Thương chiến Mỹ-Trung: Người Trung Quốc giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm

Thế giớiThứ Năm, 01/08/2019 14:54:00 +07:00

Các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Trung Quốc chưa khiến người dân nước này chi tiêu nhiều hơn do lo ngại thương chiến với Mỹ kéo dài.

Khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy, thu nhập của người dân giảm khiến họ ưu tiên tiết kiệm, giảm chi tiêu trong bối cảnh những lo ngại bất ổn kinh tế có thể kéo dài do thương chiến với Mỹ.

Theo khảo sát của PBOC về kiến thức và hành vi tài chính của người tiêu dùng, được thực hiện hai năm một lần, người tiêu dùng Trung Quốc thường không muốn chi tiêu thu nhập của họ ngay lập tức. Khoảng 79,03% số người được hỏi không đồng ý với quan điểm rằng nên tiêu tất cả số tiền kiếm được ngày hôm nay và thay vào đó muốn tiết kiệm thu nhập của họ cho tương lai. Kết quả thấp hơn một chút so với mức 79,4% cho cùng một câu hỏi trong khảo sát năm 2017.

tieu dung

 Thương chiến với Mỹ kéo dài, Trung Quốc thực hiện một loạt biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa. (Ảnh: Forbes Magazine).

44,23 % người được hỏi cho biết họ hiện đang tiết kiệm hoặc đã tiết kiệm trong quá khứ cho việc học tập của con cái, tăng gần 3 điểm phần trăm so với hai năm trước, trong khi 32,85 % cho biết họ có kế hoạch thực hiện trong tương lai.

Cũng theo khảo sát, 56,96% số người được hỏi cho biết họ dự định sống một mình bằng lương hưu của chính phủ, nhưng nhiều người cũng đang tìm cách bổ sung tiền tiết kiệm hưu trí bằng cách tăng tiền tiết kiệm của chính họ hoặc thông qua chuyển khoản từ con cái.

Khi được hỏi liệu họ có đủ khả năng chi trả một khoản chi tiêu bất ngờ tương đương với ba tháng lương trong tháng tới hay không, 24,83% số người được hỏi nói rằng họ không thể hoặc có thể không thể, so với 26% trong cuộc khảo sát hai năm trước. 39,76% người khác cảm thấy không chắc chắn về khả năng chi trả một khoản chi phí như vậy, thấp hơn một chút so với mức 40% trong cuộc khảo sát trước đó.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 18.600 cư dân từ 31 tỉnh và được thực hiện chủ yếu thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp.

Kết quả dù chỉ phản ánh thái độ của người tiêu dùng thay vì hành vi chi tiêu thực tế, nhưng cũng thể hiện mối quan tâm của thị trường về những trở ngại Bắc Kinh gặp phải trong chính sách thúc đẩy tiêu dùng để ổn định tăng trưởng.

Hôm 30/7, Bộ Chính trị Trung Quốc, gồm 25 thành viên do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, tiếp tục yêu cầu chính phủ khai thác tiềm năng lớn về khả năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang phát triển tại nước này, cũng như "bắt đầu kích thích thị trường nông thôn".

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt mức tăng trưởng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý II/2019. Trung Quốc đang dần chuyển sang mô hình tăng trưởng theo hướng tiêu dùng trong những năm gần đây (chiếm hơn 60% tăng trưởng trong quý gần nhất). Chi tiêu của người dân trong nước đóng góp cho tăng trưởng kinh tế càng trở nên cấp thiết hơn do cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến xuất khẩu giảm mạnh, nhà đầu tư ngày càng e dè.

Thu nhập giảm, triển vọng việc làm không chắc chắn cũng như mức nợ hiện tại cao và đang gia tăng được coi là những trở ngại chính cản trở tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi cho các mặt hàng đắt tiền như xe hơi và đồ gia dụng.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy nợ hộ gia đình của Trung Quốc đạt 52,6% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối năm 2019, tăng từ 39% trong năm 2015. Sự gia tăng nhanh chóng này, một phần do mua bất động sản, đang hạn chế chi tiêu gia đình hơn nữa và đặt ra một rủi ro tài chính trong tương lai, theo các nhà phân tích.

Bắc Kinh thực hiện một loạt các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa, bao gồm cắt giảm thuế thu nhập cá nhân tổng cộng khoảng 308 tỷ nhân dân tệ (45 tỷ USD) vào năm 2018 và trợ cấp cho việc mua sắm các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng và phương tiện năng lượng mới. Nhiều biện pháp khác sẽ được triển khai trong những tháng tới sau khi cơ quan quản lý mới được thành lập để phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn