Tiền phơi sương, ông chủ 'mua chịu' Deawoo và vũng lầy Usilk City

Kinh tếThứ Sáu, 18/03/2016 06:05:00 +07:00

Đại dự án thép sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành, Usilk City tiếp tục lún sâu vào vũng lầy và ông chủ mới "mua chịu" Deawoo... là tin kinh tế đáng chú trong ngày 18/3.

Đại dự án thép sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành, Usilk City tiếp tục lún sâu vào vũng lầy và ông chủ mới "mua chịu" Deawoo... là tin kinh tế đáng chú trong ngày 18/3.

Usilk City lún sâu vào vũng lầy

Viễn cảnh thành phố hoa lệ với 13 tòa nhà cao 25-50 tầng, toàn bộ tầng hầm thông nhau, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ của chủ đầu tư Usilk City khó thành hiện thực khi dự án nhận được quyết định thanh tra toàn diện sau 7 năm triển khai.

Những cột bê tông, sắt thép hoen gỉ, những đống phế liệu ngổn ngang, dự án hoang vắng mặc cho cỏ dại mọc đầy…những khối bê tông hoen gỉ đã đắp chiếu 4-5 năm khiến ai thấy đều xót xa.
Dự án
Dự án Usilk City trơ cọc thép gỉ 

Cũng không ít lần các khách hàng tâm huyết tìm cách "trục vớt" dự án nhưng đều thất bại; không còn ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào "dám" mạo hiểm thêm tiền vào dự án. Chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long luôn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi sức ép của hàng trăm nghìn lá đơn khiếu kiện, tố cáo và các quyết định của cơ quan chức năng…Dường như “vũng lầy Usilk City” mỗi lần sa xuống sâu thêm.

Để dự án đến tình cảnh này, có lẽ trước hết đó là lỗi của chủ đầu tư. Ông Nguyễn Trí Dũng Chủ tịch Sông Đà Thăng Long đã nhiều lần phải nhận lỗi trước khách hàng: "STL đã sai lầm trong đầu tư, dùng vốn góp của khách hàng để đầu tư dàn trải khiến Dự án bị chậm tiến độ...". Song, cũng có phần lỗi từ chính khách hàng đã quá dễ dãi trong việc đóng tiền mà không giám sát tiến độ thi công, thậm chí khi dự án đã có dấu hiệu đình trệ một thời gian mà khách hàng vẫn tin vào chiêu thức "khuyến mại tặng sàn thương mại".

Ông Chủ tịch cũng đã từng nói “cứu Usilk City là cứu chính mình”. Tiếp đó, Sông Đà Thăng Long đã ký hợp đồng tổng thầu để triển khai tiếp tòa CT1-104, đồng thời chuyển nhượng dự án CT2-105 cho chủ đầu tư mới.

Những tưởng, trên đà của cụm CT1,CT2 như vậy thì dự án Usilk đã có cơ hội được giải cứu. Nhưng, ngay trước thềm năm mới 2016, Sông Đà Thăng Long lại nhận được "trát" cưỡng chế thuế, kèm theo chế tài "đóng băng" toàn bộ hóa đơn - diễn biến này đã gần như khóa chặt cánh cửa chuyển nhượng dự án vừa mới hé mở của Sông Đà Thăng Long.

Và mới đây nhất, ngày 16/02/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 830/UBND-XDGT với nội dung: “giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City Khu đô thị Văn Khê mở rộng”.

Đại dự án thép 8.000 tỷ, 10 năm hoang tàn

Dự án thép gần 4.000 tỷ, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành.

Phía trong dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên, hàng trăm hạng mục lớn nhỏ như luyện gang, luyện thép, hệ thống lò cao,... của một dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng đang nằm phơi nắng, phơi mưa. Cỏ dại, dây leo phủ đầy. Từng mảng bê tông bong tróc, nham nhở. Những khung nhà thép dở dang, những băng chuyền đã được lắp đặt, máy móc cũ gỉ,... nằm phơi trên khu đất rộng hàng ha.

Tất cả đều đang có dấu hiệu bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Một đại công trường hoang tàn không một bóng người.
Đại dự án thép 8.000 tỷ, 10 năm hoang tàn
Đại dự án thép 8.000 tỷ, 10 năm hoang tàn 

Gần 10 năm về trước là thời điểm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặt bút ký vào hợp đồng chọn nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, với công suất mở rộng 500.000 tấn phôi/năm và 500.000 tấn thép cán/năm. Đây là dự án nhóm A được vay vốn ưu đãi. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.

Dự án khởi công 2007 nhưng không bao lâu sau dự án phải dừng hoạt động vì gặp cú sốc khủng hoảng kinh tế . Năm 2009, dự án mới khởi động trở lại nhưng đã bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng.

Số vốn đội lên quá lớn khiến việc thu xếp vốn cho dự án của TISCO gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 7/2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần hai khi đang xây dựng thì các nhà thầu Trung Quốc MCC lục tục kéo nhau về nước, bỏ lại những hạng mục còn dở dang và trang thiết bị chất đầy trong kho. Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm.

Theo báo cáo mới nhất của TISCO gửi Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư khi không tiếp tục đầu tư hạng mục Cốc hóa vẫn lên đến con số 9.031 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư đã được rà soát lại và phê duyệt năm 2014, tổng mức đầu tư này cao hơn tới 927 tỷ đồng, buộc dự án phải bổ sung thêm nguồn vốn.

Nhưng theo tính toán của đơn vị tư vấn, với mức vốn “khủng” này dự án sẽ không có hiệu quả kinh tế khi thời gian để thu hồi vốn lên đến trên 23 năm.

Để “cứu” dự án, TISCO và Bộ Công Thương đang tính đến một phương án khác.

Giá xăng dầu có thể tăng mạnh

Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô trên thị trường Mỹ vượt mức 40 USD/thùng lần đầu tiên trong năm 2016, theo tin từ Wall Street Journal.

Tính từ mức 26,21 USD/thùng - thấp nhất trong 13 năm được thiết lập vào ngày 11/2/2016, đến nay giá dầu đã tăng được 53%. Giá dầu được hỗ trợ mạnh mẽ từ những kỳ vọng vào khả năng một số nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ cùng hợp tác để giảm sản lượng dầu.

Ngoài ra, đồng USD yếu cũng là yếu tố giúp giá dầu tăng mạnh, nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng lãi suất cơ bản đồng USD sẽ được điều chỉnh tăng.

Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 4,5% lên 40,20 USD/thùng, mức cao nhất tính từ ngày 3/12/2015.

Thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,15 USD/thùng tương đương 3% lên mức 41,48 USD/thùng, trong phiên đã có lúc giá dầu chạm mức 41,6 USD/thùng.

Theo xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu được dự báo có thể tăng từ 700-1.000 đồng/lít vào ngày 19/3 trong điều kiện không sử dụng quỹ bình ổn và thuế, phí.

Tính từ đầu năm đến nay có 5 lần điều hành giá xăng, giá xăng đã giảm 4 lần liên tiếp và một lần được giữ nguyên.

Hiện giá bán lẻ xăng RON 95 vùng 1 đang được Petrolimex bán ra với giá 14.450 đồng/lít, vùng 2 là 14.730 đồng/lít; xăng RON 92 vùng 1 là 13.750 đồng/lít, vùng 2 là 14.020 đồng/lít.

Ông chủ mới “mua chịu” Daewoo

Dư luận khá bất ngờ khi thương vụ mua lại Daewoo được công bố. 2 ông chủ mới là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1. Tuy nhiên, điều đáng nói là các ông chủ này không trả hết tiền cho Hanel mà khất lần sang nhiều năm sau.
Ông chủ Deawoo không chọn đối tác tiền tươi mà lại bán chịu khách sạn 5 sao cho 2 đối tác trong nước
Ông chủ Deawoo không chọn đối tác tiền tươi mà lại bán "chịu" khách sạn 5 sao cho 2 đối tác trong nước 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính 2012 của Hanel, khoản phải thu ngắn hạn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành là 180,8 tỷ đồng, tại Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 là 330,5 tỷ đồng. Cuối năm 2013, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành vẫn nợ Hanel 122,2 tỷ đồng.

Đến 31/12/ 2014, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành còn nợ Hanel 29 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 nợ Hanel 107,7 tỷ đồng.

Trong phần ghi chú, Hanel đã nêu rõ sự chây ỳ của 2 công ty này. Hanel cho biết: “Theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của công ty tại công ty TNHH Daeha cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, và theo công nợ thỏa thuận 3 bên; Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành sẽ bồi hoàn toàn bộ chi phí tư vấn mà công ty đã chi trả.

Do đó, công ty đã ghi nhận giá trị phí tư vấn và lãi phát sinh chậm thanh toán của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành số tiền 28.968.702.925 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính này, khoản nợ này đã quá hạn chưa được Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành thanh toán”.

Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, Hanel chưa nói rõ liệu hai ông chủ mới của Daewoo đã thanh toán hết tiền mua Daewoo hay chưa.

Bảo Bình (tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn