Thương chiến leo thang, quan chức Mỹ-Trung 'vật lộn' thống nhất lịch đàm phán

Thế giớiThứ Ba, 03/09/2019 10:44:00 +07:00

Mỹ-Trung đang đấu tranh để thống nhất lịch trình đàm phán tiếp theo vào tháng này trong bối cảnh thương chiến giữa 2 nước vừa leo thang lên cấp độ mới.

Theo Bloomberg, bất chấp nỗ lực làm dịu thị trường tài chính của Tổng thống Trump và khẳng định Mỹ-Trung vẫn đang tích cực trao đổi về vòng đàm phán thương mại sắp tới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới các điều khoản cơ bản về việc tái tham gia vòng thương thảo tới khi cả 2 vẫn đang ngờ vực lẫn nhau. 

Thời điểm các quan chức Trung Quốc tới Mỹ vẫn chưa được ấn định.

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, trong các cuộc trò chuyện vào tuần trước, 2 bên không thống nhất được 2 vấn đề: một số yêu cầu của Mỹ cho vòng đàm phán tiếp theo và đề nghị Mỹ hoãn áp đặt mức thuế quan tới của Trung Quốc. 

myz trung

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mnuchin trong vòng đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP) 

Washington hôm 1/9 chính thức nâng mức thuế quan với 112 tỷ USD hàng may mặc, giày dép, hàng tạp hoá của Trung Quốc từ 10% lên thành 15%. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế từ 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ theo hai đợt, từ ngày 1/9 và 15/12.

Giữa "siêu bão thuế quan" mới, truyền thông Trung Quốc khẳng định chính phủ nước này sẵn sàng vượt qua mọi sóng gió kinh tế. Bắc Kinh sau đó cho biết đã lên kế hoạch nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về vòng áp thuế mới của Mỹ. 

"Đã tới lúc Mỹ nên cân nhắc lại những suy nghĩ tồi tệ của mình đối với các động thái đối đầu với Trung Quốc. Làm việc để đảm bảo một thỏa thuận thuận thương mại sẽ là cách tiếp cận hiệu quả hơn", tờ China Daily bình luận. 

Theo Bloomberg, chính quyền Trump đang cố gắng không để các cuộc đàm phán đổ bể trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tiêu cực dưới tác động của cuộc chiến thương mại được dự đoán sẽ kéo dài sau bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. 

"Chúng tôi đang nói chuyện với Trung Quốc, cuộc họp vẫn sẽ diễn ra vào tháng 9. Điều đó không thay đổi. Chúng ta cùng xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta sẽ không để Trung Quốc đánh cắp tiền của chúng ta thêm nữa", Tổng thống Trump nói hôm 2/9. 

Vài ngày trước đó, ông chỉ trích lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vì phàn nàn về các mức thuế mà ông áp đặt lên Trung Quốc, cáo buộc họ kém cỏi trong quá trình quản lý công ty. 

Khi nhóm họp tại G-7, ông Trump tiết lộ chuyện Trung Quốc chủ động điện tới để đề nghị Mỹ trở lại bàn đàm phán. Nhưng Bắc Kinh lại khẳng định rằng họ chưa nghe về thông tin này. Sự khác biệt trên càng cho thấy mức độ bất đồng sâu sắc đang diễn ra giữa 2 nước. 

Giới quan sát cho rằng dù hiểu được kinh tế đang ngấm đòn ra sao, các quan chức Trung Quốc không muốn bị coi là khuất phục trước các đòn áp thuế mới của Tổng thống Trump. Họ vẫn đang hết sức cẩn trọng khi sắp xếp một cuộc gặp với Mỹ và theo dõi sát sao Twitter vì đây là nơi ông Trump có thể công bố các thay đổi về chiến thuật bất cứ lúc nào. 

Bloomberg nhận định, vào thời điểm hiện tại, Bắc Kinh không còn nhiều đòn để đáp trả Mỹ. Mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn mỗi khi ông Trump phá vỡ các thỏa thuận "ngừng bắn" tạm thời và bung ra các đòn tấn công mạnh mẽ hơn, từ việc tăng thuế cho tới các ngón đòn đánh vào Huawei. 

"Trung Quốc có thể đã sẵn sàng một thỏa thuận với Mỹ bao gồm các giao dịch mua nông sản lớn của nước này, nhưng sẽ không phù hợp về mặt chính trị đối với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ký kết một thỏa thuận giữ nguyên thuế nhập khẩu. Ông ấy không thể đồng ý tư nhân hóa các bộ phận của nền kinh tế có ý nghĩa quyết định với quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc như các doanh nghiệp nhà nước nhất định", tờ này bình luận. 

Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung tại Trường Quốc tế học thuộc Đại học Denver cho rằng Trung Quốc đang muốn duy trì cả bộ mặt của nền kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, cả 2 đều đang bị đe dọa và Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ thua cuộc. 

Bloomberg dẫn lời 3 quan chức Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã lên sẵn kế hoạch nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ, bao gồm việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách đen và tung thêm các biện pháp kính thích kinh tế. Dù vậy, đây là kịch bản tệ nhất của Bắc Kinh tính tới. Phương án mà họ mong muốn hơn vẫn là đàm phán thành công với Mỹ. 

Các nhà đầu tư kỳ vọng cuộc gặp vào tháng 9 tới đây có thể tạo tiền đề cho kịch bản này. Nhưng chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Iris Pang thuộc ING tin rằng cả 2 đều mong bên kia nhượng bộ và khi chẳng ai chịu lùi bước, có vòng đàm phán tại Washington cũng sẽ chỉ mang tính hình thức. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn