Tịch thu ô tô của tài xế say rượu: 'Mục đích bảo vệ tính mạng người dân'

Thời sựThứ Năm, 05/03/2015 08:17:00 +07:00

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện của một số hành vi vi phạm giao thông là để bảo vệ tính mạng con người.

(VTC News) - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện của một số hành vi vi phạm giao thông là để bảo vệ tính mạng con người.

Tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.

Theo đó, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. 

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất tịch thu xe máy khi người điều khiển cố tình đi vào đường cao tốc.

PV VTC News đã phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để rõ hơn về đề xuất kiến nghị trên.

Mục tiêu vì con người

- Pháp luật hiện hành đã có chế tài xử phạt những hành vi vi phạm giao thông như đi xe máy vào đường cao tốc, vi phạm về nồng độ cồn. Vậy tại sao thời điểm này Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại đề xuất tịch thu phương tiện đối với những hành vi vi phạm nói trên, thưa ông?

Theo Nghị định 171, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cấm bị xử phạt từ 200.000 – 400.000 đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe, thực tế cho thấy vi phạm vẫn xảy ra tràn lan trên nhiều tuyến đường cao tốc.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia xác định những hành vi vi phạm nói trên có tính chất nguy hiểm, không những gây ảnh hưởng đến bản thân người vi phạm, mà còn đe dọa an toàn giao thông đối với những người khác, đối với cả hệ thống giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ảnh: Minh Chiến)

Tôi lấy dẫn chứng, trên một tuyến đường cao tốc cho ô tô lưu thông với tốc độ từ 80km/h đến 100km/h, nhưng lại xuất hiện xe máy khiến các phương tiện khác không thể lưu thông theo đúng tốc độ của đường cao tốc. Hơn nữa, luôn phải dè chừng vì có xe máy trên đường cao tốc để không xảy ra tai nạn. Rõ ràng, việc xe máy đi vào đường cao tốc gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng con người, giảm hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc.

Video ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc cực kỳ nguy hiểm



Về trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chế tài cũng đã có nhưng chưa đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy, đa phần các vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng nguyên nhân đều đến từ việc sử dụng rượu bia, không kiểm soát được hành vi của mình khi tham gia giao thông.

Nên chúng tôi đề xuất hình thức xử phạt là tịch thu phương tiện vi phạm ở một số hành vi nguy hiểm để ngăn ngừa những hành vi này xảy ra. Mục đích của hình thức xử phạt nặng là để giáo dục, răn đe người dân, tạo cho người dân ý thức “không vi phạm giao thông”, ngăn ngừa những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm như tôi vừa nêu trên.

 

Một chiếc xe máy, một chiếc ô tô không thể so sánh được với tính mạng của mỗi chúng ta, của người thân chúng ta. Vì hệ lụy của tai nạn giao thông là cực kỳ lớn.

Ông Khuất Việt Hùng
 
- Nhiều người dân cho rằng, tịch thu xe máy hoặc ô tô thì họ “hết đường làm ăn”, vì đối với nhiều người, đó là tài sản phục vụ cho việc kiếm sống?

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia luôn xác định rằng, không có gì quý giá hơn tính mạng của con người. Một chiếc xe máy, một chiếc ô tô không thể so sánh được với tính mạng của mỗi chúng ta, của người thân chúng ta. Vì hệ lụy của tai nạn giao thông là cực kỳ lớn. Nhiều gia đình mất đi người thân, rơi vào cảnh bần cùng cũng chỉ vì tai nạn giao thông.

Đối với cơ quan đưa ra đề xuất, không phải để xử phạt, để tịch thu phương tiện mà để ngăn ngừa xảy ra hành vi vi phạm, để giáo dục ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Chúng tôi muốn người dân phải ghi nhớ về việc không vi phạm giao thông từ những chế tài nặng như thế này. Không một cơ quan nào mong muốn người dân vi phạm giao thông để xử phạt, để tịch thu tài sản cả. Nếu suy nghĩ như vậy thì hoàn toàn thất bại với những quy định pháp luật mà chúng ta đưa ra.

Chúng ta đưa ra chế tài để cảnh báo người dân, ngăn ngừa hành vi vi phạm, đó là mục tiêu mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hướng đến khi đưa ra đề xuất.

- Ông nghĩ thế nào về ý kiến tăng mức tiền phạt thay vì tịch thu phương tiện vi phạm như đề xuất?

Chúng ta cũng đã có chế tài xử phạt vi phạm giao thông bằng tiền, nhưng nếu tăng mức tiền, thì tăng lên bao nhiêu là đủ để ngăn chặn những hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm như vậy.

Tôi tin tưởng, tịch thu phương tiện vi phạm là hình thức xử phạt đủ sức răn đe, giáo dục để người dân chấp hành luật lệ an toàn giao thông.

Bạn có ủng hộ tịch thu ô tô nếu say rượu, tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc?

  • Ủng hộ
  • Phản đối
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Hành vi vi phạm càng nguy hiểm thì phạt càng nặng

- Theo một số luật sư, việc tịch thu phương tiện có thể vi phạm một số quy định trong luật dân sự. Với tư cách là đơn vị đề xuất, ông nghĩ thế nào?

Hiện nay luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm. Căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, chúng tôi mới đưa ra đề xuất trên. 

Nếu mức rủi ro không quá cao, chúng tôi đồng ý là có thể xử phạt bằng tiền, nhưng với trường hợp hành vi đó uy hiếp an toàn giao thông quá lớn không chỉ cho những người vi phạm mà cả hàng trăm xe ô tô đang chạy với tốc độ cao thì không thể như thế được bởi hậu quả sẽ cực kỳ lớn.

Mục tiêu của xử phạt vi phạm hành chính không phải là để tịch thu phương tiện hay phạt để lấy tiền mà đó là để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Xe máy đi vào đường cao tốc trên cao (Ảnh: Minh Chiến) 
- Nhìn chung, một số quy định xử phạt về vi phạm giao thông ở nước ta hiện nay còn quá nhẹ, thưa ông?

Ở một số hành vi thì mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe. Tôi lấy ví dụ ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ hành vi lái xe khi sử dụng rượu bia không những bị phạt tiền mà còn phải ngồi tù. 

Điều đáng nói, không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử phạt, người giao phương tiện cho người khác điều khiển cũng bị phạt tù, người bán rượu cho người điều khiển phương tiện cũng nhận mức xử phạt như vậy. Tóm lại, đối với hành vi điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, có ba đối tượng bị xử phạt: người điều khin, người giao phương tiện, người bán rượu.

Video ô tô đi ngược chiều phóng như bay trên cầu Nhật Tân

Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã kéo giảm số người thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm nhờ những quy định xử phạt nghiêm khắc.

Quan điểm của tôi, hành vi vi phạm càng nguy hiểm thì chúng ta cần phạt thật nặng để ngăn ngừa không cho hành vi đó xảy ra nữa.

- Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề xuất này?

Tôi tin rằng đề xuất này sẽ thực hiện tốt. Tôi tin rằng khi chế tài này được thông qua và công bố thì số người vi phạm sẽ giảm đi. Đó là mục đích cuối cùng mà chúng tôi hướng đến. Tôi xin nhắc lại, chúng tôi đưa ra đề xuất để ngăn chặn, để giáo dục, không phải đề xuất để đặt mục tiêu xử phạt lên hàng đầu.

Video Thanh niên 'chuyên' chặn đầu ôtô đi ngược chiều ở Hà Nội

- Sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra đề xuất, đơn vị có nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý không thưa ông?

Chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý. Trong đó, có cả những ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Chúng tôi xem xét, tổng hợp những ý kiến đó để báo cáo lên cấp trên.

Đặc biệt, có ý kiến góp ý cho rằng, nên đưa ra hai hình thức xử phạt để người dân lựa chọn: nộp tiền với một mức tiền tương ứng hoặc tịch thu phương tiện. Tôi thấy ý kiến này cũng cần được xem xét. 

Xin cảm ơn ông!

Theo bạn có nên tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc không?

  • Không
  • Phương án khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Minh Chiến (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn