Tiêu diệt bọn 'ác thú' Pol Pot trên hòn đảo giữa biển cả

Khám pháThứ Hai, 26/10/2015 06:42:00 +07:00

40 năm rồi, sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Chu mất tích vẫn là một khoảng trống lịch sử

(VTC News) - 40 năm rồi, sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Chu mất tích vẫn là một khoảng trống lịch sử.

Kỳ 4 (Kỳ cuối): Tiêu diệt ác thú Pol Pot

Theo lời ông Tư Sĩ, vì có sự chuẩn bị từ trước, nên ông mang theo một chiếc la bàn nhỏ. Phát hiện sợi dây thừng neo thuyền của ông vào tàu chiến của Pol Pot bị người tài công tốt bụng người Campuchia chặt đứt, Tư Sĩ liền nổ máy chạy theo hướng ngược lại.

Đến lúc ánh mặt trời ló dạng, không thấy tàu chiến của bọn ác thú Pol Pot chạy theo, ông mới thở phào nhẹ nhõm biết rằng gia đình mình đã thoát chết. Cũng nhờ chiếc la bàn đó, mà đến đêm thì chiếc ghe chạy về đến đảo hòn Mấu.
Ông Sĩ liền chạy đi tìm kiếm Ba Ảnh, nhưng Ba Ảnh đã sang đảo Phú Quốc báo tin cho các đơn vị hải quân Việt Nam đang đóng ở đó, và dẫn đường cho các chiến sĩ ra giải phóng đảo.
“Tôi vẫn mong sẽ có ngày gặp lại được những xóm giềng của mình trên Thổ Chu, vì lúc đó vẫn nghĩ quân Khmer Đỏ dù có tàn ác nhưng đâu đến nỗi sẽ giết sạch mọi người trên đảo, chúng tôi vô tội mà. Nhưng tôi không bao giờ gặp lại bất cứ một ai nữa.
10 ngày sau chuyến đi định mệnh đó, tôi và Ba Ảnh quay trở lại Thổ Chu sau khi nhận được tin bộ đội Việt Nam đã giải phóng đảo. Đến bãi Ngự, chúng tôi nhìn thấy 2 chiếc ghe cùng bị ròng đi theo trong cái đêm 23/5 ấy, đó là ghe của gia đình Hai Nông và gia đình Tư Dần. Ghe còn mà người không thấy. Bộ đội đã tìm thấy 2 chiếc ghe vô chủ đang lênh đênh trên biển và kéo về đó.

4 năm sau, nghe kể, sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot sụp đổ, những người dân còn sống sót trên mấy hòn đảo ở Campuchia tố cáo quân Khmer Đỏ đã đưa người Việt Nam đến đó và ép buộc họ lao động khổ sai rất dã man, sau đó đánh đập và giết dần từng người một.

Bộ đội mình lúc giúp nước bạn giải phóng đảo cũng đã tìm thấy rất nhiều xác chết bị chôn vùi, nhiều giấy căn cước đã nhàu nát, mối xông, thấm nước nhưng vẫn nhận ra là của Việt Nam, mà phần lớn là ghi ở Thổ Chu, tôi mới hiểu là ngoài gia đình tôi và Ba Ảnh, sẽ không còn bất cứ ai trở về nữa”, ông Tư Sĩ bật khóc khi nhớ lại chuyện cũ.

Khu tưởng niệm hơn 500 người dân bị Khmer Đỏ thảm sát trên đảo Thổ Chu
Khu tưởng niệm hơn 500 người dân bị Khmer Đỏ thảm sát trên đảo Thổ Chu. Ảnh tư liệu

Chúng tôi tìm đến thành phố Cần Thơ náo nhiệt. Trong căn nhà bình dị giữa lòng thành phố, Đại tá Võ Hồng Thanh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 (Trung đoàn 195 - QK9) trực tiếp chỉ huy trận đánh giải phóng đảo Thổ Chu cách đây đúng 40 năm, khi nghe nhắc đến cuộc chiến, ánh mắt ông lại trở nên long lanh, sôi nổi hẳn lên. Ông bảo, đó là một trong những trận đánh đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của mình.

Thời đó, phương tiện vật chất còn thiếu thốn, nhưng khi Ba Ảnh chạy về Phú Quốc báo tin quân Khmer Đỏ đã chiếm đảo, biết không thể nhún nhường được nữa, chúng ta quyết tâm dùng sức mạnh quân sự dù lực lượng hải quân còn rất nhiều khó khăn. Đoàn Hải quân Phú Quốc dốc toàn bộ lực lượng, phối hợp cùng bộ binh của Quân khu 9 tiến hành giành lại đảo Thổ Chu, trả nợ máu cho hàng trăm đồng bào bị quân Khmer Đỏ tàn sát.
“Hồi đó, tìm khắp Huyện đội Phú Quốc cũng không có người biết đến địa hình ngoài đảo, cả tiểu đoàn đều không ai có kinh nghiệm chiến đấu trên đảo, thậm chí có người còn nằm la liệt vì say sóng. Thông tin về lực lượng Khmer Đỏ ở đó quá sơ sài, chỉ ước tính tầm 1 tiểu đoàn. Nhưng không vì thế mà sợ hãi, chúng tôi vẫn lên đường với tinh thần hừng hực từ đại thắng mùa xuân lịch sử”, ông Thanh nhớ lại.

Đại tá Võ Hồng Thanh    Ảnh: báo lao động
Đại tá Võ Hồng Thanh. Ảnh: Báo Lao động 

Theo kế hoạch vạch ra, sau khi áp sát đảo, tờ mờ sáng ngày 24/5/1975, Tiểu đoàn 410 đồng loạt nổ súng đánh chiếm bãi Ngự. Quá bất ngờ, đến 11h cùng ngày, bọn ác thú Pol Pot co cụm lại thành 3 cụm phòng ngự yếu ớt, sau đó chúng tháo chạy lên núi cố thủ.

 
Tôi vẫn mong sẽ có ngày gặp lại được những xóm giềng của mình trên Thổ Chu, vì lúc đó vẫn nghĩ quân Khmer Đỏ dù có tàn ác nhưng đâu đến nỗi sẽ giết sạch mọi người trên đảo
Ông Tư Sĩ
 
Chiều tối hôm đó, nhằm nhanh chóng giải quyết trận đánh, Sở Chỉ huy lực lượng giải phóng Thổ Chu quyết định tăng cường thêm 2 tàu tuần tiễu dùng hỏa lực yểm trợ bộ binh, kết hợp với loa gọi hàng. Biết không thể chạy trốn, sáng hôm sau, lính Khmer Đỏ lục tục kéo nhau xuống núi đầu hàng. Trận đánh đó, chúng ta đã diệt 200 tên và bắt sống 157 quân Khmer Đỏ, chiếm lại hoàn toàn Thổ Chu chỉ trong 2 ngày.
Nhưng có một điều mà đại tá Võ Hồng Thanh cho đến giờ vẫn trăn trở, đó là 40 năm rồi, sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Chu mất tích vẫn là một khoảng trống lịch sử. Tất cả những gì còn lưu giữ về sự kiện này chỉ là những nguồn dữ liệu rất ít ỏi cóp nhặt từ những mảnh ký ức. 
Quần đảo Thổ Chu giải phóng, nhưng những gì còn sót lại chỉ là hòn đảo xơ xác, những căn nhà trống hoác. Lúc quay trở lại, cả ông Tư Sĩ lẫn Ba Ảnh cứ thẫn thờ như người mất trí. Cả 2 nhân chứng sống sót đều quyết định đưa cả gia đình về sinh sống ở Hòn Mấu, để không ám ảnh bởi những ký ức đau thương trong những ngày quân Khmer Đỏ đánh chiếm đảo, trong lần chạy trốn giữa biển khơi.

Ông Tư Sĩ: chúng ta không bao giờ được phép quên sự kiện Thổ Chu
Ông Tư Sĩ: "Chúng ta không bao giờ được quên sự kiện Thổ Chu" 

Anh Toại, con trai trưởng ông Tư Sĩ mà chúng tôi gặp trên đảo hòn Mấu, cũng là một nhân chứng của sự kiện đó. Anh Toại rất nhớ những đứa trẻ cùng trang lứa sáng chiều nô đùa trên bãi biển, nhớ ngôi trường mái lá bên bãi Ngự, nhớ những ngày thanh bình nơi cực tây nam Tổ quốc. Cũng chính vì thế, gần 10 năm sau, anh đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị C3, Tiểu đoàn 561 Hải quân đóng tại đảo Thổ Chu, đích thân cầm súng bảo vệ cho hòn đảo thân yêu này cho đến ngày anh rời khỏi quân ngũ.
Cho đến giờ, Thổ Chu không còn xa ngái nữa. Mỗi tuần có 2 chuyến tàu ra vào, làm "nhịp cầu" nối đảo với đất liền. Hàng hóa trên đảo bây giờ không thiếu thứ gì. Trường học, trạm y tế và mạng lưới liên lạc viễn thông cũng đã phủ đều khắp xã. 
Cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi, nhưng từ sâu thẳm ký ức ông Ba Ảnh, ông Tư Sĩ, những ngày sóng gió trên Thổ Chu 40 năm trước vẫn luôn hiện hữu.


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn