Thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam, đứng top 6 toàn thế giới

Việt Nam bay lênThứ Tư, 06/02/2019 07:50:00 +07:00

Thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2018.

Năm 2018 là năm nổi bật của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), khi “cuộc chiến” giữa các sàn ngày càng trở nên gay cấn hơn. Theo khảo sát của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo trên 5.000 cửa hàng online. Đã có hơn 73% cửa hàng online thừa nhận, việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Adayroi,... thực sự có hiệu quả.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Iprice Insight (bản đồ thương mại điện tử Việt Nam), Shopee đang trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam với hơn 41 triệu truy cập/tháng vượt xa con số gần 36 triệu lượt truy cập/tháng của Tiki.

tmdt

 Gay cấn "cuộc chiến" thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019.

Các sàn thương mại điện tử xếp sau lần lượt là Lazada (32,5 triệu lượt truy cập/tháng); Sen đỏ (hơn 25 triệu lượt); Adayroi (hơn 7,3 triệu lượt);... Trong bảng xếp hạng này, Lazada liên tục mất thị phần vào tay Shopee và Tiki.

Sự phát triển mạnh mẽ của Tiki được nhận định là nhờ nguồn vốn dồi dào mới được bổ sung từ tập đoàn JD (44 triệu USD) và VNG (122 tỷ đồng). Trong khi đó, Shopee cũng đang được công ty mẹ rót vốn rất mạnh tay. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Shopee Việt Nam cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) tiếp tế thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.

Lazada và Sendo cũng nhận được khoản đầu tư "khủng" từ các đối tác nước ngoài. Tuy vậy, thị phần của Lazada ngày càng đi lùi. Nên nhớ, đầu năm 2018, Lazada là sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên kết thúc năm, Lazada đã tụt xuống vị trí thứ 3.

Hầu hết, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất nhì tại Việt Nam đều hậu thuẫn bởi dòng vốn ngoại. Duy nhất có sàn Adayroi lạc quẻ và 100% vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, theo số liệu của Statista, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền TMĐT phát triển nhất toàn cầu năm 2018. Với mức tăng trưởng doanh thu tổng thị trường 29,4% so với năm 2017, các con số trên đã thay cho lời khẳng định về sức hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam.

Nhận định về thị trường TMĐT trong năm 2019, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP công nghệ DKT khẳng định, không lý gì thương mại điện tử trong năm 2019 không tiếp tục bùng nổ. "Tôi cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã có những bài học xương máu cho mình, sẽ thận trọng hơn trong cuộc chiến tranh giành khách hàng".

TranTrongTuyen_1532659222

 Ông Trần Trọng Tuyến nhận định thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. (Ảnh: Sapo)

Ông Tuyến cho biết thêm, về phía người dùng Việt Nam, đã quen dần với việc mua sắm online, sự phát triển của các kênh bán hàng online và vận chuyển thuận tiện càng tạo đà cho xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng tốc và còn rất nhiều tiềm năng.

Mặc dù vậy, các sàn TMĐT vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng, đặc biệt là các doanh nghiệp "nội" hoặc các doanh nghiệp mới bước chân vào TMĐT (start-up).

Theo ông Tuyến, một yếu tố rất trong quan trọng trong thời điểm bùng nổ TMĐT như hiện này đó là chính các ý kiến phản hồi từ khách hàng.

"Có nhiều yếu tố quan trọng để gia tăng thị phần trong lĩnh vực TMĐT. Tuy nhiên, giờ là thời đại của khách hàng, mà yếu tố trải nghiệm khách hàng được chú trọng hàng đầu. Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp TMĐT", ông Tuyến nói.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn