'Tiến sĩ quần lót' từng bật khóc khi đón Tết ở Đức

Giáo dụcThứ Tư, 10/02/2016 06:36:00 +07:00

TS Vũ Thu Hương nhớ lại kỷ niệm đã từng bật khóc trong những lần ăn Tết xa quê.

(VTC News) - TS Vũ Thu Hương nhớ kỷ niệm từng bật khóc trong những lần ăn Tết xa quê.

TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã khởi xướng chiến dịch giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em mầm non, tiểu học từ năm 2008.

Mục đích của chiến dịch giúp các em hiểu về cơ thể chính mình và bạn bè khác giới từ đó biết trân trọng, có ý thức bảo vệ cơ thể khỏi nạn xâm hại trẻ em.

TS Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương 
TS. Thu Hương đã sử dụng những chiếc quần lót trong các buổi học để giải thích kỹ lưỡng hơn cho các em về các bộ phận cơ thể. Vì vậy, nhiều người vẫn đùa vui gọi chị là “Tiến sĩ quần lót”.

Chị Hương tâm sự năm 2015 có thể nói là một năm thành công của riêng chị khi ngoài việc hoàn thành công việc, việc nuôi dạy con cái cũng khiến chị hài lòng.

Con gái của chị ngoan, hiểu biết và chững chạc hơn nhiều. Cháu đã biết tự lo cho bản thân, chăm sóc mọi người, sống có trách nhiệm và lễ phép.

Ngoài ra, chị Hương cũng làm được khá nhiều việc. Chị là khách mời quen thuộc trên các trang báo, các chương trình truyền hình về cách nuôi dạy con cái. Đặc biệt, những bài viết về cách giáo dục trẻ trong gia đình của chị Hương đã được các cha mẹ đón nhận và chia sẻ nhiều trong năm qua.

- Những điều chị tâm đắc nhất trong năm 2015 là gì?

Năm qua, 2 điều tôi tâm đắc nhất khi hoàn thành là đã góp công và góp của xây được cho điểm trường Tả Củ Tỉ, Tam Đường, Lai Châu 2 phòng học khá vững chãi, và 1 phòng bán trú cho trường TH Nậm Sỏ, Tân Uyên, Lai Châu.

Ngoài ra, kiến nghị của tôi về đất xây dựng trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) đã được Quốc hội lắng nghe và giải quyết.

Trường đã khởi công xây dựng từ đầu năm và hi vọng sang năm các cháu học sinh của trường sẽ được khai giảng trong một ngôi trường khang trang.

- Được biết, cha mẹ của chị cũng là những giảng viên Toán học. Vậy truyền thống gia đình đó đã ảnh hưởng và giúp gì cho chị trong con đường sự nghiệp?

Dĩ nhiên là có. Cả cha và mẹ tôi đều là giảng viên toán học. Cách sống luôn quan tâm hết lòng cho sinh viên, học sinh của bố mẹ tôi đã trở thành phong cách cũng như kim chỉ nam hành động của tôi. Mọi việc vì trẻ em, vì thế hệ tương lai.

- Là người luôn bận rộn với công việc, với các dự án tình nguyện trong suốt 1 năm qua, dịp Tết Nguyên Đán đối với chị có ý nghĩa như thế nào?

Tôi dự định sẽ dành Tết này cho gia đình. Đợt này, sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi cũng không tốt lắm. Một mùa xuân đầm ấm chắc sẽ đem lại cho mọi người niềm vui và chắc chắn sức khỏe cả nhà sẽ tốt lên.

- Chị thường lựa chọn việc ăn Tết cùng gia đình hay sẽ dành trọn những ngày Tết để đưa con đi khám phá những địa điểm mới?

Thực ra, tôi rất thích khám phá các vùng đất mới trong dịp nghỉ dài ngày. Năm ngoái, tôi chọn sang Singapore học thêm tiếng Anh vào dịp Tết. Được khám phá vùng đất mới, học hỏi thêm và biết thêm phong tục đón Tết ở đó cũng là điều tuyệt vời.

- Gia đình chị có cầu kỳ trong việc chuẩn bị một cái Tết đầm ấm không?

Bố mẹ tôi thì rất cầu kì chuẩn bị Tết. Dù nhà ít người nhưng bao giờ mẹ tôi cũng mua rất nhiều đồ ăn. Mẹ tôi rất thích nếu khách khứa đến ăn uống và vui chơi ở nhà tôi trong dịp Tết.

- Tết ở Hà Nội cách đây 30 - 40 năm chắc hẳn có nhiều khác biệt so với hiện nay?

Tôi có trí nhớ rất tốt. Tôi nhớ từng cái Tết từ xưa đến nay. Mỗi cái Tết đọng trong tôi một kỉ  niệm đặc biệt. Cách đây 30-40 năm, điều ấn tượng nhất với tôi là việc thức dậy xếp hàng mua thịt, lá dong, đậu xanh gói bánh chưng Tết.

Rồi việc lũ trẻ giặt là cẩn thận bộ quần áo đẹp nhất để đón Tết. Năm mới, xúng xính bộ quần áo yêu thích, đợi bà ngoại của tôi mở ví ra mừng tuổi mà bà gọi là "mở hàng", dường như không có gì tuyệt hơn.
 

- Tết của một gia đình người Hà Nội gốc chắc hẳn có rất nhiều điều khác biệt?

Tôi nghĩ điều mà khác biệt lớn nhất là sự chỉn chu và khó tính trong việc giáo dục của trẻ. Tôi vẫn nhớ, nếu chị em tôi đi chúc Tết ông bà mà mặc áo dài là ông tôi sẽ rất cảm động.

Vì thế mặc dù rất lạnh nhưng có nhiều năm, chúng tôi vẫn cố gắng mặc áo dài. Và nơi đầu tiên chúng tôi xuất hành trong dịp Tết cũng là nhà ông bà.

Mãi sau này tôi vẫn nhầm rằng tất cả mọi người đều giống chúng tôi đến nhà ông bà chúc Tết rồi mới đi chơi. Khi ông bà mất rồi, mỗi năm Tết đến, tôi vẫn còn nguyên cảm giác hụt hẫng khi không còn ông bà để chúc Tết nữa.

- Trong dịp Tết cổ truyền, phong tục nào chị cảm thấy thú vị nhất?

Phong tục mà tôi thấy vui và thú vị nhất là kiêng quét nhà ngày mùng 1 Tết. Thật sự vui mắt khi nhìn xác pháo rơi (ngày xưa) hoặc cánh hoa đào rơi đầy vườn. Cảnh đó không bao giờ có ở ngày thường, khi chúng ta quét dọn suốt ngày.

- Đón Tết cổ truyền ở nước ngoài chắc hẳn chị sẽ có rất nhiều cảm xúc khó tả?

Đã nhiều lần tôi đón Tết ở nước ngoài. Mùng 1 Tết Giáp Thân năm 2004, tôi đã ngồi trong phòng nghiên cứu ở Đức và bật khóc. Nỗi nhớ quê hiện hữu rõ ràng nhất với người xa quê chính là dịp Tết.

- Trong cuộc sống, đã có khi nào gặp những biến cố lớn khiến chị nghĩ rằng mình sẽ gục ngã?

Tôi là người đã có một cuộc sống thật sự không dễ dàng. Đã nhiều lần tôi bị oan ức, bị hại chỉ vì có liên quan đến người khác. Nhiều lúc, tôi phải thốt lên rằng: Đức Phật dạy rất đúng: Đời là bể khổ.

- Chị đã phải làm gì để tiếp tục đứng lên sau những biến cố đó?


Trong các tôn giáo mà tôi đã học, đã nghiên cứu, tôi thấy thực sự bị thu hút bởi Phật giáo. Mặc dù không ăn chay, xuống tóc, nhưng tôi tự nguyện là một Phật tử tu tại tâm.

Đức Phật dạy tôi rằng có 8 nỗi khổ, nếu con người còn dục vọng thì còn khổ sở. Vì thế,khi nào tôi khổ sở nhất, tôi cố gắng giảm bớt những ham muốn danh vọng của riêng mình, rời bỏ những tham vọng tầm thường.

Và đúng là tôi luôn thấy thanh thản hơn. Sống thiện tâm, không làm điều ác,luôn giúp đỡ mọi người đã giúp tôi vượt qua mọi biến cố.

- Những dự định của chị trong năm mới 2016 chắc hẳn sẽ rất thú vị?

Tôi là một người Hà Nội, điều mà tôi trăn trở nhất là chưa làm được gì  nhiều cho mảnh đất thân yêu. Năm nay tôi sẽ cố gắng thực hiện điều mong ước này.

Ngoài ra, tôi còn muốn xây thêm 2 điểm học nữa cho các cháu nhỏ vùng cao. Hi vọng tôi đủ sức khỏe để làm được mọi điều mong muốn.

Xin cảm ơn chị!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn