Quân sự

Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào

Thứ Hai, 19/12/2022 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Trái ngược với “người anh em” Sukhoi, tập đoàn chế tạo máy bay MiG không ký được bất cứ hợp đồng xuất khẩu tiêm kích mới nào trong gần 7 năm qua.

Gần 7 năm qua, MiG không ký được bất cứ hợp đồng xuất khẩu chiến đấu cơ mới nào. Thỏa thuận gần đây nhất của công ty này là cung cấp 46 tiêm kích MiG-29M cho không quân Ai Cập (năm 2015), hay xa hơn một chút là hợp đồng cung cấp 29 tiêm kích trên hạm MiG-29K cho hải quân Ấn Độ (năm 2010).

Nếu so sánh với thành công của Sukhoi thời gian gần đây, MiG có vẻ đang gặp vấn đề lớn trong định hướng phát triển. Sự bế tắc của MiG có nhiều nguyên nhân, nhưng nhân tố chính vẫn là cách cơ chế vận hành, quản lý cũ kỹ của tập đoàn suốt nhiều thập kỷ trước khi được cải tổ.

X
Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào - 1

Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ MiG-35. (Ảnh: roe.ru)

X
Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào - 2

Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ MiG-35. (Ảnh: roe.ru)

X
Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào - 3

Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ MiG-35. (Ảnh: roe.ru)

X
Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào - 4

Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ MiG-35. (Ảnh: roe.ru)

MiG mờ nhạt, Sukhoi toả sáng

Tính từ năm 2010 đến nay, MiG chỉ xuất khẩu được khoảng 140 máy bay với các phiên bản khác nhau của MiG-29. Còn Sukhoi xuất khẩu hơn 700 máy bay Su-27/Su-30 các loại trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2021, con số này có thể sẽ tăng nhiều hơn nếu Nga thông qua việc xuất khẩu các dòng chiến đấu cơ tàng hình như Sukhoi Su-57, Su-75.

Sức hút của các dòng chiến đấu cơ do Sukhoi chế tạo có thể thấy rõ tại triển lãm hàng không lớn của Nga như MAKS hay ARMY, gian trưng bày của Sukhoi luôn trở thành tâm điểm và họ luôn có sản phẩm mới để giới thiệu với đối tác.

Nếu như năm 2019 tại triển lãm hàng không MAKS, Sukhoi ra mắt phiên bản xuất khẩu của Su-57E, hướng thẳng tới đối tác quen thuộc của công ty này, thì đến năm 2021, Sukhoi tiếp tục trình làng mẫu tiêm kích tàng hình hạng nhẹ Su-75 "Checkmate" với mục tiêu tìm kiếm các khách hàng mới có nhu cầu đặc biệt về chiến đấu cơ thế hệ 5.

Sukhoi có thể được ví như đầu tàu của ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga, 50% doanh số xuất khẩu vũ khí của Moskva đến từ các hợp đồng hàng không mà Sukhoi chiếm đa phần. Điều này cũng giúp Sukhoi tạo ra ảnh hưởng chính trị lớn trong nước Nga, bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn dành thời gian đến dự các buổi ra mắt máy bay mới của Sukhoi như Su-57E, Su-75.

Nhìn vào những con số trên và so sánh chúng với doanh số của Sukhoi trong 10 năm qua, MiG hoàn toàn lếp vế. Không giành được thị phần xuất khẩu đã là một thất bại, nhưng ngay tại sân nhà MiG cũng không thể cạnh tranh với Sukhoi.

Đã từng có một thời các dòng máy bay chiến đấu của MiG thống trị trong lực lượng không quân Liên Xô và nhiều nước trên thế giới. Những cái tên như MiG-21, MiG-25, MiG-29... đã trở nên quá nổi tiếng. Có một nền tảng vững chắc là vậy nhưng MiG không thể tận dụng được nguồn lực của họ sau khi Liên Xô tan rã, trong khi đó Sukhoi lâm vào tình cảnh còn tồi tệ hơn và công ty này chỉ có duy nhất một chiến đấu cơ có thể bán được là Su-27.

Video: Tiêm kích tàng hình Su-57 phô diễn sức mạnh trên không (Nguồn: Sukhoi)

Hào quang quá khứ

Hơn 80 năm tồn tại, MiG (tiền thân là Cục thiết kế máy bay MiG – Mikoyan) đã phát triển khoảng 450 dự án máy bay chiến đấu, trong đó 170 chiếc đã được triển khai và 94 chiếc đã được sản xuất hàng loạt. Tổng cộng, khoảng 45.000 máy bay MiG đã được chế tạo tại các nhà máy của Liên Xô và trong đó có khoảng 11.000 chiếc được xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia.

Mẫu máy bay giúp MiG trở thành "đài tượng bất tử" trong ngành công nghiệp hàng không thế giới là dòng tiêm kích phản lực MiG-21 huyền thoại - "ông vua" của bầu trời suốt hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên nó được giới thiệu (1955).

Từ những năm 1950, các dòng chiến đấu cơ của MiG đóng vai trò quan trọng trong không quân nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Sức mạnh khí tài của các dòng máy chiến đấu hiện đại như MiG-17, MiG-19, MiG-21 vào thời điểm đó kết hợp với lối đánh ấn tượng, sáng tạo và đặc trưng của phi công MiG Việt Nam đã góp phần giúp quân, dân miền Bắc đánh bại 2 đợt chiến tranh phá hoại của Mỹ đồng thời khiến đối phương phải nể phục.

Việc MiG-21 được biết đến như một "huyền thoại" trong lịch sử hàng không thế giới có một phần đóng góp không nhỏ từ các chiến công của phi công Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau thành công của MiG-21, MiG tiếp tục phát triển các dòng chiến đấu cơ phản lực khác như MiG-23, MiG-25, MiG-29 và MiG-31.

Sau khi được sáp nhập vào Tập đoàn sản xuất máy bay Thống nhất Nga (UAC) vào năm 2006, MiG được tái cơ cấu và tiếp tục được giao nhiệm vụ phát triển các dòng chiến đấu cơ cho quân đội Nga cũng như cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên việc sáp nhập chỉ tạm thời giúp MiG vượt qua giai đoạn khó khăn khi đó và không thể giải quyết vấn đề cốt lõi của MiG.

Các hợp đồng xuất khẩu và hỗ trợ kỹ thuật của MiG trong gần 7 năm qua đều liên quan đến MiG-29 – dòng tiêm kích do Liên Xô phát triển cách đây 45 năm. Không có sản phẩm mới và lệ thuộc vào MiG-29 đẩy MiG đến cảnh phải sống dựa vào nguồn vốn trợ cấp từ chính phủ Nga.

Cả hai hợp đồng với Ai Cập và Ấn Độ mang về cho MiG khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên con số này quá nhỏ để giúp tập đoàn này vượt qua khó khăn về mặt tài chính cũng như có thêm ngân sách cho việc phát triển máy bay mới. Thiếu sản phẩm mang tính đột phá chính là nguyên nhân lớn nhất khiến MiG mất dần chỗ đứng trên thị trường hàng không.

Thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp, các hợp đồng của MiG với Bộ Quốc phòng Nga cũng không khá hơn, phần lớn đều liên quan đến duy trì hoặc nâng cấp phi đội MiG-29, còn là gói nâng cấp tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31 cho phép dòng máy bay này mang tên lửa siêu thanh. Các hợp đồng này có giá trị không lớn nhưng MiG vẫn phải đầu tư đáng kể để có thể đáp ứng được yêu cầu của không quân Nga.

Trong đầu những năm 1990, cả MiG và Sukhoi đều là những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp hàng không thế giới. Những khó khăn kinh tế của nước Nga khi đó tác động lớn đến các chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Đứng trước cùng một vấn đề, MiG vẫn tiếp tục chính sách điều hành như cũ đặt trọng tâm vào thị trường nội địa, còn Sukhoi lựa chọn cải tổ mở rộng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài thay vì trông đợi vào ngân sách nhà nước.

Cách tiếp cận mới của Sukhoi đã giúp tập đoàn này vượt qua khủng hoảng và tự chủ một phần về ngân sách, đây chính là tiền đề quan trọng để Sukhoi có nguồn lực đầu tư vào chương trình phát triển chiến máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Từ năm 2000, Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu ưu tiên các chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5. MiG và Sukhoi đều có các ứng viên cho chương trình này nhưng không quân Nga lại lựa chọn Sukhoi với chương trình Su-57, trong khi đó mẫu máy bay MiG 1.42 của MiG không được đánh giá cao dù được phát triển trước và đã có sẵn nguyên mẫu (bay thử nghiệm 2000).

Việc Bộ Quốc phòng Nga chọn Su-57 vì Sukhoi có cách thức quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn MiG trong giai đoạn khó khăn. Mặt khác, Sukhoi cũng dành được nhiều hợp đồng từ nước ngoài. Nếu Su-57 hoàn thành như kế hoạch nó sẽ có lợi hơn cho việc xuất khẩu.

Thiết kế sư Ovanes Mikoyan, con trai của người lập sáng lập ra Cục thiết kế MiG và hiện cũng là cố vấn kỹ thuật của MiG nhận xét, các chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới của MiG không thể cạnh tranh lại Sukhoi. Chúng không được quan tâm đơn giản chỉ vì không mang lại bất cứ lợi ích thiết thực nào và nền công nghiệp hàng không Nga hiện nay chỉ dành ưu tiên cho các công ty quốc phòng sở hữu nguồn vốn cực lớn và có ảnh hưởng chính trị. 

Mất thị phần xuất khẩu vào tay Sukhoi và không giành được hợp đồng máy bay chiến đấu thế hệ 5 từ Bộ Quốc phòng Nga chỉ là hai trong nhiều nguyên nhân khiến doanh số của MiG tụt dốc. Sau 20 năm, mẫu máy bay duy nhất MiG có thể xuất khẩu vẫn là MiG-29.

Khó khăn là vậy nhưng UAC và cả Bộ Quốc phòng Nga vẫn dành một phần ngân sách đầu tư cho MiG bất chấp kết quả kinh doanh thu lỗ của công ty này. Các thiết kế máy bay hoặc sản phẩm ứng dụng hàng không của MiG vẫn được đánh giá cao. Nhưng để hiện thực hóa các chương trình phát triển máy bay mới của MiG là điều không hề dễ dàng.

Bằng tất cả nguồn lực của mình, sau gần 10 năm, MiG cuối cùng cũng có thể cho ra mắt MiG-35 - mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4++ đầu tiên của công ty này. Đây là sự khởi đầu để MiG có thể quay trở lại cuộc đua với các "ông lớn" trong ngành hàng không quân sự.

Tiêm kích MiG nổi tiếng thế giới thập kỷ 60, giờ 7 năm không bán được chiếc nào - 5

MiG muốn vực dậy bằng dòng tiêm kích đa năng MiG-35 nhưng con đường mà công ty này phải đi không hề dễ dàng. (Ảnh: roe.ru)

Quay trở lại cuộc đua

Kể từ năm 2010, các cường quốc quân sự trên thế giới đều tập trung nguồn lực cho việc phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35 Lightning II của Mỹ, Sukhoi Su-57 của Nga, J-20 của Trung Quốc, nhưng những máy bay thế hệ 4++ vẫn chiếm một ưu thế nhất định.

Ngày 18/7/2017, tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2017, MiG lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4++ MiG-35 – dòng sản phẩm chủ lực của công ty này cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

MiG-35 là sản phẩm nâng cấp của MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2, hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Để cho ra đời MiG-35, MiG mất gần 10 năm, sau khi chương trình được thông qua vào năm 2007.

Ông Musheg Baloyan - Giám đốc Chương trình Máy bay MiG-29M và MiG-35 của MiG cho biết: “MiG-35 đang ở giai đoạn thử nghiệm chung cấp nhà nước và đã đạt được chứng chỉ sơ bộ để có thể đưa vào sản xuất thí điểm. Các phi công rất thích máy bay này vì chúng dễ vận hành và mang đến nhiều lợi thế”.

So với MiG-29, MiG-35 có hệ thống điều khiển không dây (fly-by-wire) thế hệ mới, khung thân nhẹ hơn, dung tích nhiên liệu lớn hơn và động cơ hoạt động hiệu quả hơn. Hiện Nga đang phát triển các phiên bản một chỗ ngồi và 2 chỗ ngồi của dòng máy bay này.

MiG-35 được chế tạo để hoạt động trong môi trường tác chiến cao độ; liên tục trong thời gian dài, đặc biệt những nơi có hệ thống phòng không dày đặc và nhiều lớp. Tiêm kích này đã bắt đầu bay thử nghiệm và chứng minh các khả năng với khách hàng nước ngoài tiềm năng vào tháng 1/2017.

Quá trình phát triển MiG-35 diễn ra tương đối chậm chạp. Chỉ đến năm 2013, Lực lượng không quân Nga mới thông báo kế hoạch mua tổng cộng 37 chiếc máy bay này.

Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 14 chiếc MiG-35 đã được sản xuất, trong đó có 6 chiếc đang trong quá trình thử nghiệm và 8 chiếc theo tiêu chuẩn đại trà. Nga vẫn là nhà khai thác và vận hành duy nhất của MiG-35 (đơn đặt hàng 37 chiếc). Tuy nhiên mục tiêu hàng đầu của MiG vẫn là xuất khẩu.

Quyết tâm là vậy nhưng ban lãnh đạo MiG lại quên mất rằng các đối tác truyền thống của họ đã chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm của Sukhoi hoặc các dòng máy bay cùng phân khúc của phương Tây. Việc quay trở lại đầu tư vào MiG-35 là điều khó có thể xảy ra.

Các khách hàng tiềm năng nhất của MiG-35 là Ấn Độ, Ai Cập và Malaysia đều không quá quan tâm tới MiG-35 dù họ đang sử dụng số lượng đáng kể máy bay MiG-29. MiG-35 cũng tham gia vào chương trình nâng cấp chiến đấu cơ tương lai của nhiều nước nhưng không được đánh giá cao bằng Sukhoi hoặc các dòng chiến đấu cơ khác của phương Tây.

Một bất lợi khác của MiG-35 là nó được sản xuất mới hoàn toàn, không giống như MiG-29M (phiên bản nâng cấp của MiG-29). Các khách hàng của MiG có cơ sở để lo ngại về hoạt động của MiG-35 trong điều kiện thực tế. Cánh cửa xuất khẩu của MiG-35 chỉ có thể mở ra sau khi không quân Nga đưa vào trang bị dòng chiến đấu cơ này và nó chứng minh được độ tin cậy trong hoạt động trên thực địa.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn