Tiến sĩ làm việc cật lực 10 năm lương vẫn chỉ 4,5 triệu đồng/tháng

Giáo dụcThứ Sáu, 13/12/2019 10:31:00 +07:00

Nhiều nhà khoa học trẻ cống hiến cho nghiên cứu hơn 10 năm nhưng mức lương nhận được chỉ 4,5 triệu đồng/tháng.

Không ít tiến sĩ đang phải đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn đam mê hay từ bỏ để đi theo cái gọi là “cơm áo gạo tiền”.

Lương 10 năm tăng… 500 ngàn đồng

Tiến sĩ K.H từng tốt nghiệp cử nhân và tiến sĩ tại Đại học kỹ thuật Darmstad (Liên bang Đức). Có khoảng thời gian chị được mời về làm việc tại Viện nghiên cứu cơ khí Annodor Đức, với mức lương khởi điểm 2.300 Euro, tương đương gần 55 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên mong muốn về quê hương cống hiến và cũng là tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, tiến sĩ K.H đồng ý làm việc tại một trường đại học ở Việt Nam từ năm 2010, mức lương chị được nhận 4 triệu đồng/tháng cùng 500 ngàn tiền phụ cấp.

t1

 Nhiều nhà khoa học trẻ cống nghiên cho cứu hơn 10 năm nhưng mức lương nhận được chỉ 4,5 triệu đồng/tháng, liệu họ có bằng lòng? (Ảnh minh họa)

Tính đến nay gần 10 năm gắn bó và làm việc, dù hài lòng với lựa chọn của mình, nhưng chế độ đãi ngộ là điều tiến sĩ H băn khoăn nhất. Vì số tiền lương chị nhận được quá ít hỏi, cống hiến gần một thập kỷ lương mới tăng thêm được 500 ngàn đồng, tức là tăng trung bình 50 ngàn đồng/năm. "Quá bèo bọt", chị nói.

Làm bài toán so sánh với thu nhập của nhiều sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng mới thấy rõ sự khập khiễng, không hợp lý.

"Tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, trình độ tiếng Anh tốt làm việc trong môi trường giáo dục đại học mà chỉ nhận mức lương từ 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Chính điều đó khiến những nhà khoa học không mấy mặn mà với công việc nghiên cứu", tiến sĩ H phân tích.

PGS.TS Ngọc Dung, giảng viên một trường đại học cho biết, để hoàn thành chương trình học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, người đó phải tiêu tốn trung bình từ 100- 300 triệu đồng tùy vào ngành học và số tiền phân bổ cho các công trình nghiên cứu.

Trong khi mức lương nhận được theo học hàm, học vị chỉ 3- 4,5 triệu đồng/tháng. Như vậy một nhà khoa học phải 'nhịn ăn, nhịn tiêu' 10 năm mới đủ tiền để đi học lấy một cái bằng”, PSG Dungnói.

Sự chênh lệch trong tỷ giá và chế độ lương dẫn đến tình trạng không ít các nhà khoa học trẻ không muốn về Việt Nam cống hiến, đúng hơn là họ không mặn mà với số tiền ít ỏi ấy.

PGS Dung cho rằng, để đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình gần như các giảng viên tiến sĩ, phó giáo sư phải tích cực dạy thêm, tham gia hướng dẫn các bạn nghiên cứu sinh và cũng phải tích cực nghiên cứu khoa học đến bạc cả đầu mới may chăng đủ nuôi gia đình.

Lương thấp nhưng sao vẫn cố làm?

Mức lương đãi ngộ cho các tiến sĩ, phó giáo sư đều được cho là quá thấp so với mặt bằng chung thu nhập của xã hội. Nhưng tại sao không mấy ai chịu từ bỏ nghề nghiên cứu?

Chia sẻ về điều này, TS Lương Thu Hoài nói điều đó nghĩa là họ chấp nhận sự hạn chế này để đánh đổi lấy vinh quanh trong nghề. “Nói đúng hơn là chúng tôi buộc phải bằng lòng với chế độ đãi ngộ để được tiếp tục sống với nghiên cứu”, TS Hoài nói.

Tuy nhiên theo TS Hoài, không thể cào bằng tất cả, lương tiến sĩ đại học lại bằng lương của giáo viên phổ thông. Chúng ta nên thêm những quy định riêng cho từng đối tượng để tạo nhiều động lực cho đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư chuyên tâm nghiên cứu.

Nếu cứ kéo dài mãi như vậy, rồi đến một ngày gánh nặng mưu sinh lớn dần, nhà khoa học không đủ sức chống chọi thì khi đó họ sẽ thôi ước mơ về đam mê.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM phân tích, nếu xét theo khu vực các nước Đông Nam Á, mức lương của nhà khoa học Việt Nam hơi thấp, nếu không muốn nói là quá “bèo”.

Tiến sĩ Sơn phân tích về một số điểm tồn tại trong chế độ đãi ngộ với giới khoa học. Thứ nhất là sự mất cân bằng trong chế độ tiền lương và thu nhập chính đáng của giảng viên; giữa làm việc và cống hiến.

Thứ hai, sự mất cân bằng về thi đua và khen thưởng, do chưa xác định đúng mối quan hệ giữa chất lượng chuyên môn, hiệu quả công việc với chức danh nghề nghiệp và danh hiệu thi đua, danh hiệu nghề nghiệp. Thứ ba, sự mất cân bằng giữa nhu cầu quản trị đại học với cơ chế tự chủ đại học hiện hành và cách thức lựa chọn các vị trí đứng đầu còn lúng túng.

Vị PGS này cho rằng điều quan trọng là các đại học song song với công tác tự chủ nên có thêm những chính sách thu hút và đãi ngộ đối với các nhà khoa học. Khi họ được quan tâm tạo điều kiện tốt để làm nghiên cứu, có các khoản tài trợ thường xuyên cho đề tài, thì mới mong tầng lớp tinh hoa phát huy tốt khả năng.

"Tất nhiên việc thay đổi chế độ đãi ngộ không phải chuyện 'một sớm, một chiều", PGS Sơn nói.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn