Thuế giảm, giá ô tô nhập khẩu vẫn chưa chịu giảm

Kinh tếThứ Hai, 06/02/2017 08:42:00 +07:00

Mặc dù thuế nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam giảm từ 40% xuống 30% nhưng giá ô tô nhập khẩu vẫn chưa chịu giảm.

Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước (TP.HCM) cho biết, trong tháng 1/2017 cảng này có rất nhiều xe làm thủ tục nhập khẩu từ ASEAN do thuế nhập khẩu giảm còn 30%. Đó là các xe Toyota, Ford, Mitsubishi, Honda...

Chỉ trong hơn 20 ngày, chi cục này đã thu hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế, chủ yếu từ xe nhập khẩu. Một nhà nhập khẩu và phân phối các dòng xe cao cấp tại TP.HCM thông tin, ngoài việc giảm thuế nhập 10%, yêu cầu tỷ lệ nội khối của chiếc xe đó phải đạt từ 40%.

Bên cạnh đó, theo quy định của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các dòng xe có dung tích từ 1.5L trở xuống giảm từ 40% hiện nay xuống 35%, xe có dung tích từ 1.5L - 2.0L giảm từ 45% xuống 40%. Như vậy, giá xe bán ra tại các phân khúc này sẽ giảm mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá ô tô dung tích dưới 2.0L được nhập từ các quốc gia ASEAN vào VN có thể giảm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

o-to-nhap-khau-7

Nhiều dòng xe nhập từ ASEAN đã giảm đến 10% thuế song giá xe trong nước vẫn chưa giảm 

Giảm chỉ là “lý thuyết”

Trả lời PV, đa số các nhà kinh doanh xe hơi đều dè dặt khi đưa ra nhận định sẽ giảm giá xe trong tương lai gần và cho rằng xe nhập từ khối ASEAN sẽ giảm mạnh theo thuế chỉ là “lý thuyết”.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ salon xe tại khu vực Q.1 (TP.HCM), cho biết trong tháng cuối năm 2016, một số dòng xe nhập từ Thái đã được giảm vài chục triệu đồng/chiếc để kích thích tâm lý mua sắm và chủ yếu do các đại lý linh động nhằm chạy đua doanh thu trước tết, chứ các nhà nhập khẩu lớn chưa có chính sách giá mới.

Ngoài ra, cũng theo ông Thành, do cách tính thuế TTĐB mới “đánh” vào giá xe bán buôn chứ không theo giá nhập khẩu như trước đây, nên giá xe khó giảm như “lý thuyết tính toán”.

“Trước ngày 1/7/2016, thuế TTĐB tính theo giá nhập tại cảng (CIF), nhưng quy định mới sau ngày 1/7/2016, thuế TTĐB được tính theo giá bán buôn, bao gồm cả lợi nhuận, chi phí bán hàng, kho bãi... Cách tính mới này tuy đã có hiệu lực hơn nửa năm nhưng chưa tác động lớn đến giá bán ra thị trường do cuối năm doanh nghiệp (DN) đua doanh thu, chấp nhận không nâng giá. Nhưng trong năm 2017, nhà nhập khẩu sẽ tính toán cân đối giữa lợi nhuận và nghĩa vụ thuế với nhà nước, sẽ khó giảm giá nữa”, ông Thành cho biết.

Ông Kim, chủ đại lý xe hơi Kim tại Q.2 (TP.HCM), cũng cho biết giá xe nhập từ ASEAN trong năm nay rất khó giảm, hoặc chỉ giảm “không đáng kể” cho các dòng xe dung tích dưới 1.5L. Hiện tại, thông tin từ các đại lý bán xe, các hãng có xe nhập từ khu vực ASEAN như Toyota, Suzuki, Mitsubishi… đều chưa có kế hoạch cụ thể thay đổi giá bán theo mức thuế mới của năm nay.

“Chúng tôi là nhà phân phối và vẫn chưa nhận bất kỳ thông tin giá xe nhập từ ASEAN sẽ giảm mạnh theo thuế từ các nhà nhập khẩu. Theo tôi, xe dung tích 2.0L “đứng yên” giá và trên 3.0L tăng trên 100 triệu đồng/chiếc”, ông Kim nói và cho rằng theo quy định của Hiệp định WTO, những dòng xe có dung tích lớn hơn 2.5L và hơn 3.0L, thuế TTĐB sẽ tăng 90 - 160%. Như vậy, những dòng xe siêu sang, cho dù sản xuất tại khu vực ASEAN, nhưng không đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40%, sẽ tăng giá mạnh.

Một đại diện doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có văn phòng đặt tại TP.HCM bổ sung: “Xe Audi dù lắp ráp ở Thái Lan đi chăng nữa mà không đáp ứng được tỷ lệ 40% nội địa hóa nội khối cũng không được hưởng ưu đãi trên.

Đó cũng là lý do vì sao vừa qua Bộ Tài chính đã phải ban hành quy định yêu cầu các DN nhập khẩu xe phải cung cấp C/O bản gốc đối với các xe nhập khẩu. Lý do là vì các C/O gốc thể hiện rõ chiếc xe đó đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm nội địa hóa. Nếu làm giả, sau này sẽ bị truy tố”.

Như vậy, mấu chốt của câu chuyện giá xe, vẫn theo lý giải của các đại lý buôn bán xe ô tô nhập khẩu ở TP.HCM, nằm ở quy định tỷ lệ nội hóa nội khối 40%.

“Hiện nay dù thị trường VN đang có xu hướng nhập xe từ Thái Lan, thậm chí nhiều hơn Hàn Quốc, không phải do thuế nhập khẩu giảm xuống còn 30% mà vì những dòng xe này Thái Lan sản xuất với số lượng lớn hơn.

Như vậy, cho dù thuế nhập khẩu không giảm nhưng do sản xuất với số lượng lớn nên chi phí sản xuất thấp hơn, giúp DN giữ được tỷ giá nhập khẩu, đảm bảo giá thành xe bán ra ổn định hơn”, chủ DN này phân tích.

Cách kinh doanh “unfair”

Tuy nhiên, lý giải của các nhà nhập khẩu lại không được các chuyên gia kinh tế, thương mại đồng ý và cho rằng chính các nhà nhập khẩu đang không công bằng với người tiêu dùng. Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại, nhận định nguyên tắc khi thuế nhập khẩu đã giảm, hàng hóa bán ra phải giảm với giá trị tương ứng. Đó mới đúng với quy luật thị trường.

“Có một thực tế là do chính sách bảo hộ nền công nghiệp ô tô, nên trước đây giá ô tô bán ra luôn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong mức giá cao đó cũng có yếu tố “tát nước theo mưa”, nhà nhập khẩu “nương” theo ý tưởng mặc định là xe về VN giá bán luôn cao gấp đôi, gấp ba các nước nên cứ vậy mà “phán”. Thế nên, biểu thuế mới được áp theo ATIGA sẽ là tín hiệu tốt để trả giá ô tô nhập vào VN về đúng giá thị trường”, ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng việc các nhà nhập khẩu “viện” lý do bên cạnh thuế, giá bán ra đối với mặt hàng xe hơi nhập vào VN còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tỷ giá, chi phí marketing, chi phí kho bãi, bán hàng chỉ là ngụy biện. Bởi khi thuế nhập khẩu cao, DN vẫn đã cộng những chi phí này vào giá bán. Tỷ giá tăng cũng đã tăng 1 năm nay, còn chi phí kho bãi, vận chuyển trong kinh doanh muôn đời bắt buộc phải có.

“Có một thực tế đối với các nhà kinh doanh là khi thuế tăng, ngay lập tức họ sẽ tăng giá bán. Xe cũng như xăng vậy, nghe giá thế giới tăng, thuế môi trường tăng, họ tăng ngay hôm quy định có hiệu lực. Nhưng khi thuế giảm đến 10%, nghĩa là chiếc xe 1 tỉ đồng giảm được 100 triệu rồi, thì đa phần đều giải thích sẽ giảm, giảm từ từ, nghe ngóng thị trường… Tôi nghĩ cách làm đó chưa phù hợp quy luật công bằng của thị trường”, ông Long nhận xét và bổ sung là thị trường xe hơi tùy thuộc vào cung cầu, nhu cầu các dòng xe không nằm trong quy định tỷ lệ nội địa nội khối 40% thì khó giảm. Thế nhưng, nếu thuộc trong nhóm đã được giảm thuế nhập 10% mà không giảm giá bán ra thì chính người tiêu dùng sẽ biết cách quyết định “cho” sản phẩm đó còn tồn tại hay không.

(Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận
vtcnews.vn