Tiếp tục lùi thời hạn trình Luật biểu tình ra Quốc hội

Thời sựThứ Hai, 16/03/2015 03:09:00 +07:00

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

(VTC News) - Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Dự kiến năm 2015 trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội sẽ thông qua 28 dự án luật và cho ý kiến 26 dự án luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 gồm 31 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình 

Nhiều đại biểu quan tâm là việc lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).

Đồng thời Chính phủ cũng đề nghị lùi dự án Luật về Hội đến Quốc hội khóa sau. Chỉ có dự án Luật khí tượng thủy văn được đề nghị trình sớm hơn dự kiến.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, Luật về Hội trình Quốc hội theo tiến độ.   

Góp ý toàn thể chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng có những dự án luật cấp bách đã không được đưa vào chương trình.

Ông Khoa đề nghị quan tâm đến hai dự án luật rất lớn là Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia.

“Luật Quốc phòng rất nhiều điểm đã không còn phù hợp Hiến pháp”, ông Khoa nhấn mạnh.

Đồng tình với việc cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình nhưng ông Khoa cũng đề nghị không nên lùi quá sâu. "Đây là mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, nên Luật này càng thực hiện sớm càng tốt", ông Khoa nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị nên tập trung vào các dự án luật mặc dù khó khăn, phức tạp nhưng thực tiễn rất bức xúc.

Ông Dũng cũng cho rằng xây dựng Luật biểu tình khó nhưng rất bức thiết nên cần cố gắng đưa vào sớm, không nên để quá lâu.

Ngoài dự án Luật Biểu tình, Luật về Hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ chuyển dự án Luật khí tượng, thủy văn từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Đối với các dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật cảnh vệ, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa vào Chương trình 2016 để trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất, thông qua tại kỳ họp thứ 2 và Luật dược (sửa đổi) đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.  

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện quy định của Điều 53 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ưu tiên các dự án tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chương trình xây dựng luật cần rà soát toàn bộ các dự án Luật để đảm bảo tiến độ, ưu tiên các dự án luật cấp thiết để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn mới.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn