Thưởng Tết chưa thấy đâu, trăm khoản chi đã rình rập

Đời sốngThứ Năm, 11/01/2018 13:00:00 +07:00

Tết đến dồn dập với rất nhiều khoản phải chi trong năm dường như là nỗi lo chung của rất nhiều người Việt Nam khi phải sống trong hoàn cảnh thu nhập eo hẹp.

Dường như bài toán vung tay thế nào cho hợp lý mà không tốn kém luôn là bài toán rất khó giải quyết hợp lý, nhất là khi ngân sách gia đình không được dồi dào. Lương vợ chồng tôi cộng tổng chỉ hơn chục triệu một tháng, tầm 11-12 triệu thôi. Dù Tết nhất đến nơi rồi nhưng nghe công ty nói thưởng năm nay rất bèo bọt, chỉ khoảng vài trăm ngàn.

Khó khăn là thế nhưng tết thì bao nhiêu khoản phải chi, mà toàn khoản cần thiết không thể cắt bỏ được. Hôm qua tôi đã ngồi liệt kê những khoản mang tính chất truyền thống, đúng theo phong tục tết trong gia đình như biếu nội ngoại, lì xì, đồ cúng gia tiên…Xem xong thì mặt mũi hai vợ chồng méo xệch, chẳng lẽ tết này vẫn phải đi vay tiền tiêu.

Chi tiết các khoản được chị ghi ra như sau:

- 2 triệu: biếu đằng ngoại gồm quà Tết, hoa quả, chai rượu vang. Nếu không cũng đưa ông bà 2 triệu tiền mặt.

- 2 triệu: góp tết với bên chồng. Năm nay tết chưa đến mà mẹ chồng tôi đã nhắc khéo hai vợ chồng phải mang ít nhiều 5 triệu về góp vì anh chị chồng có con nhỏ không góp được đồng nào.

- 3 triệu: tiền lì xì cho bố mẹ 2 bên, hàng xóm, con cháu đằng nội và ngoại. Thân thì 50 ngàn/lì xì, xa xôi thì 10 ngàn/lì xì mà tính ra bèo bọt cũng hết 3 triệu.

- 2 triệu: tiền điện thoại, xăng xe, tu sửa xe, đi lại chúc Tết, đi lễ chùa đầu năm.

- 1 triệu: chúc thọ năm mới cho bà nội chồng.

- 3 triệu: mua quần áo, giày dép mới cho 2 vợ chồng và cho chồng 1 triệu cầm đi chơi với bạn bè.

Tổng: 13 triệu.

Nếu chi tiêu như vậy thì hết sạch lương hai vợ chồng. Tết xong tháng 3 âm lịch chúng tôi còn phải trả tiền thuê nhà 6 tháng nữa. Biết lấy đâu ra khoản này để bù vào.

Image result for thực phẩm ngày tết

Tôi thử tính lại một phương án khác chi tiêu tiết kiệm hơn:

- Biếu nội: 1,5 triệu. 

- Biếu ngoại: 1 triệu.

- Tiền lì xì: 2 triệu.

- Tiền xăng xe, đi lại: 1 triệu.

- Tiền cúng đầu năm: 1 triệu.

- Chúc thọ đầu năm: 500 ngàn.

Tổng: 7 triệu

Chồng tôi xem xong phương án thứ hai thì xị mặt ra, anh nói rằng mọi năm đều đưa bố mẹ 2-3 triệu còn năm nay anh chị khó khăn mà mình lại đưa ít hơn thì khó nghĩ. Rồi thì tiền mừng thọ bà nội tuy là chung của con cháu nhưng do bố chồng đứng ra tổ chức nên đưa cho ông 500 ngàn thì chẳng bõ vào đâu rồi lại mang tiếng ki bo, kẹt xỉ.

Anh cũng tiện nhắc luôn năm nay phòng anh sẽ đi chúc tết sếp tổng, mỗi người đã thống nhất góp từ 1-1,5 triệu rồi nên liệu mà lo cho anh….Suy đi tính lại thì vẫn hết khoảng 12-13 triệu đồng.

Tôi hỏi chồng tiêu như vậy ra tết lấy đâu ra khoản nào đóng tiền thuê nhà nữa. Anh chẳng mảy may suy nghĩ mà thẳng thừng nói: Vậy thì bán bớt của hồi môn nhà em đi. Năm ngoái anh nhớ em vẫn còn 5 chỉ vàng nữa cơ mà.

Video: Hấp tóc làm đẹp đón Tết, suýt mất tai

Quả thực tôi rất sốc. Khi đi lấy chồng, họ hàng nhà tôi cùng các bác có cho 15 chỉ vàng làm của hồi môn, còn nhà anh chỉ cho 3 chỉ. Mới lấy chồng 3 năm mà tết nào tôi cũng cắn răng bán đi 3-5 chỉ để lo tết cho tươm tất.

Năm đầu đưa mẹ chồng 3 triệu, mừng tuổi mỗi người 100 ngàn thì bà cười tươi. Năm ngoái tôi đưa 2 triệu, mừng tuổi 50 ngàn vì vừa sinh con xong, kinh tế khó khăn thì bà xị mặt rồi nói với chồng về dạy lại tôi. Bảo tôi kẹt xỉ vừa thôi, sống làm con dâu đừng quá quắt.

Năm nay lương thưởng chẳng khá hơn nhưng bao khoản phải chi mà mẹ chồng đã bóng gió phải đưa nhiều hơn chứ không được đưa kém đi. Còn chồng thì cứ thấy gia đình khó khăn chút là lại đòi bán hết của hồi môn trong nhà. Đến lúc con cái ốm đau không có mấy chỉ vàng đó thì tôi biết xoay sở thể nào.

Cứ nghĩ 4 tuần nữa là tết mà tôi không duỗi thẳng chân ra để ngủ được. Ước gì đừng sinh ra cái tết để làm khổ hội con dâu.

Bình Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn