Tiến sĩ Việt hoàn thành giấc mơ 'đã 40 năm người Việt Nam chưa làm được'

Kinh nghiệm sốngThứ Tư, 04/05/2016 07:26:00 +07:00

TS Phạm Đức Toàn đã làm được điều mà đã 40 năm người Việt Nam chưa làm được về thết kế hệ thống điều khiển bay tự động

(VTC News) -Tham gia dự án chế tạo máy bay không người lái (UAV) và chủ trì thành công việc thiết kế hệ thống điều khiển bay tự động, TS Phạm Đức Toàn đã làm được điều mà đã 40 năm người Việt Nam chưa làm được.

Sau hơn 10 năm học tập, hoàn tất nghiên cứu sinh và rồi làm giảng viên tại Pháp, Phạm Đức Toàn về nước để tìm một cơ hội công việc mới.
TS Phạm Đức Toàn
TS Phạm Đức Toàn  Giám đốc Trung tâm dẫn đường và điều khiển, Viện Hàng không vũ trụ (thuộc Viện  Nghiên cứu và Phát triển Viettel). (Ảnh: Phạm Thịnh)

Thay vì chọn một công ty quốc tế có môi trường làm việc tương đồng như ở Pháp, Toàn lại đến một công ty 100% vốn Nhà nước – Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vào đầu năm 2012 và ra Hà Nội.


Lựa chọn của chàng giảng viên sinh năm 1983 môn toán ứng dụng đến tình cờ từ sự giới thiệu của người bạn và công việc được mời thuộc lĩnh vực nghiên cứu.

Sản phẩm đầu tiên mà Toàn tham gia phát triển là máy bay không người lái (UAV). Cùng thực hiện dự án với các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Toàn phát hiện một môi trường hoàn toàn khác với những gì mình từng biết khi còn làm việc tại nước ngoài.


“Chúng tôi làm nghiên cứu nhưng mục tiêu là sản phẩm cuối cùng, ứng dụng được trong thực tế chứ không phải là xong đề án hay mẫu thử. Chưa hết, mục tiêu luôn rất cao và thời gian liên tục bị thu hẹp khiến áp lực công việc ở mức nghẹt thở”, Toàn cho biết.

Sau thành công của dự án UAV, cuối năm 2014, Toàn và đồng đội được giao nhiệm vụ phát triển hệ thống điều khiển tự động bay dành cho mục đích quân sự.

Sau 1 năm miệt mài lao động của Phạm Đức Toàn, công nghệ điều khiển thiết bị bay đã được làm chủ, điều mà đã 40 năm người Việt Nam chưa làm được.

Chia sẻ về công việc này, Phạm Đức Toàn nhớ lại đã từng có thời kỳ Toàn cùng các đồng nghiệp làm không ăn, không nghỉ, thậm chí không có thời gian để về thăm gia đình.

Sự hy sinh đó đã được đền đáp khi Toàn và đồng đội đã làm chủ được công nghệ điều khiển thiết bị bay.

Bằng tài năng của mình, anh Toàn đã cho mọi người có niềm tin rằng công nghệ cao có được là do quá trình lao động, chứ không phải do chuyển giao từ một ai đó. 
TS Phạm Đức Toàn chia sẻ câu chuyện thành công của bản thân (Ảnh: Phạm Thịnh)
TS Phạm Đức Toàn chia sẻ câu chuyện thành công của bản thân
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 

Phạm Đức Toàn đã trở thành Giám đốc Trung tâm dẫn đường và điều khiển, Viện Hàng không vũ trụ (thuộc Viện  Nghiên cứu và Phát triển Viettel).

Khi đó, rất ít người tin việc thiết kế và thử nghiệm sản phẩm có thể thành công bởi đây là sản phẩm phức tạp, chỉ có những tổ hợp quân sự khổng lồ trên thế giới mới làm được.


Sau một năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, hệ thống điều khiển bay tự động hoàn toàn do các kỹ sư người Việt thực hiện đã toàn tất.

TS Phạm Đức Toàn chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ làm kỹ thuật trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có trí tuệ siêu việt nhưng chúng tôi lại thấy rằng nó đòi hỏi sự quyết tâm và đam mê, có 2 điều đó, bạn sẽ thành công. Đam mê là chìa khoá vượt qua mọi rào cản trong nghiên cứu”.
TS Phạm Đức Toàn thuyết trình về công nghệ do anh và các đồng đội đã làm chủ được. Điều này 40 năm qua người Việt khao khát giờ mới thành hiện thực
TS Phạm Đức Toàn thuyết trình về công nghệ do anh và các đồng đội đã làm chủ được. Điều này 40 năm qua người Việt khao khát giờ mới thành hiện thực 

Hệ thống điều khiển bay tự động, UAV hay nhiều sản phẩm công nghệ quân sự khác do các kỹ sư Viettel thiết kế, chế tạo đều tuân theo một nguyên tắc chung là phải làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, để nhanh chóng bắt kịp với thế giới, các dự án thường phải hoàn thành trong thời gian chỉ bằng 1/3 hoặc 1/5 so với tiến độ thông thường.

Trên thực tế, các công nghệ lõi trong lĩnh vực này vẫn thuộc về những tổ hợp quân sự lớn trên thế giới và có thể được chuyển giao  nhưng không dễ thực hiện vì nhiều rào cản.

Trong phần lớn trường hợp, chuyển giao công nghệ cho các thiết bị, hệ thống quân sự tương tự việc hướng dẫn vận hành nên những kiến thức đó không được sử dụng vào việc thiết kế, chế tạo sản phẩm khác.


Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: “Để chuyển giao công nghệ thành công, trước đó, chúng tôi phải nghiên cứu để hiểu rõ bản chất đến 90%. Hiểu được bản chất thì mình mới làm chủ được công nghệ khi đối tác chuyển giao và sử dụng các kiến thức đó để thiết kế, chế tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu trong nước”.
Anh Phạm Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Dẫn đường và điều khiển (Viện Hàng không vũ trụ) được tập đoàn Viettel vinh danh là cá nhân xuất sắc toàn cầu
Anh Phạm Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Dẫn đường và điều khiển (Viện Hàng không vũ trụ) được tập đoàn Viettel vinh danh là cá nhân xuất sắc toàn cầu
(Ảnh: Phạm Thịnh)


"Việc làm chủ sản phẩm hệ thống điều khiển bay tự động vốn chỉ chiếm khoảng 30% giá trị trong sản phẩm nhưng là những điểm quan trọng nhất", TS Phạm Đức Toàn tiết lộ.

Vị giám đốc này cho biết, điểm mấu chốt là làm chủ việc thiết kế sản phẩm, hiểu rõ công nghệ lõi, và làm nhiệm vụ tích hợp hệ thống, còn lại có thể mua linh kiện ở nước ngoài hoặc gia công trong nước.


“Thực ra, đây là cách mà tất cả các tổ hợp quân sự mới như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… hay các hãng công nghệ lớn trên thế giới đều thực hiện. Apple đâu có sản xuất link kiện nào của iPhone, cũng không có nhà máy để lắp ráp mà họ chỉ làm chủ việc thiết kế sản phẩm. Tất cả iPhone đều lắp ráp tại Trung Quốc nhưng nó vẫn là Apple. Việc tương tự như vậy với thiết bị quân sự công nghệ cao các kỹ sư Việt Nam làm được”, TS Phạm Đức Toàn khẳng định.

Làm việc tại Viện Hàng không vũ trụ Viettel, điều khiến Toàn thích nhất là “làm nghiên cứu phát triển nhưng không giống với kiểu đều đặn thường thấy”.

Vị giám đốc trẻ này chia sẻ, những dự án ở Pháp anh từng tham gia cứ đều đặn theo tiến độ và không có gì đột biến, cũng không cần quá nỗ lực.

“Nếu cứ đều đều và không có điểm nhấn như vậy thì khó tiến bộ lớn, thậm chí có thể tụt lùi. Còn ở đây chúng tôi lúc nào cũng trong trạng thái phải chạy hết tốc độ mới mong hoàn thành và thường hay bị rút ngắn thời gian khi dự án tiến triển tốt. Nhưng như vậy mới thích, chứ cứ bình bình thì công việc sẽ rất chán”, Toàn tâm sự.

Video: Phạm Gia Vinh và cộng sự chế tạo phi thuyền


Toàn chia sẻ các nước Tây Âu do cứ phát triển kiểu đều đều nên đã bị tụt hậu, trong khi Hàn Quốc trong 10 năm gầy đây đã vươn lên với bộ mặt rất khác.

Samsung xây dựng được nhà máy sản xuất chip chỉ trong 6 tháng là một minh chứng cho thấy áp lực giúp họ vươn lên như thế nào.

“Chúng tôi cũng muốn có môi trường tốt để đưa mình đến kết quả như vậy”, Toàn tâm sự.

Chàng trai trẻ này luôn quan niệm phải luôn luôn tự học, tự làm để làm chủ được công nghệ. Vì vậy, Toàn luôn tìm tòi học hỏi để hiểu kỹ, hiểu rõ vấn đề đến 90%.

"Không sợ khó, không chờ đợi người khác, hãy cứ làm đi, làm đến cùng", TS Phạm Đức Toàn luôn tâm niệm.

Diệu Linh - Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn