Tiền tệ làm Putin thay đổi cuộc chơi với Bắc Kinh

Thế giớiThứ Sáu, 20/03/2015 02:14:00 +07:00

Câu chuyện sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương Nga-Trung sẽ làm cuộc chơi thay đổi nếu Bắc Kinh và Matxcơva bắt đầu trao đổi các mặt hàng chín

Câu chuyện sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương Nga-Trung sẽ làm cuộc chơi thay đổi nếu Bắc Kinh và Matxcơva bắt đầu trao đổi các mặt hàng chính như dầu và khí đốt bằng nội tệ. 

Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11, Putin ám chỉ rằng, vấn đề này đã được thảo luận.
Tác giả Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu và ở Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment vừa công bố loạt bài phân tích quan hệ Nga - Trung Quốc. Xin giới thiệu tiếp phần cuối của loạt tư liệu này.
Cái bắt tay giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin 
Trong năm vừa qua, quan hệ Nga-Trung đã phát triển nhanh chóng, tập trung vào ba điểm chiến lược: năng lượng, tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Tài chính
Bị cấm vận vào tháng 7/2014, một số thể chế tài chính quốc doanh Nga đã bị hạn chế tiếp cận với thị trường vốn phương Tây. Kết quả là các công ty Nga bị cô lập khỏi các trung tâm tài chính như London và New York, và thúc đẩy nhu cầu tìm nguồn vốn thay thế.
Tháng 5/2014, một phái đoàn cấp cao Nga trong đó có Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov đã thăm TQ để thảo luận về khả năng thể chế tài chính TQ sẽ thay thế nguồn tín dụng phương Tây.
Đoàn đàm phán TQ dẫn đầu là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã hứa hẹn về sự hỗ trợ của Bắc Kinh và đề cập tới việc gia tăng vai trò tiền tệ quốc gia trong giao dịch thương mại song phương để thay thế đồng đô la hay euro; gia tăng các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh TQ cho công ty Nga, mở thị trường giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho công ty nước ngoài…
Câu chuyện sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương Nga-Trung sẽ làm cuộc chơi thay đổi nếu Bắc Kinh và Matxcơva bắt đầu trao đổi các mặt hàng chính như dầu và khí đốt bằng nội tệ. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11, Putin ám chỉ rằng, vấn đề này đã được thảo luận.
Theo ông, Trung Quốc muốn mua dầu từ mỏ Vankor bằng đồng nhân dân tệ còn Rosneft thì có thể sử dụng nó để mua các thiết bị khoan thăm dò Trung Quốc. Với Matxcơva, việc này sẽ giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào đồng euro hay đô la. Còn với Bắc Kinh, đây chỉ là một bước tiến quan trọng khác trong nỗ lực thúc đẩy đồng tiền của họ trước khi có khả năng hoán đổi hoàn toàn.
Trong ngắn hạn,  nguồn lực từ TQ không thể thay thế nguồn vốn từ phương Tây. Nhưng về lâu dài, nếu châu Âu và Mỹ tiếp tục duy trì cấm vận, các công ty Nga có thể phải gia tăng tận dụng cơ hội mà TQ cung cấp. Còn Bắc Kinh thì có cơ hội hoàn tất các thương vụ theo điều khoản của mình, và cũng biến Nga thành nơi thử nghiệm cho một số lĩnh vực tài chính cần thiết trước khi tiến hành mở cửa toàn hệ thống tài chính.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ
Quan hệ Nga-Trung trong hợp tác cơ sở hạ tầng và công nghệ thay đổi sau  khủng hoảng Ukraine.  Trong suốt 15 năm, tồn tại một quy ước không chính thức về việc TQ không được tham gia đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Nga. Xuất phát từ mối lo ngại về áp lực cạnh tranh với công ty địa phương và khả năng dòng người lao động nhập cư TQ sẽ đến Nga.
Tháng 5/2014, tập đoàn xây dựng đường sắt TQ (CRCC) đã bày tỏ quan tâm trong việc xây dựng các nhà ga mới cho hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva. CRCC có thể tham gia xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao – đầu tiên của Nga – từ Matxcơva đến Kazan.
Do bị hạn chế chuyển giao công nghệ từ EU và Mỹ, nên Nga rất có thể tìm đến TQ. Nước này không thể cung cấp các công nghệ trọng yếu nhưng lại có sẵn nhiều công nghệ khác, với  giá hợp lý.
Hợp tác công nghệ là vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong quân sự. 10 năm qua, ở Nga có một lệnh cấm không chính thức là không bán cho TQ những công nghệ tối tân nhất. Một phần Matxcơva lo ngại là những vũ khí bán ra ngày nào đó có thể chống lại chính Nga trong  xung đột biên giới, lý do khác là e ngại khả năng sao chép của các công ty TQ.
Nhưng giờ đây, một số người ở Matxcơva lại muốn hợp tác không giới hạn với TQ trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Còn các chuyên gia TQ thì nhìn nhận sự hợp tác với Nga là điều  quan trọng nếu muốn hiện đại hóa quân đội.
Một liên minh mềm
Ngoài hợp tác kinh tế, thì những vấn đề về chính trị cũng được hai nước quan tâm. Trước khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh và Matxcơva có nhiều điểm chung như: cùng phản đối sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, tổ chức tập trận chung và cố gắng đưa ra một chiến lược để chống lại các cuộc “cách mạng màu”. Tình hình hiện tại chỉ củng cố thêm điều này.
Khó hình thành một liên minh quân sự chính thức, nhưng Nga và TQ có thể tạo thành một “liên minh mềm”. Khi đó, hợp tác chính trị có thể được mở rộng ở ba lĩnh vực: Hợp tác ở Trung Á, lựa chọn thay thế thể chế Bretton Woods (khuôn khổ tiền tệ quốc tế ổn định) và tăng cường hợp tác trong các vấn đề chính trị nội địa.
Trước khủng hoảng Ukraine, Matxcơva còn có quan điểm mâu thuẫn về sự mở rộng hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Á. Một mặt Kremlin vui với yêu cầu khí đốt giá rẻ của Bắc Kinh bởi nó giúp Gazprom đảm bảo được thị phần ở thị trường châu Âu. 
Hai bên còn thành lập lực lượng chung phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Mặt khác, Nga lại lo rằng các nước cộng hòa Xô viết cũ có thể phụ thuộc TQ hơn là Nga.
Nhưng giờ đây Matxcơva đã sẵn sàng chấp nhận vai trò mới của Bắc Kinh như một cường quốc kinh tế ở Trung Á. 
Nga có thể ủng hộ việc lập một ngân hàng phát triển hay Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa – một ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình kể từ 2013. 
Hy vọng của Matxcơva hiện tại để duy trì vai trò ở Trung Á không phải là một cường quốc kinh tế lớn nhất mà là một nhà cung cấp an ninh.
Nga cũng sẵn sàng ủng hộ các thể chế tài chính khác nhau do TQ dẫn dắt. Năm ngoái, Matxcơva đã ủng hộ việc thành lập một ngân hàng phát triển của BRICS theo các điều khoản Trung Quốc đưa ra. Đây là dự án họ từng phản đối chỉ một năm trước đó.
Từ khi  khủng hoảng Ukraine xảy ra, quan hệ giữa Nga và TQ đã trở nên toàn diện hơn. Với Nga, TQ không thể thay thế hoàn toàn phương Tây nhưng sự hợp tác có thể giảm thiểu tổn thất từ cấm vận. 
Với TQ, cuộc khủng hoảng đặt ra một cơ hội lớn để Bắc Kinh biến Nga thành một đối tác ‘thứ cấp’ và đảm bảo rất nhiều lợi ích chiến lược cho họ.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cho mối quan hệ này. Với Nga, quan trọng nhất là sự cân bằng giữa việc ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và mối quan hệ với các nước châu Á khác. 
Với Trung Quốc, trên tất cả họ sẽ phải đảm bảo các lợi ích của mình ở Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn