Tiếp tục nâng cao tiềm lực nghiên cứu về công nghệ sinh học

Sản phẩmThứ Sáu, 26/10/2018 12:55:00 +07:00

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hội nghị KHCN sinh học toàn quốc 2018 đã diễn ra nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, khai thác và ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam khẳng định: Công nghệ sinh học là ngành công nghệ rất quan trọng, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y dược, nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, công nghiệp chế biến… Công nghệ sinh học cũng được xem là một trong các trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc và rộng rãi đến đời sống xã hội và sản xuất, đặt ra cơ hội và thách thức cho sự phát triển của các quốc gia.

hoi nghi cong nghe sinh hoc  (1)

 GS.TS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Phan Minh)

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ KHCN đã có nhiều quyết định, chương trình cho ngành công nghệ sinh học như Quyết định số 1670 năm 2015 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025; Quyết định số 553 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030; Quyết định số 562  ngày 25/4/2017 phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025…

“Là một cơ quan nghiên cứu KHCN hàng đầu của quốc gia, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (gọi tắt là Viện Hàn lâm) luôn xác định công nghệ sinh học là hướng ưu tiên phát triển. Viện Công nghệ sinh học, cơ quan chủ trì hội nghị hôm nay là cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Viện Hàn lâm về lĩnh vực công nghệ sinh học. Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có các viện nghiên cứu quốc gia trực thuộc khác liên quan đến lĩnh vực sinh học như Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hóa sinh biển, Viện sinh thái ở khu vực Hà Nội, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Sinh thái học miền Nam ở khu vực TP.HCM…”.

hoi nghi cong nghe sinh hoc  (2)

 Quang cảnh hội nghị phiên toàn thể (Ảnh: Phan Minh)

Nhiều năm qua, Viện Hàn lâm với sự quan tâm của Chính phủ và Bộ KHCN đã tập trung đầu tư, nâng cao tiềm lực nghiên cứu về công nghệ sinh học như 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ gen và tế bào thực vật; Dự án trung tâm giám định AND, trung tâm nghiên cứu về tế bào gốc… Song song với hoạt động nghiên cứu là các hoạt động về hợp tác quốc tế, đào tạo đại học, sau đại học, sau tiến sĩ về công nghệ sinh học tại 2 đại học trực thuộc Viện Hàn lâm: Đại học Việt Pháp và Học viện KHCN.

“Viện Hàn lâm luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ngành công nghệ sinh học trong chiến lược phát triển của mình, đặc việt, mong muốn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị, nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực rất quan trọng này của đất nước”, ông Minh nhấn mạnh.

hoi nghi cong nghe sinh hoc  (3) 3

 Triển lãm trong khuôn khổ hội nghị thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học (Ảnh: Phan Minh)

Hội nghị phiên toàn thể đã được nghe 3 báo cáo: “Công nghệ chỉnh sử hệ gen và ứng dụng trong chọn tạo giống cây trồng” do TS. Đỗ Tiến Phát, Viện Công nghệ sinh học trình bày; “Phát triển thuốc có nguồn gốc từ biển, cơ hội mới trong ngành công nghiệp dược phẩm: Bài học thành công và triển vọng trong tương lai” của GS.TS Heonjoong Kang, Giám đốc Trung tâm Phát tìm kiếm thuốc về sản phẩm thiên nhiên từ biển; “Tế bào gốc: Các thành tựu mới trên thế giới và cơ hội tiềm năng phát triển, ứng dụng ở Việt Nam” của GS.TS Daeyong Kim, Sáng lập viện, Tổng Giám đốc Hiệp hội quốc tế về ứng dựng tế bào gốc, CEO của N-BIOTER.

Như đã thông tin trước đó, Hội nghị được chia thành 6 tiểu ban Công nghệ Gen, Công nghệ Hóa sinh và Enzyme, Công nghệ sinh học Y-Dược, Công nghệ sinh học Vi sinh, Công nghệ sinh học Thực vật và Công nghệ sinh học Động vật. Các tiểu ban sẽ có 11 báo cáo được diễn ra song song.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm trưng bày các sản phẩm, thiết bị công nghệ, kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn