Tìm thấy rùa khổng lồ đã tuyệt chủng

Thế giớiThứ Tư, 11/01/2012 11:26:00 +07:00

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một số lượng nhỏ “hậu duệ” của loài rùa không lồ được cho là đã tuyệt chủng từ cách đây 150 năm.

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một số lượng nhỏ “hậu duệ” của loài rùa không lồ có tên khoa học là Chelonoidis elephantopus ở khu vực nhóm đảo Galapagos của Ecuador được cho là đã tuyệt chủng từ cách đây 150 năm.

Giáo sư Ryan Garrick thuộc trường Đại học Yale của Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết trong quá trình nghiên cứu các loại rùa khổng lồ ở Galapagos, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết di truyền của rùa Chelonoidis elephantopus trong mẫu ADN của một số cá thể thuộc loài rùa C.Becki hiện đang sống ở đảo Isabela thuộc Galapagos.

Một cá thể rùa khổng lồ C.Becki ở Galapagos được cho là “hậu duệ của rùa Chelonoidis elephantopus. Ảnh: Internet 

Với những kết quả thu được được sau khi so sánh mẫu ADN của rùa Chelonoidis elephantopus và các “hậu duệ” thuộc loài C.Becki, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng chắc chắn bố hoặc mẹ của những cá thể này là rùa Chelonoidis elephantopus.

Theo ông Garrick, những phát hiện mới này sẽ giúp cho các nhà khoa học có cơ sở để tin rằng vẫn còn những loài rùa khổng lồ khác bị cho là đã tuyệt chủng vẫn còn những “hậu duệ” ở đâu đó trên khu đảo Galapagos, đồng thời tạo động lực để họ tiếp tục tìm biện pháp bảo vệ những loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng. 

Loài rùa khổng lồ ở Galapagos được biết đến như là nguồn cảm hứng giúp nhà bác học người Anh Charles Darwin nghiên cứu về thuyết tiến hóa khi ông tới khu vực đảo này. Các loài rùa này nặng khoảng 400 kg, dài hơn 1,80 mét và có thể sống hơn 100 năm. Trước đây loài rùa Chelonoidis elephantopus sống ở đảo Floreana thuộc Galapagos nhưng được cho là bị tuyệt chủng ít lâu sau chuyến đi lịch sử của Darwin tới Galapagos năm 1835.

Hoài Nam/ Tin tức

Bình luận
vtcnews.vn