Tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, đổi 2 ăn 1

Kinh tếThứ Sáu, 25/01/2013 03:52:00 +07:00

Muốn đổi tiền mệnh giá 200 đồng, khách phải trả gấp đôi (2 ăn 1), 500 đồng thì 1 ăn 1; còn với mệnh giá 10.000 đồng, phí chỉ 6-8% nhưng không có đủ để cung ứng.

Muốn đổi tiền mệnh giá 200 đồng, khách phải trả gấp đôi (2 ăn 1), 500 đồng thì 1 ăn 1; còn với mệnh giá 10.000 đồng, phí chỉ 6-8% nhưng không có đủ để cung ứng.

Được “ủy quyền” đổi tiền mới cho cả cơ quan vì có người quen làm trong ngân hàng, chị Linh phải từ chối đồng nghiệp với các mệnh giá nhỏ như 200 đồng và 500 đồng.

Với những mệnh giá lớn hơn như 10.000, 20.000 đồng hay 50.000 đồng, chị Linh vẫn nhận đổi giúp. Nhưng khi hỏi nhiều mối quen tại các ngân hàng, chị đều nhận được câu trả lời: “Đổi nhanh, tiền 10.000 đồng polymer năm nay khan lắm”.

Nhân viên một tổ chức tài chính nhỏ cho biết, vẫn như mọi năm, phí đắt nhất là đổi tiền mới các mệnh giá nhỏ. Với tiền 200 đồng, phí đã lên tới 200%, tức là nếu đổi một thếp 100.000 đồng tiền mệnh giá này, khách phải trả 200.000 đồng. Riêng với tiền 500 đồng, phí đổi là “một ăn một”, nghĩa là phải trả 100.000 đồng cho thếp tiền 50.000 đồng.

Phí đổi tiền polymer 10.000 đồng không quá cao, chỉ 6-8% nhưng theo nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng, nguồn cung loại tiền này đang khó. 

Mức phí với tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng không quá cao, tại nơi anh này làm việc là 6-8%. Một cọc tiền phổ biến là 1 triệu đồng, mức phí phải trả là 60.000-80.000 đồng, nghĩa là muốn đổi 1 triệu đồng, khách phải trả 1.060.000 đồng đến 1.080.000 đồng.

“Nhưng muốn đổi được tiền 10.000 đồng phải đặt cọc trước, sang tuần mới có câu trả lời cuối cùng. Không có, mình sẽ hoàn lại”, anh này chia sẻ.

Chị Vân, làm dịch vụ đổi tiền cũng cho biết, đã nhận đặt cọc của nhiều người, nhưng phải hoàn trả vì không có đủ tiền 10.000 đồng để cung ứng.

“Hôm trước có được mấy chục triệu tiền 10.000 đồng thì một khách đến đổi nằng nặc đòi ôm hết, thành ra bây giờ nguồn cung cấp cho mình không có nữa, bao nhiêu người trót đưa tiền đặt cọc rồi mà đành phải trả lại vì không tìm đâu ra mệnh giá này”, chị Vân tiết lộ. Có khách đặt đổi gần 50 triệu tiền 10.000 đồng, chị này thông tin đang hỏi nhiều chỗ để gom, nhưng chưa chắc đã đủ.

Anh Tuấn, trưởng phòng tại một ngân hàng trên phố Thái Hà chỉ nhận được lời nhờ đổi hơn 10 triệu đồng tiền 10.000 đồng polymer mới nhưng cũng đã phải liên tục căn dặn phòng kho quỹ, vì mệnh giá này năm nay không có nhiều như các năm trước.

Anh này nhớ lại thời điểm cách đây 2 năm, tiền polymer mới mệnh giá 20.000 đồng và 500 đồng rất “sốt”, và lo ngại năm nay diễn ra với mệnh giá 10.000 đồng chưa tính các loại tiền lẻ, nhỏ hơn.

Nguồn tin từ bộ phận kho quỹ một ngân hàng cổ phần cho biết, năm nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tiền mới 10.000 đồng. Anh này thông tin, hiện nay, bên cạnh các đồng mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, thì tiền 10.000 đồng cũng hạn chế hơn, chưa đến mức khan hiếm để phí đắt đỏ như các mệnh giá nhỏ, nhưng cũng không dồi dào.

“Số lượng đổi từ 20 triệu trở lên đã phải tính toán”, cán bộ này cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ngân hàng Á Châu thẳng thắn bày tỏ, các ngân hàng không có “nhiệm vụ” phải cung ứng tiền mới, đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ để người dân đi chùa, mừng tuổi Tết.

Thực tế, đến Tết, mỗi ngân hàng đều có một lượng nhất định để đáp ứng cho nhân viên và khách hàng, với đủ cơ cấu, mệnh giá khác nhau.

Việc phát hành thêm tiền mới cũng cần phải căn cứ vào lượng tiền cũ thu về, chứ không thể nói muốn là in tràn lan, nên ngân hàng này cũng chỉ có một số vừa đủ để đáp ứng.

Về cơ chế cung ứng tiền mới, lãnh đạo một ngân hàng cho biết chỉ đến khi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông mới được đưa vào Ngân hàng Nhà nước để hủy và in số lượng tiền mới bù vào.

Theo dự đoán của ông này, nhiều khả năng, năm vừa rồi, lượng tiền nhỏ, lẻ mệnh giá thấp còn giá trị lưu thông nhiều, nên số in ra không được dồi dào như các năm trước.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn