Tiến sĩ "choáng" vì câu V môn Toán: Các em đừng buồn!

Giáo dụcThứ Sáu, 09/07/2010 10:35:00 +07:00

(VTC News)- TS Lê Thống Nhất cho rằng những thí sinh thi môn Toán khối B không làm được câu V thì cũng không nên buồn vì ngay cả với các thầy câu này...

(VTC News)- TS Lê Thống Nhất cho rằng những thí sinh thi môn Toán khối B không làm được câu V thì cũng không nên buồn vì ngay cả  với các thầy câu này cũng là câu hóc búa.

Dưới đây là nhận xét về đề thi môn Toán khối B, D của TS Lê Thống Nhất:

Cho tới giờ phút này, khi mà các tờ báo điện tử đã lần lượt đưa ra lời giải cho các đề toán khối B, khối D (không hiểu tờ nào đưa ra lời giải câu V khối B sớm nhất? Có điều là tất cả các lời giải câu này trên các tờ đều rất giống nhau, thậm chí có 2 tờ giống nhau như hai giọt nước). Thú thực là tối nay tôi bận công việc nên không ngồi giải, nhưng xem lời giải của đồng nghiệp xin nhận xét về hai đề thi này.

1) Cả 2 đề đều có tính phân loại tốt. Tôi không nghĩ đề khối D “không có tính phân loại” bởi học sinh thi khối D, đa số không giỏi toán như nhiều thầy nghĩ (giỏi chỉ là cá biệt thôi).

2)Hầu hết đề thi của 2 khối (80%) đều bám sát các kiến thức cơ bản và lời giải gần như là rất mẫu mực trong chương trình.

3) Khối D sẽ có nhiều điểm 10 hơn khối B, khối B sẽ hiếm điểm 10.

4)Cả hai đề thi của 2 khối đều có những câu đòi hỏi kỹ năng biến đổi tốt, nhiều học sinh thiếu kỹ năng này sẽ làm rất mất thì giờ.

5)Học sinh khá giỏi của khối B, khối D đều có thể đat được 8 điểm, tuy nhiên việc hơn được số điểm này chỉ dành cho các em học giỏi môn toán.

6)Bàn thêm về câu V khối B, nếu đọc lời giải của đồng nghiệp thì có thể thấy rằng lời giải thể hiện phải sử dụng 2 kỹ năng rất quan trọng: đánh giá biểu thức bằng bất đẳng thức cổ điển, biết đặt biến để đưa về đánh giá biểu thức bằng cách ứng dụng đạo hàm. Việc kết hợp 2 kỹ năng này trong một kỳ thi đại học không phải là dễ và ngay đối với các nhà giáo thì đây cũng là sự phối hợp khó khăn. Đấy là chưa nói đến việc xét dấu của đạo hàm là xét dấu của một đa thức bậc 3 (không có nghiệm đặc biệt) trên một đoạn.

Một điều cũng cần tâm sự với đồng nghiệp và các bạn học sinh: nhiều lời giải có khi đơn giản nhưng việc nghĩ ra nó mới khó. Bây giờ đọc lời giải này rồi, tôi vẫn thấy đây là bài toán khó (khó về mặt nghĩ ra lời giải) đối với các em học sinh nói chung và các em khối B nói riêng.

7)Câu V của đề khối D chỉ cần nghĩ đến ứng dụng đạo hàm và chịu khó biến đổi là giải được, vì vậy quả là dễ thở hơn câu V khối B. Bởi vậy không có lý gì mà một báo khác nhận xét khối B dễ thở hơn khối D (?).

Tóm lại: Cả hai đề thi xứng đáng là đề thi tuyển sinh đại học. Việc có một, hai câu khó để phân loại học sinh khá giỏi là hoàn toàn bình thường. Các em học sinh không giải được câu V khối B hãy vui lên, đừng buồn bởi hầu hết cũng không giải được, kể cả các thầy cũng thế cơ mà!

TS. Lê Thống Nhất

Bình luận
vtcnews.vn