"Thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình là... hàng đi mượn

Thế giớiThứ Ba, 26/04/2011 11:13:00 +07:00

(VTC News) - "Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt", phát ngôn này của Đặng Tiểu Bình không phải do ông trực tiếp nghĩ ra.

(VTC News) - "Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt", phát ngôn này của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được coi là danh ngôn nổi tiếng thế giới. Giới nghiên cứu lý luận Trung Quốc đã mở rộng câu nói này thành “thuyết con mèo”, hơn nữa nỗ lực phát triển học thuyết.

 

Tuy nhiên, dù rất quen với câu nói này, nhưng ngay cả người Trung Quốc không phải ai cũng biết câu nói này bắt nguồn từ đâu, thậm chí có không ít người còn nhầm “mèo vàng” thành… “mèo trắng”.

 

"Thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình xuất hiện sớm nhất trong 2 lần phát biểu vào tháng 7/1962: lần thứ nhất là ngày 2/7, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 khóa 3 Đoàn Thanh niên Đảng cộng sản Trung Quốc; lần thứ hai, trong bài phát biểu tại Hội nghị Ban bí thư Trung ương Đảng thảo luận về vấn đề làm thế nào để khôi phục nền nông nghiệp.

  

"Bất kể mèo vàng hay mèo đen, phương pháp nào có lợi cho khôi phục sản xuất thì áp dụng phương pháp đó. Tôi tán thành việc nghiêm túc nghiên cứu khoán sản lượng đến từng hộ gia đình."

(Đặng Tiểu Bình văn tuyển - Làm thế nào để khôi phục sản xuất nông nghiệp)

Muốn hiểu rõ ý nghĩa của phát ngôn nổi tiếng này, phải đặt nó vào hoàn cảnh đương thời, khi nền kinh tế Trung Quốc đang vô cùng khó khăn và lâm vào khủng hoảng. Vì muốn thoát khỏi cửa ải khó khăn này, tại một số địa phương đã xuất hiện các hình thức như khoán sản lượng đến từng hộ gia đình. Những hình thức này mặc dù giúp phần nào khôi phục sản xuất, được nhân dân ủng hộ, nhưng trong cơ chế quản lý kinh tế quan liêu tập thể khi đó đều bị coi là “bất hợp pháp”.

 

Đặng Tiểu Bình dùng so sánh “mèo vàng mèo đen” này, chủ yếu là để nói một cách hình ảnh rằng: Trong quan hệ sản xuất, không thể hoàn toàn áp dụng một hình thức cố định bất biến, mà hình thức nào tại địa phương nào có thể khôi phục và phát triển sản xuất một cách dễ dàng và nhanh chóng thì áp dụng hình thức đó.

 

Tuy nhiên, một tháng sau 2 lần phát ngôn của Đặng Tiểu Bình, trong hội nghị Bắc Đới Hà, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Mao Trạch Đông đã gay gắt phê bình cái gọi là “gió nghịch chiều”, hơn nữa nhấn mạnh “trận gió” này càng lên cao càng nguy hại, xem bản chất của nó thực ra là vấn đề chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản. Đến Đại cách mạng văn hóa, thuyết “mèo vàng mèo đen” càng bị phê phán kịch liệt, bị gọi là “thuyết duy lực lượng sản xuất”.

 

Bất đồng trong tư tưởng Mao - Đặng thể hiện rõ qua "thuyết con mèo"

Thế nhưng, bất chấp việc bị phê phán, vùi dập, thuyết “mèo vàng mèo đen”, hình tượng tỉ dụ sinh động này vẫn lan nhanh như gió. Đặc biệt, sau cải cách mở cửa, thuyết “mèo vàng mèo đen” lại một lần nữa được đưa lên bàn quyết sách, dần dần diễn hóa thành thuyết “mèo trắng mèo đen”, hơn nữa nhận được sự tán thành, ủng hộ rộng rãi của đông đảo các tầng lớp. Phát triển là lẽ tất yếu, những thay đổi to lớn của nông thôn Trung Quốc hơn 30 năm nay đã chứng minh ai đúng ai sai.

 

Mặc dù thuyết “con mèo” rất nổi tiếng và gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình, nhưng trên thực tế, nhà lãnh đạo này lại không phải là người đầu tiên đưa ra khái niệm. trong bộ tiểu thuyết Liêu trai chí dị, quyển 3, cuối thiên Khu quái (Trừ tà) có câu: “Dị sử thị viết: hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng.”, dịch sang tiếng Trung hiện đại nghĩa là” “Bất kể mèo vàng mèo đen, chỉ cần bắt được chuột thì đều là mèo tốt.”  

 

Về điểm này, có thể kiểm chứng qua lời giới thiệu của bà Trác Lâm, phu nhân của Đặng Tiểu Bình. Bà Trác Lâm cho biết: “Đặng Tiểu Bình rất thích Liêu trai chí dị, ông ấy không chỉ thường xuyên đọc Liêu trai chí dị khi ở Bắc Kinh, mà khi ra ngoài cũng thường xuyên mang theo Liêu trai chí dị”.

 

 Mèo nào cũng tốt!

Tờ Văn vựng báo của Hongkong có đăng bài cho biết, Đặng Tiểu Bình từng yêu cầu nhân viên tháo cuốn “Liêu trai chí dị” ra thành các trang rời, khi ra ngoài thì mang theo vài thiên, lúc rỗi thì đọc. Trong đó, các thiên như “Họa bì”, "Khẩu kĩ", "Khu quái",... thiên thì vạch trần xã hội đen tối, thiên thì hàm ngụ đầy triết lí, giúp độc giả biết cách nhìn nhận thế giới, hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, được Đặng Tiểu Bình yêu thích hơn cả.

 

Trên thực tế, "thuyết con mèo” có phải do Đặng Tiểu Bình đưa ra đầu tiên hay không thực ra không quan trọng, điều quan trọng là Đặng Tiểu Bình có thể phát dương tinh thần của câu nói ấy để đem lại lợi ích cho người dân Trung Quốc. Ông đã vận dụng “thuyết mèo vàng mèo đen” một cách xác đáng, đối với người Trung Quốc mà nói, đây thực sự là một ví dụ mẫu mực về học tập tinh hoa văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần cầu thị, lối tư duy, tác phong công việc và nguyên tắc luôn lấy thực tế làm xuất phát điểm – kim chỉ nam của công cuộc hiện đại hóa đang đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc kinh tế hiện nay.

 

Sáng Nguyễn (Theo Xinhua)

Bình luận
vtcnews.vn