Tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

Thế giớiThứ Năm, 06/12/2012 10:10:00 +07:00

(VTC News) - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục nói về ý đồ của Trung Quốc đằng sau hàng loạt động thái gây hấn mới trên Biển Đông.

(VTC News) - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục nói về ý đồ của Trung Quốc đằng sau hàng loạt động thái gây hấn mới trên Biển Đông.

Trao đổi với VTC News, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ  nhận định về ý đồ thực sự sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 30/11 vừa qua. Ông Trục nói: 

Việc Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là sự kiện nóng đang được cả dư luận thế giới quan tâm. 
Theo tôi, đây là bước leo thang mới, bản chất của vấn đề thì không có gì khác so với trước đây. 

 

Tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và đặc biệt là với tình hình Biển Đông hiện nay và lâu dài, Chính phủ Việt Nam sẽ có cách và sẽ thành công trong việc bảo vệ chủ quyền.


 
Tuy nhiên, phải nói là Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia trên trường quốc tế trong vụ gây hấn này và một số vụ Trung Quốc cố ý gây căng thẳng trước đây. 
Hai lần trước họ cũng cắt cáp tàu của mình bằng lực lượng tàu hải giám của họ, còn bây giờ họ lại dùng tàu đánh cá để làm điều này, kết quả là phá hoại các hoạt động của mình dưới các hình thức khác nhau. 
Nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và đặc biệt là với tình hình Biển Đông hiện nay và lâu dài, Chính phủ Việt Nam sẽ có cách và sẽ thành công trong việc bảo vệ chủ quyền.

-  Với việc cho tàu cá cắt cáp tàu Bình Minh 02, phải chăng Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật trong những tranh chấp trên Biển Đông, thưa ông?

Theo tôi nghĩ, bản chất không có gì khác cả, nó vẫn nằm trong chủ trương phá hoại các hoạt động chính đáng và phù hợp luật pháp, công ước quốc tế về luật biển của Việt Nam được thế giới công nhận. 
Bắc Kinh muốn biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để từng bước thực hiện cho bằng được chủ trương độc chiếm Biển Đông trong cái đường biên giới 'lưỡi bò' mà Trung Quốc tự vẽ ra. Gần đây nhất, họ đã hiện thực hóa 'đường lưỡi bò' trên hộ chiếu của họ, một hành động bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.

-  Nhưng tại sao Trung Quốc lại có những hành động gây hấn như cắt cáp tàu Bình Minh 02 vào lúc này, thưa ông?

Những hành động sai trái liên tiếp của Trung Quốc như in 'đường lưỡi bò' trên hộ chiếu, thành phố Hải Nam xây dựng căn cứ, triển khai thăm dò, khai thác khí đốt trong khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam,.v.v.. lại xảy ra sau kỳ họp đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 18 rõ ràng phục vụ ý đồ của họ.  

Trước khi sự việc này xảy ra, thế giới đã kỳ vọng rất nhiều vào sự thay đổi của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc để loại bỏ những mầm mống tranh chấp, để khu vực này đi vào ổn định, hòa bình và phát triển. 
Nhưng nhìn vào những hành động đây tính toán và liên tục của Trung Quốc trong thời gian gần đây thì phải khẳng định rằng chủ trương và chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này không có gì thay đổi cả.

"Trung Quốc đang tìm cách gây khó khăn cho chúng ta và một số nước trong khu vực trong hợp tác với các đối tác nước ngoài", Tiến sĩ Trần Công Trục nói - Ảnh: Tùng Đinh 

- Phải chăng ý đồ của Trung Quốc trong vụ cắt cáp là để “đe dọa” những đối tác nước ngoài muốn hợp tác cùng Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại Biển Đông? 

 

Hai lần trước họ cũng cắt cáp tàu của mình bằng lực lượng tàu hải giám của họ, còn bây giờ họ lại dùng tàu đánh cá để làm điều này, kết quả là phá hoại các hoạt động của mình dưới các hình thức khác nhau.


 
Đấy là một trong những lý do, Trung Quốc đang cố tình tạo ra những hoạt động thực tế nhằm hiện thực hóa yêu sách 'đường lưỡi bò', hành động bài bản và đầy tính toán của họ không chỉ nhằm vào chúng ta mà còn khiến các công ty nước ngoài hợp tác với chúng ta phải e dè, lo lắng. 
Và khi có tranh chấp, các công ty làm ăn sẽ tính toán đến lợi ích, rủi ro xảy ra, thậm chí họ không dám nhảy vào đầu tư ở những khu vực này.

Rõ ràng, Trung Quốc đang gây khó khăn cho ta cũng như các nước trong khu vực trong việc hợp tác với các công ty nước ngoài. 

Mục tiêu trước mắt của họ là làm sao để  hợp thức hóa yêu sách 'đường lưỡi bò' nhằm tạo ra cơ sở cho quá trình đàm phán có lợi cho họ như một điều kiện mặc cả.

Trung Quốc sẽ làm mọi cách để thế giới thừa nhận yêu sách đó, qua đó tạo được thế chủ động nhất khi đàm phán với các nước liên quan, sau đó là mục tiêu lâu dài khống chế, làm chủ được Biển Đông giúp Trung Quốc trở thành siêu cường trên thế giới.

- Với kinh nghiệm nhiều năm đàm phán với Trung Quốc về biên giới, ông có thể kể về  đàm phán biên giới đường bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ khi xưa? 

Với tư cách là người từng trực tiếp đàm phán về biên giới đường bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, thì rõ ràng ta và Trung Quốc đã hợp tác với nhau khá chặt chẽ, phân chia biên giới một cách rất thực tế và đảm bảo sự công bằng. 

Thực ra, không phải trong bất cứ vấn đề nào Trung Quốc cũng có hành động bị phê phán. 
Có những vấn đề họ cũng tỏ ra cầu thị và có thiện chí muốn giải quyết. 

Ví dụ vấn đề biên giới trên bộ, rõ ràng do yếu tố chính trị, quan hệ và cơ sở pháp lý từ lâu, thì các bên đã có thể cùng nhau hợp tác, đã ký được hiệp định về biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc. 
Sau đó Việt Nam và Trung Quốc phân giới cắm mốc đã có được một hệ thống mốc rất rõ ràng, và đã có được nghị định thư để bảo vệ mốc và quản lý các cửa khẩu thì tôi cho rằng đó là một thắng lợi. 

Còn vấn đề trên biển, rõ ràng không có mẫu số chung, và Trung Quốc đã cố tình duy trì mẫu số chung do chính họ nghĩ ra như là đường biên giới 'lưỡi bò'. 
Nếu như Trung Quốc có thiện chí, thực sự muốn giải quyết thì họ phải rút lui 'đường lưỡi bò' phi lý, gạt bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông thì mới có thể đi đến đàm phán, giải quyết được.

 

Thực ra, không phải trong bất cứ vấn đề nào Trung Quốc cũng có hành động bị phê phán. Có những vấn đề họ cũng tỏ ra cầu thị và có thiện chí muốn giải quyết.


 
Một số ít người Trung Quốc có lẽ chưa hiểu rằng, chúng ta nói họ sai  không phải chỉ để đấu tranh cho lợi ích của chúng ta, cũng không nhằm mục đích để phá Trung Quốc mà chính là muốn bảo vệ uy tín của người Trung Quốc.

Họ muốn trở thành cường quốc thì trước hết họ cần hành động có trách nhiệm, tuân thủ công ước và thông lệ quốc tế.
Thực ra, trong ngoại giao, người ta sợ nhất không phải là những quốc gia dám nói lên sự thật, mà điều đáng sợ chính là những lời nói vòng vo.
Việt Nam hành động theo chính nghĩa, và chúng ta sẽ bảo vệ bằng được điều này. Đơn giản là chính nghĩa luôn thắng hung tàn, như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi khi xưa đã viết.

"Trung Quốc rất khó ngồi vào bàn đám phán COC hoặc có thì cũng chỉ là mục đích chính trị để cho quốc tế thấy được thiện chí của mình" - Ảnh: Tùng Đinh

- Theo ông, liệu Trung Quốc có chịu ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau hàng loạt hành động ngang ngược của họ trong thời gian qua như in bản đồ có đường lưỡi bò lên hộ chiếu, trước đó là thành lập Thành phố Tam Sa?

Chúng ta hi vọng Trung Quốc cùng Việt Nam và các nước trong khối ASEAN để nói về những điều cần thiết, hợp lý trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. 
Thế nhưng sau tất cả những động thái về ngoại giao, pháp lí cũng như trên thực tế, hi vọng đó chỉ là hi vọng mà thôi. 

Thực tế khó có thể để các nước ngồi được với nhau nếu như Trung Quốc chưa bày tỏ thiện chí và tinh thần cầu thị của mình. 
Theo tôi, Trung Quốc hiểu rõ những hành động này đúng đến đâu và khi các chính trị gia Trung Quốc làm điều gì đó, họ đều tính toán đến các yếu tố quốc tế lẫn trong nước. 

Trước mắt, theo tôi với những động thái gần đây, rất khó để Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán COC.

Hoặc họ có thể tham gia nhưng chỉ với mục đích chính trị để thể hiện cho quốc tế thấy được thiện chí của mình nhưng thực chất thì vẫn khó có thể hòa hợp được.

Nếu như 'đường lưỡi bò' vẫn chưa bị ‘cắt’ thì tôi nghĩ vẫn không có thể đạt được sự thống nhất trong đàm phán giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông.

- Theo ông, tình sẽ diễn biến theo chiều hướng như thế nào thời gian tới?

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều hành động cụ thể, ví dụ như các tuyên bố về mặt ngoại giao, có những hành động vô hiệu hóa 'đường lưỡi bò' trên hộ chiếu mới của Trung Quốc như không chấp nhận cái hộ chiếu có in hình 'đường lưỡi bò'.

Trong khi đó, Ấn Độ đã xuất bản hộ chiếu mới có bản đồ trùm lên vùng Trung Quốc đã in, Philippines không cấp visa cho những người Trung Quốc sử dụng loại hộ chiếu này. 
Bên cạnh đó là những tuyên bố công khai của chúng ta, phù hợp với những hành động trên từng khu vực khác nhau của Trung Quốc và phù hợp nguyên tắc ứng xử ngoại giao quốc tế.

Trong đó những tuyên bố không phải chỉ là giữa 2 nước mà cần được công khai trước cộng đồng quốc tế để tránh gây ra những kích động không cần thiết.

Đỗ Hường - Tùng Đinh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn