Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên

Đời sốngThứ Tư, 24/11/2021 18:00:00 +07:00
(VTC News) -

Vấn đề về rác thải nhựa tấn công môi trường biển đã gây ảnh hưởng đến sự an toàn của các loài sinh vật và cả con người, đã đến lúc chúng ta cần chung tay hành động.

Bài viết này bắt nguồn từ một video do 3 bạn trẻ thực hiện nhanh chóng giống như sự tự "giác ngộ" về những tác hại mà rác thải nhựa gây ra cho con người và môi trường.

Chúng ta có thể bắt đầu cuộc sống của mình bằng những cách khác nhau. Nhưng chúng ta đều bắt đầu một ngày mới cùng nhựa, chúng ta trôi dạt đến buổi trưa cùng nhựa, và xuôi dòng đến buổi tối cũng cùng nhựa.

Tựa như vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, người có khả năng biến mọi thứ mình chạm vào trở thành vàng. Con người hiện đại có khả năng biến tất cả vật dụng trở thành nhựa theo nhiều cách khác nhau. Chính bởi nhu cầu về sự sẵn có của con người hiện đại đã dẫn đến bức tranh toàn cảnh như sau:

Sợi tổng hợp dễ dàng được tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày và trở nên quan trọng trong lối sống hiện đại. Trong năm 2015, có hơn 42 triệu tấn vải tổng hợp từ nhựa được thải ra toàn cầu. có 500 triệu ống hút được thải ra ở Mỹ mỗi ngày. Có thể bạn cũng biết rằng phải mất hơn 200 năm để chúng có thể phân hủy và biến mất khỏi trái đất.

Nếu Olympic là cuộc tranh tài trong nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Thì phải chăng các ngành công nghiệp cũng có cho mình một cuộc thi Olympic về “Rác Thải Nhựa”.

Theo số liệu thống kê năm 2015, ngành công nghiệp đóng gói bao bì đã đạt huy chương vàng với thành tích 141 tấn nhựa thải ra môi trường. Xếp sau đó là công nghiệp dệt may, ngành hàng tiêu dùng, xây dựng, điện tử.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng TP.HCM và Hà Nội đã có tới 80 tấn nhựa và nylon thải ra môi trường mỗi ngày. 

Hay trong đại dịch COVID-19, với nhu cầu về khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn tăng cao đã góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường. Theo Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải liên quan đến COVID-19 trung bình là 78 tấn/ngày, thu gom từ 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến.

“Ô nhiễm trắng” bởi nhựa đã gây ra những hậu quả như sau: Nó gây ô nhiễm môi trường nước vô cùng nghiêm trọng. Năm 2017 trong số 20 dòng sông bị ô nhiễm nặng nề do rác thải nhựa, sông Mekong chảy qua 6 quốc gia trong đó có Việt Nam có mức độ ô nhiễm đứng thứ 11, với khoảng 22.800 tấn rác. 

Khi ra đại dương, dưới tác động các yếu tố như ánh sáng, nước; nhựa được phân rã thành các mảnh vi nhựa. Chúng đi vào cơ thể người bằng đường miệng qua nước, tiêu thụ các sản phẩm biển có chứa vi nhựa, hoặc hít phải các hạt vi nhựa trong không khí. 

Con người tiêu thụ khoảng từ 39.000 đến 52.000 mảnh vi nhựa mỗi năm. Nếu để chất độc của vi nhựa tích tụ trong nhiều năm thì nó có thể phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng như đường ruột của bạn. Hơn thế nữa, Các chất phụ gia của các sản phẩm nhựa có thể gây ra viêm phế quản mãn tính, dị tật bẩm sinh, thay đổi gen, ung thư, bệnh ngoài da…

Và có một sự thật ít ai biết rằng, trước khi nhựa xuất hiện, nó cũng đã gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như làm ô nhiễm không khí do khí đốt và các chất thải được đưa ra môi trường mà không có xử lý nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất. Vô hình chung, nhựa là nguyên nhân gián tiếp gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp nguy hiểm cho con người.

Như chúng ta cũng đã biết, sự tiện lợi mà nhựa mang lại vô cùng hữu ích và cần thiết cho con người trong thời hiện đại. Nhưng nó có lẽ nó không thể thay thế được tầm quan trọng của môi trường tự nhiên như nước và không khí. Bạn có muốn tiếp tục đóng vai vị vua Midas thời hiện đại, biến thế giới thành một màu trắng của nhựa hay không? Câu trả lời nằm ở chính bạn. 

Nếu bạn cũng không muốn “Tiện 1 phút, hại nghìn năm” thì hãy cùng đồng hành với chúng mình trong hành trình sống xanh bền vững bằng cách thực hành việc tự hỏi bản thân mỗi ngày: "Liệu rằng việc sử dụng nhựa có thực sự cần thiết, hay chúng ta có thể thay thế bằng các sản phẩm khác hay không?", bạn nhé.

Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên - 1

Sinh vật biển bị chết vì rác (Ảnh: Matmatch)

Đó là thông điệp trong video clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa của nhóm 3 bạn trẻ ở Bình Định gồm Vũ Thị Thanh Tuyết, Ngô Kim Phụng, Nguyễn Hoàng Nam.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng với các bạn để hiểu thêm về thông điệp ý nghĩa này.

- Tôi tình cờ xem được một video về chủ đề “Nỗ lực ảo” đang thu hút nhiều người quan tâm trên mạng xã hội bởi những thông tin ấn tượng về vấn đề bảo vệ môi trường. Xuất phát từ ý tưởng nào mà các bạn làm clip này?

Sự ra đời của video clip này là một câu chuyện dài nhưng em sẽ kể về nó như sau, khoảng thời gian 3 tháng trước – lúc chúng em không một ai có kiến thức về nhựa cả - thì vô tình em lướt qua một bài đăng trên mạng, em không nhớ là bài đăng này của ai, nhưng nhìn chung trong bài thì người viết có đề cập đến việc con người đang hít phải nhựa hằng ngày.

Khi đọc vài dòng đầu của bài đăng thì em cũng hoang mang lắm, tự đặt câu hỏi rằng: “Ơ, nhựa mà sao lại hít được nhỉ?”.

Tuy nhiên khi đọc xong hết bài thì giống như một lời tỉnh thức, thông điệp của bài viết lại mang cho em một bức tranh tổng quát hơn về rác thải nhựa, nó không chỉ là những vật hữu hình mà chúng ta nhìn thấy, nó còn tồn tại trong cả không khí mà mắt thường không nhìn thấy được.

Sau đó em đã ngồi nghĩ về lối sống hằng ngày của chính bản thân đã đóng góp 1 phần vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, nào là đốt nhựa, xả rác, phá huỷ,… Và rồi, như mẹ em thường nói “Con cho đi rồi sẽ nhận lại”, câu nói này có mối tương đồng trong việc chúng em cho nhựa ra môi trường rồi chúng ta cũng vì thế mà “nhận” nhựa vào chính cơ thể mình.

Đến tối hôm đó, vô thức em hiện lên hình ảnh vua Midas mà cuốn sách “SỰ SỐNG 3.0” có đề cập đến, em thấy giữa vua Midas và con người hiện đại cũng có nét cực kỳ tương đồng với nhau. Vậy là ý tưởng của chúng em đã bắt nguồn từ việc đọc – hành vi nhỏ nhưng mang lại nhiều giá trị lớn mà nhiều bạn trẻ đang dần dần lãng quên bởi quá chuyên chú vào những thứ mang tính giải trí đơn giản trên các nền tảng mạng xã hội.

Chúng em mất khoảng 2 tuần để lên ý tưởng và cắt dựng video này. Chúng em đã tham khảo rất nhiều ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau, còn về mặt số liệu, chúng em chủ yếu lấy từ các nguồn như: Thông tấn xã Việt Nam, Our World In Data, Pexels, Các nhóm bảo vệ môi trường, GreenHub, Mắt xanh – thanh niên vì môi trường…

Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên - 2

Những rặng san hô bị bủa vây bởi rác (Ảnh: Matmatch)

- Là một người trẻ, các bạn có suy nghĩ gì về những con số đáng báo động về rác thải nhựa, đặc biệt là khi chúng trôi ra biển?

Em sẽ dùng từ “Thương” để nói lên cảm xúc của em những lúc thấy các con số đó. Em thương vì vẫn còn nhiều người chưa được cung cấp những kiến thức về nhựa một cách đầy đủ và sớm nhất.

Đối với con người, các tác động của ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa bắt nguồn từ chính hoạt động của chúng ta. Tuy nhiên, em cũng đồng cảm với mọi người vì hiện tại, nhận thức về nhựa của ta chưa đầy đủ, nên nó sẽ cần một quá trình dài để có được những thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành động của mọi người với nhựa.

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân”, việc cải thiện nhận thức về sử dụng nhựa cho tất cả mọi người sẽ sớm thành công nếu các bạn trẻ như em sẽ chủ động là người tiên phong trong câu chuyện này.

Về khía cạnh các loài động vật, thực vật thì em thấy thương cho chúng vì những sinh vật vô tội này đang phải chia sẻ một phần hậu quả trong vấn đề này. Vì sự thuận tiện, một nền kinh tế tiêu dùng phát triển ồ ạt, mà con người đã đánh đổi sự cân bằng của hệ sinh thái, sự thay đổi đối với quy luật sống của môi trường tự nhiên. 

Và cuối cùng là “Mẹ thiên nhiên”, con người ta luôn hướng đến cái đẹp thì thiên nhiên cũng vậy. Tuy nhiên bức tranh của trái đất dần bị mất đi vẻ đẹp thuần khiết của nó vì những hành động của con người.

Chúng em hy vọng toàn bộ bức tranh này sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nhờ lời sống xanh bền vững mà những người trẻ như chúng em đang theo đuổi.

Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên - 3

Sinh vật biển không ngừng bị tấn công bởi rác (Ảnh: Matmatch)

- Hàng ngày, chứng kiến người khác hoặc bản thân dùng “vô tội vạ” đồ nhựa, bạn cảm thấy thế nào?

Chúng em không phủ nhận rằng, tại chính một gia đình buôn bán kinh doanh, hằng ngày, những chiếc bọc nilon thực phẩm, hộp nhựa, chai nhựa được gia đình sử dụng vô số kể.

Mặc dù em luôn tuân thủ việc vứt rác đúng nơi quy định, tái sử dụng túi nilon khi có thể, nhưng em nhận thấy như vậy là chưa đủ.

Trong câu chuyện giảm lượng rác thải nhựa, em chưa hoàn toàn nói không với nhựa dùng một lần - vốn đã quá quen thuộc, tiện lợi. Nếu trước đây, em cũng không quan tâm quá nhiều đến những tác hại tiềm ẩn của nhựa thì giờ đây em lại cảm thấy tác hại của nhựa một lần lên sức khỏe con người thật đáng sợ, nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. 

Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên - 4

Rác có mặt ở mọi tầng đại dương, ảnh hưởng đến mọi loài (Ảnh: Matmatch)

- Người trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, các bạn có giải pháp gì để cải thiện vấn đề giảm thải sử dụng đồ nhựa?

Chúng em nghĩ chúng ta có thể thực hành lối sống xanh theo quy tắc 5R như sau: Reduce – là việc hạn chế/ giảm tải, Reuse – Tái sử dụng, Recycle – Tái chế, Refuse – Từ chối và cuối cùng là Rethink – Suy nghĩ lại.

Thật khó để chúng ta từ chối hoàn toàn việc sử dụng nhựa một lần. Tuy nhiên, môi trường cũng như sức khỏe của con người sẽ được cải thiện hơn nếu chúng ta sẵn sàng hành động để mang lại giá trị thực. 

Tiện 1 phút, hại nghìn năm: Quy tắc 5R và lời kêu gọi cứu biển từ 3 thanh niên - 5

Khi rác đã trôi ra biển, nỗ lực cứu đại dương là vô cùng khó khăn (Ảnh: Matmatch)

- Nếu có đề xuất hay lời kêu gọi, các bạn sẽ nói gì?

Như chia sẻ ở cuối video, chúng em muốn nhắn nhủ chính mình cũng như mọi người rằng: “Nếu bạn cũng không muốn “Tiện 1 phút, hại nghìn năm”, hãy theo đuổi hành trình sống xanh bền vững bằng cách thực hành việc tự hỏi bản thân mỗi ngày: Liệu rằng việc sử dụng nhựa có thực sự cần thiết, hay chúng ta có thể thay thế bằng các sản phẩm khác hay không?"

Hành động thực tế mà chúng em cam kết thực hiện đó là ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thay thế nhựa khi mua sắm; thay thế nhựa một lần trong các vật dụng cá nhân như bình nước, hộp cơm trưa; hạn chế “chốt đơn” các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách nếu không quá cần thiết; tái sử dụng các túi nilon khi mua sắm; tái sử dụng các loại chai nhựa đựng dung dịch các chất tẩy rửa trong gia đình thay vì dùng 1 lần rồi vứt đi; tái chế các chai lọ nhựa thành các chậu cây.

- Xin cảm ơn!

Nhóm tác giả Video:

- Vũ Thị Thanh Tuyết, sinh năm 2002, Sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Đại học Văn Lang Bình Định.

- Ngô Kim Phụng, sinh năm 1999, Giáo viên tiếng Anh tại Khánh Hòa.

- Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 2001, Sinh viên ngành kinh tế quốc tế, Trường đại học Ngân hàng Bình Định. Video minh họa trong bài này đã đạt giải nhất cuộc thi Khi nhựa lên tiếng do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Green Hub tổ chức.

Vân Hồng
Bình luận
vtcnews.vn