Thương vụ mua AVG: ‘Kết luận của UBKTTƯ là nền tảng cho xử lý tiếp theo’

Thời sựThứ Ba, 05/06/2018 11:35:00 +07:00

Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) Vũ Quốc Hùng nhận xét, việc UBKTTƯ công bố kết luận về thương vụ Mobifone mua AVG vừa qua là “nền tảng” để cơ quan chức năng tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Liên quan kết luận mới đây của UBKTTƯ Đảng về thương vụ Mobifone mua AVG, trả lời PV VTC News, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ cho rằng khi kết luận của UBKTTƯ đã nêu vụ việc “rất nghiêm trọng” tức là “đã có chủ ý”, do đó sẽ là “nền tảng” để “xử lý các bước tiếp theo”.

- Vừa qua, UBKTTƯ đã có kết luận chính thức về những sai phạm trong thương vụ Mobifone mua AVG. Trong đó, kết luận nêu rõ là sai phạm của một số cá nhân đứng đầu là “rất nghiêm trọng”. Theo thông lệ lâu nay, khi UBKTTƯ ra kết luận như vậy thì sau đó sẽ là xử lý về mặt chính quyền. Vậy quy trình và mức độ xử lý vụ việc trên sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?

Khi chúng tôi làm thì không công khai những chuyện này lên báo chí ngay nhưng cũng có những kết luận tương tự với những thang độ khác nhau như là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”. Có nghĩa là UBKTTƯ có chủ ý khi đánh giá việc này.

123-4-2053119 3

 

Tôi cho rằng vụ việc khi được kết luận “rất nghiêm trọng” có nghĩa là việc này gây tổn thất và tác hại trầm trọng với tính chất sai phạm rất lớn. Kết luận như vậy là để mở ra hướng xử lý.

Đầu tiên, về phương diện Đảng, cần xét xem là vi phạm ở thang độ nào để xử lý kỉ luật Đảng. Thứ hai là xử lý hành chính. Thứ ba là xử lý về mặt pháp luật.

Tôi nghĩ kết luận này của UBKTTƯ là nền tảng cho việc xem xét các bước xử lý tiếp theo.

- Cụ thể của quy trình xử lý sẽ thế nào, thưa ông?

Đảng có 4 hình thức xử lý và bây giờ phải xem xử lí ở mức độ nào. xử lý về mặt Đảng thì đã có trong nội dung Quy định 102 của Bộ Chính trị về các bước và chính sách xử lý. Thêm vào là Chỉ thị 01 của Bộ Chính trị quy định về chức trách và nhiệm vụ, quyền hạn của UBKTTƯ về việc xem xét xử lý sai phạm và phòng ngừa tham nhũng.

Khi xử lý thì chiếu vào những quy định đó để xem xét một cách nghiêm minh, đảm bảo công bằng, nghiêm túc, rõ ràng.

Như vậy, tới đây, UBKTTƯ phải tiếp tục vào cuộc, còn cái gì thuộc về UBKT các cấp thì cấp đó cũng phải xem xét để kỷ luật nội bộ Đảng.

Những ai không phải đảng viên nhưng là cán bộ sẽ phải xem xét kỷ luật về mặt hành chính. Xử lý hành chính xong nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cho cơ quan điều tra.

Trong vụ việc này, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã chuyển cho UBKTTƯ và sau khi có kết luận, UBKTTƯ đã chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra.

Các cơ quan điều tra phải làm việc một cách nghiêm túc, công bằng, công minh và công khai. Không để oan sai ai nhưng cũng không được để lọt người vi phạm.

- Nhiều ý kiến cho rằng đây là vụ việc có tính chất đặc biệt vì lần đầu tiên cả Bộ trưởng tiền nhiệm lẫn đương nhiệm cùng vướng vào?

Thực ra, vụ việc này không phải là mới. Bây giờ không có sự phân biệt, ai mà dính đến sai phạm thì đều bị xem xét kỷ luật. Vụ việc này có sự liên quan đến 2 nhiệm kì giữa 2 Bộ trưởng nên Bộ trưởng cũ trách nhiệm đến đâu cũng cần phải xem xét. 

Trước đó, vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí, rồi liên quan đến ông Nguyễn Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương hay có những người đã rời khỏi vị trí như ông Đinh La Thăng cũng bị xem xét xử lý.

Ông Thăng bị xem xét là ở thời ông làm ở Tổng công ty Dầu khí chứ chưa xem xét thời ông ấy làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

vu-quoc-hung-1493380179021

 

Có những thang độ khác nhau như là “rất nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, có nghĩa là UBKTTƯ đã có chủ ý khi đánh giá việc này.

Ông Vũ Quốc Hùng

Ngày xưa, trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, có những cán bộ cao cấp đã về hưu, đã chuyển mấy bậc công tác rồi nhưng vẫn bị xem xét và xử lý. Nên người đương nhiệm phải xử lý mà người về hưu đã lâu rồi vẫn phải bị xử lý.

Trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, cơ quan chức năng đã xem xét rất rõ đến những ai phải chịu trách nhiệm, mấy “đời” Bộ trưởng chịu trách nhiệm, để thấy được đấy là việc làm quyết liệt.

Vậy nên, tôi cho rằng vụ việc trên không có gì là đặc biệt cả, như thế là khách quan, trung thực.

- Thực tế, việc mua bán, sáp nhập giữa Mobifone và AVG diễn ra trong một quá trình khá lâu và dư luận nói rất nhiều, song vẫn để xảy ra, bây giờ mới xem xét xử lý là chậm?

Đó chính là điều đau xót vì chúng ta không ai muốn thế. Không ai muốn đồng chí của mình mắc phải sai lầm rồi giờ mới đem nhau ra để mổ xẻ.

Nếu việc kiểm tra giám sát thật tốt, thật nghiêm thì sẽ không ra nông nỗi này. Đối với vụ việc Mobifone mua AVG, những ai vào kiểm tra, kiểm soát đã có.

Chúng ta có một hệ thống chính trị và vẫn luôn tự hào về hệ thống chính trị đó. Với một cơ chế là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, bây giờ sự việc như thế vẫn xảy ra?

Có ai sung sướng khi những đồng chí của mình, nhất là những đồng chí đã nghỉ hưu rồi mà bây giờ vẫn còn phải lôi ra để xử lý. Nhưng việc đã xảy ra rồi thì phải chấp nhận đau đớn mà chịu trách nhiệm, làm cho đến nơi đến chốn thì nhân dân mới yên tâm được, chứ không thể bỏ qua.

Tại sao lại không kiểm tra giám sát? Tại vì thiếu công cụ để thực hiện hay là do thiếu bản lĩnh, thiếu sự trong sáng cho nên thiếu trách nhiệm đối với một sự việc có biết bao nhiêu nơi đã ý kiến? Bởi vậy, kết luận của UBKTTƯ mới nhắc đến là các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến vẫn phải tiếp tục xem xét, chứ các vị khác không kết luận an bài được đâu.

Đây là điều đau xót, đáng suy nghĩ trong công tác cán bộ của chúng ta. Cho nên cần phải có thêm những công cụ như Quy định 102, rồi Quy định 01 như vừa qua.

Nhưng mà công cụ gì thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Hãy hỏi xem những người cầm cân nảy mực tại sao lại để nên nông nỗi này?

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn