Tìm thiếu nữ M'Nông trong tấm ảnh với Bác Hồ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 16/02/2010 12:56:00 +07:00

Tấm ảnh đen trắng đã ngả màu được gìn giữ rất cẩn thận, trong ảnh là Bác Hồ với bộ kaki trắng và đôi dép cao su giản dị đang tươi cười hiền hậu.

Trong số khách mời của buổi giao lưu với Đoàn viên thanh niên Công an mang tên "Mẹ cũng là chiến sỹ" do Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức có một người phụ nữ người dân tộc M'Nông đã đứng tuổi.

Khi được mời lên sân khấu để giao lưu, sau những câu chuyện thời kháng chiến được kể bằng vốn tiếng Kinh chậm như người già đếm hạt bắp. Cuối cùng, khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời hoạt động cách mạng của mình, người phụ nữ đã rút từ trong người ra 1 tấm ảnh đen trắng to hơn bàn tay giọng run run xúc động: "Đó là lần được gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ. Tấm ảnh này là tài sản quý nhất của nhà mình đấy!".

Đổi họ thay tên để làm cách mạng

Lần theo địa chỉ mà Thượng tá Nguyễn Thị Minh Vẻ, Trưởng ban Công tác phụ nữ Công an tỉnh cung cấp, tôi làm một cuộc hành trình ngót gần 100km đi ngược về phía Đông nơi có vùng đất Đắk Phơi Anh hùng, nơi ngọn nguồn của dòng Sêrêpốk hùng vĩ. Đường vào xã Đắk Phơi, huyện Lắk những ngày này thật đẹp, hai bên đường những vạt dã quỳ khoe sắc vàng óng đùa nhau trong nắng. Phía xa xa, dãy núi Chư Yang Sin sừng sững như những chàng thanh niên M'Nông vai sát vai đang ưỡn những khuôn ngực trần rắn rỏi che chở cho buôn làng.

Theo chân một số cán bộ của xã Đắk Phơi, tôi tìm đến một căn nhà nhỏ nằm sâu trong buôn Bu Yúk. Amí Sơn - người phụ nữ đang chầm chậm nghe, chầm chậm nói với vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình đang ngồi trước mặt tôi chính là người con gái M'Nông trong tấm ảnh ấy. Khi biết ý định của tôi, Amí Sơn như nhanh nhẹn hẳn, bà bước đến chiếc tủ gỗ duy nhất đặt giữa nhà, mở khoá lấy ra một gói nhỏ bằng quyển vở học sinh được bọc bằng nhiều lớp giấy bóng và cẩn thận lấy ra tấm ảnh quý.

Tấm ảnh quý Amí Sơn chụp chung với Bác Hồ. 

Tấm ảnh đen trắng đã ngả màu được gìn giữ rất cẩn thận, trong ảnh là Bác Hồ với bộ kaki trắng và đôi dép cao su giản dị đang tươi cười hiền hậu. Ngay phía bên phải của Bác là Amí Sơn trong trang phục truyền thống của người M'Nông, nhỏ nhắn rụt rè trong lần đầu tiên được gặp Bác. Trong ảnh còn có một số đồng bào dân tộc thiểu số khác nữa cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta thời bấy giờ. Và như không cầm lại được những xúc động, Amí Sơn bồi hồi nhớ lại những ngày tháng sôi nổi của mình.

Bà Amí Sơn tên thật là H Yiêng Đắk Chắt, SN 1940, trú ở buôn Liêng Plang, xã Đắk Phơi, huyện Lắk. Khi H Yiêng được 18 mùa rẫy thì cũng là lúc bom đạn của Mỹ, ngụy bắt đầu tàn phá các buôn làng ở Lắk, Krông Bông. Bà con M'Nông ở đây một lòng theo cách mạng và những người thanh niên khoẻ mạnh của các buôn M'Nông đã xung phong vào rừng theo bộ đội lập căn cứ đánh giặc. Còn những cô gái như H Yiêng thì ở lại làm chiến sỹ hành lang chuyên gùi đạn dược, lương thực vào tiếp tế cho khu căn cứ. Địch ruồng bố rất ác liệt nhằm triệt hạ đường tiếp tế của ta vào Đắk Phơi, chúng lùng sục, bắt bớ, đánh đập, giết hại những người bị phát hiện tiếp tế cho bộ đội.

Trước tình hình đó, để tránh bị phát hiện, theo chỉ đạo của tổ chức, H Yiêng Đắk Chắt đã đổi tên họ M'Nông cha sinh mẹ đẻ của mình thành một tên họ mới là H Yuôm Bkrông - một cái tên thuần chất của người Êđê. Trong những ngày tháng hoạt động của mình, cô gái trẻ dũng cảm H Yuôm Bkrông đã cùng chị em trong buôn bí mật gùi nhiều đạn, gạo muối tiếp tế cho bộ đội trong khu căn cứ. Vào một buổi chiều cuối năm 1963, khi nhóm của H Yuôm đang gùi đạn vào rừng thì bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch, chúng bắn như mưa về phía chị em gùi hàng, một số người đã ngã xuống, riêng H Yuôm bị trúng 3 phát đạn vào đầu và người, bị thương rất nặng. Rất may, bộ đội ta từ trong căn cứ đã ứng cứu kịp thời đánh lui quân phục kích, cứu được nhiều người và đạn dược, trong đó có H Yuôm.

Trước tình hình sức khoẻ của H Yuôm cũng như những cống hiến trước đây của chị, năm 1964, tổ chức quyết định bí mật đưa H Yuôm ra miền Bắc để chữa bệnh và học tập để sau này quay trở về phục vụ quê hương. Sau hơn 5 tháng trời đi bộ băng qua các cánh rừng bằng những con đường bí mật, nhóm của H Yuôm gồm chị và một số phụ nữ M’ Nông nữa mới đến Thanh Hoá, và từ đây, H Yuôm được ra Thủ đô Hà Nội bằng tàu hoả.

Trong những ngày tháng lưu lại Thủ đô, sau một thời gian được chăm sóc, sức khỏe của H Yuôm hồi phục, chị đã được bố trí đi học chữ ở một ngôi trường ngoại thành cùng nhiều chị em dân tộc thiểu số đến từ các vùng miền của Tổ quốc. Mặc dù có được cuộc sống an nhàn đầy đủ hơn những ngày đi gùi đạn, nhưng nỗi nhớ buôn làng, bạn bè, đồng đội thì  như cái bóng người lúc lên nương cứ đeo bám lấy H Yuôm.

Bà Amí Sơn (giữa) trong buổi giao lưu tại Công an tỉnh. 

Và chính trong thời gian này, một món quà lớn đã đến với chị. Tình cờ trong một lần mấy chị em người dân tộc thiểu số đang túm tụm trong phòng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc thì có cán bộ của trường đến thông báo rằng H Yuôm và một số người nữa chuẩn bị để đi gặp Bác Hồ. Là người con của buôn làng, cũng như nhiều người già người trẻ khác của Tây Nguyên chưa một lần được gặp Bác, chỉ được nghe qua lời kể của bộ đội trong căn cứ Đắk Phơi, nhưng những câu chuyện bình dị về Người đã để lại những tình cảm đặc biệt trong lòng người con gái M'Nông.

Sau một đoạn đường dài đi bằng ôtô từ ngoại thành vào Thủ đô đến nơi Bác làm việc, mọi người tập trung trước tiền sảnh của phòng họp nơi Bác đang cùng với các đồng chí trong Chính phủ bàn việc nước, ai ai cũng ngóng chờ để được gặp Người. Và cái không khí chờ đợi ấy cũng vỡ òa khi Bác Hồ giản dị từ phòng họp bước ra. Mọi người ùa đến vây quanh Bác, Bác thăm hỏi từng người, gặp H Yuôm, Bác ân cần hỏi han về cuộc sống của bà con người Êđê, M'Nông đang đồng cam cộng khổ với bộ đội đánh giặc… Và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đấy đã để lại cho H Yuôm một món quà quý giá, đó là tấm ảnh được chụp chung với Bác Hồ mà cho đến bây giờ bà vẫn nâng niu như một báu vật.

Sau lần gặp Bác, vì điều kiện của chiến tranh, chị và nhiều người con Tây Nguyên khác vẫn chưa về được với buôn làng. Theo yêu cầu của cách mạng, H Yuôm đã được đi rất nhiều nơi ở miền Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá… ở đây, chị vừa được học tập, vừa tham gia sản xuất để phục vụ chiến trường.

Một điều thú vị là những ngày tháng ở Cao Bằng, H Yuôm đã gặp Y Săm Niê là người Êđê ở xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk cũng được đi ra Bắc giống như H Yuôm. Nỗi nhớ quê hương và sự đồng cảm đã đưa 2 người đến với nhau và thành vợ thành chồng. H Yuôm và Y Săm cưới nhau và sinh được 3 người con là Y Sơn Bkrông, Y Thủy Bkrông và H' Hà Bkrông. Những đứa con của H Yuôm vẫn được lấy theo họ đã đổi của bà như là một tấm lòng sắt son với cách mạng. Phải đến hơn 1 năm sau ngày giải phóng, gia đình H Yuôm mới trở về với buôn làng sau hơn 12 năm xa cách.

… Và những nghĩa tình của thế hệ hôm nay

Trở lại với câu chuyện Amí Sơn đi lên Công an tỉnh làm khách mời trong buổi giao lưu "Mẹ cũng là chiến sỹ". Sau buổi giao lưu đầy cảm động đó, Thượng tá Nguyễn Thị Minh Vẻ, Trưởng ban Công tác phụ nữ Công an tỉnh đã cùng một số chị em nữa tìm đến nhà của Amí Sơn ở buôn Bu Yúk và biết được cuộc sống gia đình bà còn gặp rất nhiều khó khăn. Các con đều đã lớn và lập gia đình, chỉ còn 2 vợ chồng bà già yếu sống trong ngôi nhà ván ọp ẹp. Sức khỏe của ông Y Săm và Amí Sơn đều yếu, cái chân không còn muốn bước lên rẫy nữa. Những mảnh đạn còn sót lại trong người bà ngày nào giờ đây bắt đầu hành hạ những lúc thời tiết thay đổi.

Cảm thông với hoàn cảnh của bà, khi về đơn vị, chị Vẻ đã lên kế hoạch vận động chị em từ các chi hội của Công an tỉnh góp tiền để xây nhà tình nghĩa cho Amí Sơn. Và chỉ trong vài tháng, với tấm lòng và nghĩa cử của những người chiến sỹ Công an Đắk Lắk muốn đền đáp đối với những người có công với cách mạng, căn nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng đã được khởi công xây dựng.

Chúng tôi trở lại thăm Amí Sơn đúng vào ngày Công an tỉnh Đắk Lắk và buôn Bu Yúk làm lễ khánh thành ngôi nhà tình nghĩa cho Amí Sơn. Cả buôn Bu Yúk vui như ngày hội, những ché rượu cần mà mọi người trong buôn đem tới chúc mừng được bày ra giữa ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vữa. Ông Y Săm cẩn thận trau chuốt lại bộ quân phục, chiếc mũ kêpi và những kỷ niệm chương, kỷ vật thời chiến tranh đã cũ, còn Amí Sơn thì cái bụng vui đến nỗi cứ đi ra đi vào ngôi nhà mới mà chẳng biết làm gì. Ngoài kia, những vạt cúc quỳ vẫn vàng rực reo vui và hương của hoa cà phê, của những chồi non đang đua nhau nảy lộc chuẩn bị đón chào mùa xuân mới...

Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn