'Thung lũng gọi hồn', 'Đồi thịt băm'... những địa danh dựng tóc gáy ở Vị Xuyên

Phóng sựThứ Ba, 12/04/2016 06:40:00 +07:00

“Đồi thị băm”, là cái tên mà các cựu binh chiến tranh biên giới Hà Giang thường gọi, đó là điểm cao 772, mà khốc liệt nhất là trong trận đánh ngày 12/7/1984

(VTC News) - “Đồi thị băm”, là cái tên mà các cựu binh chiến tranh biên giới Hà Giang thường gọi, đó là điểm cao 772 khốc liệt nhất là trong trận đánh ngày 12/7/1984.


Kỳ 2: Những địa danh nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến

Với những ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất Vị Xuyên, nghe những cựu chiến binh kể lại, chắc họ không thể nào quên được một loạt địa danh với những cái tên không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Đó là một loạt những mỏm núi, thung lũng, bao xung quanh khu vực cửa khẩu Thanh Thủy. Và tên gọi của những địa danh đó, nó đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm lại những điểm cao, những dấu tích cũ của cuộc chiến, cựu chiến binh Bùi Văn Tạo (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, chốt giữ điểm cao 1100 trong chiến tranh biên giới Vị Xuyên) cho biết, kéo dài suốt nhiều năm ở Thanh Thủy, đạn pháo cày xới đêm ngày. Khốc liệt nhất là vào những năm 1984 đầu 1985, dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Những tên gọi kinh hoàng phần lớn cũng bắt đầu được gọi trong giai đoạn này.

Cựu binh Bùi Văn Tạo
Cựu binh Bùi Văn Tạo 

Đầu năm 1984, khi quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, thì ở miền Bắc, quân Trung Quốc tổ chức tấn công dọc tuyến biên giới, lấn chiếm các điểm cao nhằm xâm lược lãnh thổ Việt Nam.

Riêng ở Hà Giang, sau khi chiếm trọn điểm cao 1509, chúng tiến hành đánh lấn, pháo kích các điểm cao phía dưới. Thậm chí còn bắn về tận thành phố Hà Giang, cách trận địa gần 20km.

Từ 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250… thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Thời điểm đó, do tương quan lực lượng, quân Trung Quốc đã tràn sang chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Ta phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để cản đường tiến của kẻ thù

Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Tuy nhiên, có một số trận đánh chiếm lại các cao điểm của ta không đạt được kết quả như mong đợi, bởi quân Trung Quốc được hỗ trợ hỏa lực rất mạnh, nhất là pháo binh, chúng pháo kích liên miên, hàng tấn đạn pháo trút xuống các điểm giao tranh.

“Pháo địch bắn như ngô rang, nhất là ở điểm cao 772, 685. Để bảo vệ các điểm cao và chống lại sự tấn công của địch, các trung đội của ta vẫn kiên cường giữ vững trận địa. Có những người cả tháng nằm trong hang, không được tắm, ăn uống kham khổ, đến khi trở về thì ai nấy râu tóc tua tủa, cứ như người rừng”, ông Tạo cho biết.

Trên điểm cao 685, hai bên giằng co nhau từng tấc đất một, địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm.. Thời điểm ấy, những lúc ngưng tiếng pháo, cả một vùng rộng lớn ở điểm cao này chỉ thấy một màu trắng xóa, không một cây cối nào có thể sống sót. Chính vì vậy, nó được các cựu binh đặt cho cái tên là “Lò vôi thế kỷ”.

Cao điểm 685, từng được mệnh danh Lò vôi thế kỷ
Cao điểm 685, từng được mệnh danh "Lò vôi thế kỷ" 

“Đồi thịt băm”, là cái tên mà các cựu binh chiến tranh biên giới Hà Giang thường gọi, là điểm cao 772, mà khốc liệt nhất là trong trận đánh ngày 12/7/1984. Theo tư liệu của Sư đoàn 356, trận đánh bắt đầu từ 4h sáng. 

Sau lệnh nổ súng, cả thung lũng Nậm Ngặt sáng rực trong màn đạn pháo. Quân ta từ các vị trí bật dậy hô xung phong vang dậy cả núi rừng. Tuy nhiên, ta bị địch phản pháo. Từ sáng đến trưa, sương mù vẫn dày đặc, quân ta tổ chức hàng chục đợt tiến công lên cao điểm nhưng không thành.

Ngày 14/7, Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Sau trận đánh, ta không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

“Thác gọi hồn”, hoặc “Thung lũng gọi hồn” cũng chính là cái tên xuất phát từ trận đánh 12/7/1984 trở về sau. Đó là một thung lũng nhỏ thuộc địa phận xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Nơi đây, Sư đoàn 356 đã dựng lên một trạm phẫu, đón tiếp thương bệnh binh từ chiến trường trở về.

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Thụy Khuê, Hà Nội, cựu binh Sư đoàn 356), một người mà chúng tôi đã gặp trong lần lên Thanh Thủy tìm kiếm tư liệu cho loạt bài này cho biết, ở các trận giao tranh với quân Trung Quốc, con số thương vong của cả 2 bên là rất lớn. Ở trạm phẫu, các chiến sỹ hi sinh được đưa về nhiều quá. Thấy đồng đội hi sinh người nào người ấy bê bết bùn đất, anh em liền bê xuống con thác gần đấy để rửa ráy sạch sẽ. Trước khi chôn cất, ai cũng cầu nguyện cho đồng đội được yên nghỉ. Cũng chính vì thế mà họ vẫn gọi con thác ấy với cái tên “Thác gọi hồn”, một cách để ghi nhớ những kỷ niệm bi tráng trong trận chiến năm xưa.

Video: Cuộc hội ngộ xúc động sau 37 năm của cô bội đội và em bé


“Thác âm phủ” là một con thác cao ở Thanh Thủy, cách không xa lắm so với “Thác gọi hồn”. Cựu binh Phạm Ngọc Quyền kể lại, dưới thác có một cái hồ nhỏ, sâu, các chiến sỹ thường xuống đấy để tắm. Ở đó, tiếng gọi cứ vang vào vách núi như tiếng âm. Về sau, quân Trung Quốc phát hiện ra địa điểm ấy, tức thì trút đạn pháo như vãi trấu, nhiều người chìm nghỉm tìm không thấy xác. Những cựu binh vẫn hay nhắc đến, đó là lối đi xuống âm phủ.

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền giữa đời thường
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền giữa đời thường 

Bản thân cựu binh Phạm Ngọc Quyền cũng trải qua một lần suýt chết ở “Ngã ba cửa tử”. Nhắc đến địa danh ấy, người cự binh cho biết, đó chính là ngã 3 Thanh Thủy, nơi con đường rộng thênh thang chạy thẳng từ thành phố Hà Giang lên cửa khẩu, một lối rẽ vào xã.

Trong chiến tranh biên giới Hà Giang, để đi lên các cao điểm đang giằng co nhau với quân Trung Quốc, bộ đội ta lúc đầu vẫn đi qua lối ngã ba Thanh Thủy. Nhưng từ lúc có một sư đoàn điều 4 xe tăng lên biên giới, đi qua thì 3 chiếc bị bắn cháy. Về sau có một chiếc xe vận tải lái nhầm đường cũng bị bắn đen thui. Quân Trung Quốc nã đủ các thể loại pháo ngày đêm để khống chế không cho quân ta chi viện lên chiến trường. Bộ đội ta đã mở những con đường riêng, vòng sau những cánh rừng, ngọn đồi, để lên các điểm cao chốt giữ.

Ông Quyền cùng các đồng đội trong một lần quy tập liệt sỹ cuộc chiến Vị Xuyên
Ông Quyền cùng các cựu chiến binh ôm lấy chiếc bình cất giữ nắm đất được lấy từ cao điểm 468, nơi những chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã hi sinh năm xưa - Ảnh: Nguyễn Khánh 

Mặc dù, không được phép hành quân qua “Ngã ba cửa tử”, nhưng một lần vào tháng 6/1984, một nhóm mấy chiến sỹ trong đó có cả ông Quyền vẫn quyết định khảo sát để tìm đường lên trận địa, bởi đó là con đường ngắn nhất. Đêm đó, hơn 1h sáng, mọi người lặng lẽ bò qua những bụi lau lách um tùm ở Thanh Thủy

Tình hình yên ắng lắng, không có gì khác biệt. Quan sát một hồi lâu, ông Quyền lẩm nhẩm trong bụng : “Vậy mà cũng gọi là Ngã ba cửa tử”, rồi đứng dậy định đi vệ sinh.

Ngay tức khắc, có tiếng quát của đồng đội ở gần đó, bảo là chạy ngay và nằm xuống. Vừa mới thực thi hiệu lệnh, thì ngay chỗ ông Quyền đứng dậy cách đấy vài phút trước, đạn pháo, đạn cối đủ các kiểu đã liên miên giã xuống. Tiếp sau, quân Trung Quốc bắn mở rộng ra các vùng xung quanh. Cũng may mà trong đêm ấy, ông Quyền cùng đồng đội chạy thoát, không có thương vong.

Rồi một loạt các tên gọi khác nữa, như là “Đồi Đài”, “Đồi Cô Ích”, “Hang Dơi”, “Hang Làng Lò”… Đó là những cái tên đã khắc ghi trong tâm khảm của những người trở về sau cuộc chiến.


Còn tiếp…

Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn