Hà Nội chuẩn bị giãn cách, đóng cửa từ ngày A,B…để hoãn, huỷ tour. Những thông tin giả này ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi, nó khiến khách hàng hoang mang. Đối với những khách hàng đã đặt tour sẽ muốn huỷ, hoãn, còn những khách hàng mới sẽ không còn muốn đặt tour”, ông Tiến bức xúc.

Một điều dễ nhận thấy là thời gian qua, nhiều kẻ không chỉ giả phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về COVID-19 mà còn lợi dụng diễn biến phức tạp của đại dịch, những người này cố tình đăng những thông tin sai trái, xuyên tạc khác trên mạng xã hội, nhằm câu like, đánh bóng tên tuổi.

Việc tung tin giả không chỉ làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch mà còn gây những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, người dân và cao hơn là nền kinh tế đất nước.

Chính về thế, tất cả những hành động “tung tin ảo” này cần được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm và có chế tài xử phạt từ hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngọc Vy - Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp