Thung lũng khô cằn đột ngột thành hồ nước và đàn ‘cá ma’ trong núi chui ra

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/10/2018 07:35:00 +07:00

Thời điểm nước đang dâng chính là lúc các loài cá như thể ở trên trời rơi xuống, ở dưới đất chui lên, từ không khí biến thành.

Mỗi lần đi tây bắc, tôi đều dừng chân ở Vân Hồ (Sơn La), nơi có bản Hua Tạt mờ sương đào mận nên thơ. Ở đấy, có homestay của anh chàng Tráng A Chu mồm mép tép nhảy hiểu chuyện.

Tráng A Chu người Mông, sinh ra ở Hua Tạt, đi học mỹ thuật đàng hoàng, nên về bản xây xướng chắp vá toàn gỗ mục tre pheo, mà thành cái homestay thi vị hút khách.

Ngồi với Chu uống rượu, được nghe nhiều chuyện lạ lùng bí hiểm. Ngoài thú vui xẻ gỗ, dựng nhà kiểu chắp vá chằng dây, Chu thích ngao du đây đó. Có chuyện gì vui, lạ, Chu đều đem về kể cho du khách trong buổi tối bên đống lửa, hay chén rượu nồng. Du khách thích khám phá, tìm hiểu, thì Chu lấy xe máy chở đi chẳng nề hà.

Chu bảo: “Em biết nhà báo Phạm Dương Ngọc lâu rồi, đọc mấy bài về cá thần ở Thanh Hóa của anh thú vị lắm. Tối nay em sẽ đãi anh món cá thần nướng nguyên con”.

Được ăn món lạ thế thì còn gì bằng. Tôi theo chân Chu chạy xuống bếp, thì ối giời ạ, đúng là con cá thần đang giãy đành đạch trên mặt đất, nặng độ hơn 1kg, với cái vảy óng ánh và cái sọc màu đỏ đặc trưng. Vợ Tráng A Chu dùng con dao đập pạch một cái, rọc sống lưng, quẹt gia vị, rồi hơ trên than dậy mùi thơm ngát.

IMG-0148

Vợ Tráng A Chu và chú "cá thần" bắt được ở hồ nước kỳ lạ. 

Gọi là cá thần, vì giống cá này sống ở “suối cá thần” thuộc huyện Cẩm Thủy và Bá Thước (Thanh Hóa), nơi người dân không dám ăn thịt nó, coi nó như thánh, như thần. Nhưng, ở vùng đất ấy, nơi khác, người dân vẫn ăn, và gọi nó là cá dốc. Hà Giang, Cao Bằng cũng có, và người dân gọi là cá bỗng, còn tây bắc gọi pa vông bắt suốt ăn thịt, đến mức tự nhiên chẳng còn.

Nhưng, điều thú vị hơn ở câu chuyện này, là con “cá thần” đó, bắt được ở một… thung lũng khô cháy. Chẳng nhẽ cá đi bộ ở thung lũng? Tráng A Chu cứ bí bí ẩn ẩn như vậy.

Trời Vân Hồ, Mộc Châu lúc mưa lất phất, lúc mưa trắng trời. Những nương chè chìm nghỉm trong mây mờ.

Xe đang chạy bon bon trên con đường bê tông xuyên qua bản Tả Phình 1 của xã Tân Lập (Mộc Châu), dẫn vào Tả Phình 2, Tả Phình 3, thì xuất hiện hồ nước mênh mông, xanh ngắt trước mắt. Con đường bê tông đẹp đẽ chìm xuống lòng hồ, như một cái bến phà. Vài chiếc xe máy đỗ ở trên đường, chờ thuyền máy, bè tre ra đón.

IMG_2277

 Nước ngập, người dân Tả Phình phải dùng bè đi lại.

Tráng A Chu đứng bên mép hồ chỉ tay kể: “Thung lũng này bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, nhưng có lớp đất ở chân núi nên giữ nước tốt. Bình thường, nơi đây ít mưa lắm, khô cháy, đến cây ngô còn oặt oẹo chẳng chịu lên. Thế nhưng, đến tháng 7, tháng  8, lại mưa rất lớn, mưa suốt ngày đêm, nước ứ lại tạo thành cái hồ lớn, trông như Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Anh chàng Tráng A Chu chưa biết Vịnh Hạ Long ở đâu, nhưng sự so sánh của Chu thật thú vị. Vẻ đẹp của cái hồ nước ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển này quả đúng là Hạ Long trên cạn. Nhưng, nó thú vị hơn là có những thân cây khổng lồ “mọc” giữa hồ nước xanh ngằn ngặt.

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, là thung lũng Tả Phình khô cháy lại biến thành hồ nước mênh mông, kéo dài qua 3 bản. Thế nhưng, năm nay thời tiết khá kỳ dị, mưa nhiều, nên đến giữa tháng 10, khi cái lạnh đã thấm da thịt, mà hồ nước Tả Phình vẫn mênh mông bát ngát.

Đang đứng trên bờ, thì chiếc thuyền máy táp vào, mấy thanh niên kéo lên những xô, những chậu, những bọc lớn côn trùng màu đen, trông như một loài bọ cánh cứng nhỏ như bọ chó. Tôi hỏi bắt làm gì, nhóm thanh niên bảo để… ăn.

IMG_2455 3

 

IMG_2454 4

 Người dân bắn hén để ăn.

Theo Sùng A Vảng, trước đây người Thái ở đen ở Mộc Châu mới biết ăn con này và loài này cũng chỉ thấy có ở Mộc Châu mà thôi. Gọi nó là con hén. Sau này, người Mông di cư về đây ở khi giải phóng hồ thủy điện Hòa Bình, mới học người Thái và biết ăn.

Mùa khô, con hén đen nhánh như hạt đỗ, bám ở gốc bụi dương xỉ. Đến tháng 7, tháng 8, ngập nước nó bắt đầu sinh sôi nảy nở, lớn nhanh như thổi, bơi theo đàn đen kịt mặt nước. Cư dân Thái đen đem vợt đan bằng vải màn đuổi theo đàn hén hớt một lúc được cả xô. Sớm tinh mơ, đem ra chợ bán, giá 20 ngàn/kg. Chế biến con hén cũng đơn giản, đúc với trứng gà, trứng vịt rán, hoặc cứ thế chiên lên ăn, nhậu với rượu bùi ngùi.

Hỏi chuyện những con cá thần xuất hiện ở hồ nước kỳ lạ này, Sùng A Vảng kể lắm chuyện ly kỳ. Suốt từ tháng 7 đến giờ, người dân 3 bản Tả Phình 1,2,3 chăng lưới, thả câu, đánh bẫy, bắt vô số cá gồm đủ các loại trắm, chép, đặc biệt nhiều là cá thần. Người dân ở đây không tôn kính loài cá này, nên chỉ coi nó là thực phẩm, thịt ngọt thấm sâu cuống họng.

Theo lời Sùng A Vảng, thời điểm đánh bắt cá sôi động, hiệu quả nhất là tháng 7, khi mưa lớn bắt đầu, và khi hồ nước hình thành.

IMG_2280 5

Sùng A Vảng. 

Trước đó, thung lũng khô cháy, đồng bào vẫn trồng ngô chân đồi, cấy lúa thung lũng, trông hết vào nước trời. Khu vực này cũng có con suối nhỏ, nhưng hồi đầu và cuối năm, là giữa cao điểm mùa khô, chẳng có giọt nước nào, đá trơ lăn lóc. Thế nhưng, mưa to vài trận, là nước ứ lại thung lũng, rồi từng ngày dâng cao thành hồ.

Thời điểm nước đang dâng chính là lúc các loài cá như thể ở trên trời rơi xuống, ở dưới đất chui lên, từ không khí biến thành. Các loài cá quẫy ủng hoảng, đớp mồi chèm chẹp, đuổi theo đàn hén đen kịt mặt nước. Người dân các bản Tả Phình đem hết thiết bị ra hồ nước rộng cả trăm ha săn lùng thủy quái.

IMG-0132 9

Một con "cá thần" bắt được ở hồ nước Tả Phình. 

Theo lời Sùng A Vảng, giống cá bắt được nhiều nhất chính là cá thần, giống loài cá ở suối cá Cẩm Thủy. Loài cá này dạn người, ngốc nghếch, hám ăn, nên dễ dàng bị bắt. Từng có người trong bản đặt bẫy bắt được con cá thần to như cây chuối, nặng 30kg, lưng đen sì, mang tai có hai sợi đỏ nhìn kỳ dị.

Năm nay, sang tận tháng 10, nước vẫn mênh mông, mặt hồ yên tĩnh, các loài cá bị đánh vãn, hoặc chúng lại bỏ đi đâu mất tiêu, đánh bắt không được nhiều nữa, nên mọi người chỉ đi vớt hén.

Thào A Chua, anh chàng người Mông ở Tả Phình 1, năm nào cũng có 1-2 tháng lặn ngụp quần thảo kiếm cá ở hồ kể: “Chưa năm nào nước ngập lớn như năm nay, nhưng cá lại không bắt được nhiều. Có lẽ, do nước ngập sâu quá, phải 30-40m, hồ rộng gấp đôi mọi năm, nên việc đánh cá cũng khó hơn”.

Chua vừa nói, vừa chỉ ra phía xa xa, nơi có cây đa vốn mọc trên đỉnh một quả đồi nhô lên từ thung lũng, đã ngập đến ngang thân. Xa xa là những mái nhà dân chìm đến nóc.

IMG_2407 6

Cây đa mọc trên đỉnh đồi mà cũng ngập ngang thân. 

Thào A Chua bảo: “Mình nghe các cụ kể lại, là trong lòng quả núi đá kia có một cái hang rất lớn, ăn sâu dưới lòng đất. Trong hang có cả dòng sông ngầm sâu lắm, chảy tận ra ngoài sông Đà. Mùa mưa đến, nước ngập, thì cá ở trong sông ngầm chui ra, ở ngoài sông Đà ngược sông ngầm bơi vào, nên mới đánh bắt được”.

Loanh quanh mãi trong cơn mưa tầm tã, tôi cũng tìm thấy nhà Thào A Vừ, trưởng bản Tả Phình 1.

Hỏi chuyện cá thần ở hồ Tả Phình, Thào A Vừ cũng không nắm được nhiều. Theo anh, vùng đất này trước hoang vu, không có người ở. 30 năm trước, người Mông di dân thủy điện Hòa Bình, mới chuyển lên đây, mà có xã Tân Lập. Hồ nước thì đến mùa mưa mới hình thành, nhưng đúng là có rất nhiều cá, thậm chí bắt được cá nặng vài chục kg.

Chuyện cá bỗng dưng xuất hiện ở thung lũng khô khốc, đồng bào Mông nơi đây cũng không giải thích được. Nhưng, có một truyền thuyết, mà người Thái đen xưa kia định cư ở đây kể lại, rất liêu trai, kỳ bí.

Chuyện rằng, ngàn năm trước, người Thái đi tìm đất mới, đến đây thấy hồ nước mênh mông, cá mú nhiều, nên dựng xóm, lập làng. Vị thần núi hiện ra bảo rằng, mỗi năm, người dân chỉ được đánh cá 10 ngày, chia đều cho nhau, không được đánh cá nhiều hơn.

IMG_2377 7

 Nước dâng cao, nhà dân ngập đến nóc.

Hồ có nhiều cá, nên cuộc sống người dân rất sung túc.  Mỗi lần bắt lên cả đống cá, chia nhau, làm cá khô, cá muối ăn dần.

Thế nhưng, một hôm, cậu thanh niên Thái thấy con cá to vào ven bờ nằm ngủ, liền lấy thanh củi đập chết, đem về nướng ăn.

Đêm đó, sấm sét đùng đùng, núi đồi rùng rùng chuyển động, một tiếng nổ lớn phát ra, và chỉ tích tắc sau, hồ nước biến mất, không còn giọt nước nào.

Dân bản từ đó đói kém, không có cá mà ăn nữa. Hàng năm, chỉ đến tháng 7, tháng 8, thần núi mới giữ nước lại, cho ít cá để ăn. Sau đó, hồ lại biến mất, cá cũng mất tích.

Khoảng 100 năm trước, cá ít quá, không có gì ăn, nên người Thái đen di cư tản mát đi hết, rồi người Mông tìm đến định cư.

IMG_2443 8

 Mỗi năm, người dân lại đánh cá ở hồ nước kỳ lạ vào dịp nước ngập tháng 7, tháng 8.

“Không biết câu chuyện đó có thật không, nhưng có lẽ các cụ đã răn dạy đời sau khai thác thiên nhiên cũng phải điều độ và tiết kiệm mới lâu bền được. Vậy nên, dân bản chúng tôi bảo nhau khai thác cá cũng có ý thức, không đánh điện và chỉ bắt cá to ăn mà thôi” – anh Thào A Vừ cho biết.

Cũng theo Thào A Vừ, nhiều khả năng, ở trong lòng các quả núi vẫn có hang động và suối nước, nên cá ẩn trong đó. Đến mùa mưa, nước lớn, chúng mới từ khác khe ngách của núi đá vôi chui ra. Mỗi mùa nước cạn, đi kiếm củi, hái thảo dược, Thào A Vừ vẫn gặp những cái khe núi, vách đá, hoặc ngóc ngách nhỏ sâu vào lòng núi, mà người chui không vừa, nên không biết nó dẫn đi đâu. Nhưng, chắc chắn, cá không thể từ không khí mà ra được.

Video: Bà cụ ở Bá Thước kể về những con cá thần khổng lồ sống trong lòng núi

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn