Thụy Điển tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

Thời sự quốc tếThứ Năm, 13/04/2023 06:42:23 +07:00
(VTC News) -

Thụy Điển chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong hơn ba thập kỷ, bắt đầu từ ngày 24/4.

Theo Sputnik, cuộc tập trận kéo dài 3 tuần, có tên gọi "Aurora 23", sẽ có sự tham gia của khoảng 26.000 binh sĩ đến từ 14 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Litva, Ukraine, Đan Mạch, Áo, Đức và Pháp. 

"Mục đích của tập trận 'Aurora 23' là nâng cao khả năng phối hợp của lực lượng vũ trang Thụy Điển để đối phó với cuộc tấn công quân sự nhằm Thụy Điển, đồng thời đóng góp vào sự ổn định trong khu vực cùng với các nước khác", Trung tá Henrik Larsson - người chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho cuộc tập trận cho hay.

Thụy Điển tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh - 1

Thụy Điển bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều năm. (Ảnh: AP)

Cuộc diễn tập diễn ra trên bộ, trên không và trên biển với quy mô lớn. Binh sĩ tham gia tập trận sẽ làm việc để nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của Thụy Điển khi đối mặt với một cuộc tấn công,

Thuỵ Điển cũng muốn nâng cao năng lực tổ chức của các lực lượng vũ trang nước này. Quân đội Thụy Điển đã không thực hành hoạt động tổ chức diễn tập cấp lữ đoàn với sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ và sĩ quan trong nhiều năm. 

Trọng tâm về hậu cần cũng sẽ được chú ý trong cuộc tập trận. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các lực lượng dân sự và quân sự cũng sẽ được tăng cường trong cuộc tập trận, nhấn mạnh vào kịch bản quốc gia Bắc Âu bị tấn công.

Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực Skane, Smaland và đảo Gotland. Các đơn vị trên khắp Thụy Điển sẽ tham gia cuộc diễn tập, trong đó các thiết giáp hạm xuất hiện ở cả quần đảo Stockholm và Gothenburg.

Trong những năm gần đây, Thụy Điển tăng cường chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho quân đội. Vào tháng 4/2022, Quốc hội Thụy Điển đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP (tăng từ 1,3% vào năm 2021), xuất phát từ hoạt động đặc biệt của Nga ở Ukraine. 

Tháng 5/2022, Thụy Điển cũng chấm dứt chính sách lịch sử về không liên kết quân sự, nộp đơn gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan. Helsinki đã trở thành thành viên NATO, trong khi đó nỗ lực của Stockholm vấp phải sự phản đối từ các thành viên Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thụy Điển đã đưa quân trở lại hòn đảo Gotland - trước đây là khu vực phi quân sự của vùng Baltic, sau khi các chính trị gia cũng như các chuyên gia xác định đây có thể là địa điểm gây hấn của nước ngoài khi có ý định tấn công Thuỵ Điển. Nước này cũng hồi sinh luật nghĩa vụ quân sự.

Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn