Tiêm kích Mỹ tự bắn hỏng, bắn hạ chính mình

Quân sựChủ Nhật, 02/05/2021 06:30:00 +07:00
(VTC News) -

Tiêm kích Mỹ nổi tiếng với khả năng khai hỏa tiêu diệt mục tiêu nhưng cũng có lúc nó tự bắn hỏng, bắn hạ chính mình.

Hồi giữa tháng 3/2021, một chiếc F-35B Lighting II của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia đợt huấn luyện bắn đạn thật tại thao trường Yuma ở bang Arizona với nhiệm vụ yểm trợ không quân ở cự ly gần vào ban đêm. 

Nội dung mà nó diễn tập là khai hỏa bệ pháo GAU-22/A gắn dưới bụng. 

Tuy nhiên, một quả đạn bắn ra từ bệ súng 25mm đã phát nổ ngay khi rời khỏi nòng, gây hư hại cho phần thân máy bay. 

Theo Trung tâm An toàn Hải quân Mỹ, sự cố trên được xếp vào "Lỗi cấp độ A". Lỗi cấp độ A dùng để chỉ các sự cố ở mức độ nghiêm trọng nhất trong cấp bốn cấp độ lỗi của quân đội Mỹ.

Tiêm kích Mỹ tự bắn hỏng, bắn hạ chính mình - 1

Một chiếc F-35B Lighting II của quân đội Mỹ. (Ảnh: The Drive)

Đối với sự cố trên không, lỗi cấp độ A được xác định là các vụ việc dẫn đến thiệt hại tài sản ít nhất 2,5 triệu USD hoặc tổn thất toàn bộ máy bay, có một hoặc nhiều cá nhân thiệt mạng hoặc thương tật vĩnh viễn.

Trong trường này, chiếc F-35B hạ cánh an toàn và không bị thương. Không rõ thiệt hại chính xác sau sự cố trên. 

Lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ cho biết đã mở cuộc điều tra về sự cố và sẽ công bố khi có kết quả. 

Theo các chuyên gia, loại đạn nổ dưới bụng F-35B trong tai nạn hôm 12/3 có thể là PGU-32/B SAPHEI-T. Đây là loại đạn xuyên giáp. Khi hoạt động bình thường, PGU-32/B sẽ phát nổ ngay sau khi ghim vào mục tiêu. Vụ nổ phát tán một lượng nhỏ zirconium - một hợp chất tự bốc cháy khi tiếp tiếp xúc với không khí, gây thêm thiệt hại cho mục tiêu.

Không rõ quả đạn phát nổ trong vụ việc này được phi công cố tình bắn ra hay do trục trặc của hệ thống vũ khí.

Đây không phải là lần đầu tiên chiến cơ Mỹ tự gây hại cho chính mình. 

Trường hợp “đáng nhớ” nhất trong quá khứ phải đến vụ tiêm kích Mỹ bắn hạ mình năm 1956. 

Ngày 21/9/1956, phi công thử nghiệm Tom Attridge của hãng Northrop Grumman điều khiển chiếc F11F-1 Tiger rời sân bay ở Calverton, Long Island để tham gia vào buổi thử nghiệm khẩu pháo 20 mm. 

Nhiệm vụ của Attridge ở chuyến bay thứ hai trong ngày là lái chiếc F11F-1 Tiger ở độ cao 6.700 m, sau đó hạ độ cao xuống 3.900 m rồi khai hỏa loạt đạn trong khoảng bốn giây. Sau đó, Attridge cần ba giây nghỉ để làm mát hệ thống vũ khí trước khi thực hiện cú khai hỏa thứ hai ở độ cao 2.100 m và kết thúc bài huấn luyện.

Tuy nhiên, 11 giây sau khi bắn xong loạt đạn đầu tiên, Attridge nhận thấy điểm bất thường khi phần kính chắn gió phía trước chiếc tiêm kích rung lắc dữ dội. Sau đó, một loạt đạn xuyên qua buồng lái khiến Attridge cho rằng chiếc F11F-1 bị tấn công và buộc phải hạ cánh khẩn cấp.

Tiêm kích Mỹ tự bắn hỏng, bắn hạ chính mình - 2

Sơ đồ mô phỏng đường đi của F11F-1. (Ảnh: Tails Through Time)

Sau cú đáp, chiếc máy bay bị mắc vào thân cây và bốc cháy dữ dội. Rất may Attridge vẫn kịp thoát ra ngoài dù bị gãy chân và đốt sống lưng. 

Một thời gian sau, Attridge vẫn băn khoăn không biết lực lượng nào tấn công mình. Nhưng các báo cáo điều tra sau đó chỉ ra chính ông đã vô tình bắn rơi chiếc máy bay mình điều khiển. 

Lật lại hồ sơ cách đây hơn 60 năm, các điều tra viên cho rằng chiếc F11F-1 trúng đạn của chính nó sau khi Attridge khai hỏa loạt đạn đầu tiên và hạ thấp độ cao máy bay xuống còn 2.100 m. 

Khi đó, loạt đạn bắn ra di chuyển với vận tốc 3.218 km/h trong khi vận tốc của chiếc Tiger F11F-1 là 1.416 km/h. Theo lý thuyết, độ chênh lệch này không thể khiến hai vật thể trên gặp nhau. 

Nhưng các điều tra viên cho rằng, loạt đạn ma sát với không khí và giảm tốc độ đi đáng kể. Điều này có thể làm vận tốc của nó bằng và thậm chí nhỏ hơn máy bay khi xảy ra va chạm.

Đến nay, đây vẫn được xem là một trong những sự cố đáng quên nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. 

Song Hy(Nguồn: The Drive, PM)
Bình luận
vtcnews.vn