Thực hư về rùa đá khổng lồ ở Tây Bắc

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 07/03/2013 03:19:00 +07:00

Không ai biết nó có từ bao giờ nhưng người dân tin rằng đó là hóa thạch của loài rùa núi khổng lồ trong truyền thuyết.

Giữa rừng núi ở bản Bún, Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La xuất hiện những tảng đá có hình dáng giống hệt con rùa khổng lồ.


Không ai biết nó có từ bao giờ nhưng người dân tin rằng đó là hóa thạch của loài rùa núi khổng lồ trong truyền thuyết. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.

Hóa thạch của rùa núi?

Không ai biết chính xác những hòn đá mang hình dáng con rùa xuất hiện ở bản Bún (Mộc Châu, Sơn La) có từ bao giờ. Chỉ biết từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn coi đó như một thứ kỳ quan thiên nhiên hiếm có và gắn với đó là bao truyền thuyết ly kỳ.

Dẫn chúng tôi đi bộ trên quãng đường đồi dài hàng chục km dưới cái gió rét buốt cắt da của núi rừng tây bắc, ông cựu trưởng bản Mùa A Tu kể rằng, bản Bún cũng mới hình thành được vài chục năm.

Cả bản chỉ có vài chục nóc nhà sàn thấp lè tè, người dân sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, quanh năm chỉ biết gắn bó với núi rừng không mấy ai biết tới cuộc sống phồn hoa của thế kỷ 21.

Ông A Tu bảo rằng, lúc còn bé ông được nghe cha ông kể về cánh rừng ở bản Bún trước kia vốn rất rậm rạp và nhiều thú dữ. Hằng đêm người ta thường nghe những tiếng tru tréo kèm theo đó là di chuyển ầm ầm vọng xuống tận chân núi.

Nhiều người nghĩ rằng trên cánh rừng có nhiều voi lớn sinh sống nhưng không một ai từng tận mắt chứng kiến.

Trái lại, có người liều lĩnh lên rừng đã phát hiện những dấu chân lớn có hình dạng giống như vết chân của rùa. Cũng từ đó người ta thường đồn đại về loài rùa núi khổng lồ đang trú ngụ trên cánh rừng ở bán Bún.

Dù không biết chắc chắn có rùa khổng lồ không nhưng những người dân bản Bún cũng bảo nhau không xâm phạm đến cánh rừng. Những người thợ săn cũng chỉ săn bắn ở bìa rừng chứ tuyệt nhiên không đi sâu vào bên trong.

Trẻ con bị bệnh tật thường được bố mẹ mang ra đặt lên mai của rùa đá vì họ tin rằng đứa bé sẽ được thần kim quy che chở và tiếp thêm sức mạnh để đứa trẻ có được sức khỏe dồi dào 
“Trải qua mấy trăm năm, sau một đêm mưa bão, sấm chớp đùng đùng, cây cối đổ nghiêng ngả, người dân kéo nhau lên xem thì bất ngờ thấy xuất hiện những phiến đá lớn có hình dáng y hệt con rùa khổng lồ nằm rải rác trên đồi. Nhiều người lấy làm lạ cho rằng đây là đất của thần kim quy, là khu đất địa linh nên đã rủ nhau lập nhà ở xung quanh và hằng ngày trông coi những phiến đá kỳ lạ”, ông A Tu kể lại.

Điều đặc biệt là những người dân trông coi quanh những phiến đá đêm đêm thường mơ thấy giấc mơ giống hệt nhau vè một vị thần râu tóc bạc trắng đang ngồi trên những phiến đá hình rùa và nói những thứ ngôn ngữ hết sức kỳ lạ.

Ban đầu bản còn có tên là bản rùa nhưng về sau, nhiều người dân kéo đến sinh sống đã lấy tên là bản Bún để làm địa danh. Có những năm hạn hán mất mùa, lũ lụt, người dân các bản xung quanh đói kém, có nhiều người chết vì thiếu ăn, thì người dân bản Búng vẫn no đủ, thậm chí có gia đình vợ chồng đẻ 15 đứa con nhưng vẫn đủ gạo để sống.

Người dân bản Bún nghĩ rằng, do được thần kim quy phù hộ nên mới tai qua nạn khỏi. Bởi vậy, họ càng coi những phiến đá hình rùa như một điều thiêng liêng, cao đẹp.

Coi rùa đá như thần hộ mệnh

Mất chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân được đến bãi đá hình rùa của bản Bún. Từ xa xa, phóng tầm mắt, dễ dàng nhận thấy những con rùa đá với chiếc mai nhô cao, đầu phủ phục trên mặt đất. Thật khó có thể hình dung được tại sao lại xuất hiện những tuyệt tác thiên nhiên này giữa rừng núi tây bắc.

Không chỉ có một, rùa đá khổng lồ có tới hàng chục "con" nằm len lỏi trên những sườn đồi của bản Bún. Trên phần mai rùa, những rãnh hoa văn thường thấy như ở rùa thật hết sức rõ nét.

Những tảng đá hình rùa này cũng vô cùng khác lạ khi vào mùa hè, ngồi lên thấy mát rượi và đến mùa đông, những tảng đá này lại tỏa ra hơi ấm dễ chịu. Vậy nên, những ngày rét, người dân thường sinh hoạt gần những tảng đá, những đứa trẻ nhỏ nghịch ngợm ở bản Bún thường tìm đến đây và nằm chơi trên phần mai rùa bằng đá.

Ông cựu trưởng bản bảo rằng, ngày xưa có một số phiến đá nhỏ đã bị cánh lâm tặc phát hiện và hò nhau đào bới mang đi bán cho những “đại gia” thích chơi sang. Những phiến đá còn lại là vì trọng lượng quá lớn không thể đào mang đi được. Người dân ở đây sau khi phát hiện đá rùa bị đào trộm cũng cảnh giác để ngăn chặn.

Cũng có nhiều nhà nghiên cứu hay tin từng tìm lên bản Bún để chụp ảnh, ghi lại tư liệu nghiên cứu về nguồn gốc của những phiến đá rùa kỳ lạ này nhưng không một ai có thể lý giải được, cho đến nay đó vẫn như một điều kỳ lạ của thiên nhiên vốn đầy bí ẩn.

Vào những ngày Tết, người dân ở bản Bún thường làm lễ tế rùa đá, họ coi những phiến đá như một vật tín ngưỡng giúp người dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng không bị thất bát.

Trong ngày lễ, mỗi nhà sẽ phải mang tới một con gà và một đĩa xôi sau đó làm lễ cúng, đợi khi cháy tắt hương mới được ra về. Mỗi nhà sẽ tự tìm cho mình một phiến rùa đá thích hợp trong bãi đá để làm lễ cúng.

Ngoài ra, người dân ở đây cũng làm lễ tế thần đá. Với họ, lễ tế thần đã có ý nghĩa và giá trị độc đáo với đời sống tâm linh, tín ngưỡng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng thần đá, người dân ở đây chuẩn bị các lễ vật gồm : một con lợn 50 - 60 kg, một con gà trống, một chai rượu, một thếp giấy bản, một gói cơm nắm, chén, bát đũa. Sau đó, người ta chọn nơi nào có những vách đá cao sừng sững nhất trong vùng để dựng bàn thờ ngay dưới chân vách đá đó.

Đàn cúng dựng xong, thầy cúng đặt mâm lên đàn cúng rồi để lên một bát nước lã, thả đồng tiền xu vào đó, một bát muối, 5 chiếc chén rồi thắp hương gọi thần đá về. Thầy cúng làm thủ tục trình báo thần xong, người ta tiến hành cắt tiết lợn, gà ngay tại đó.

Mọi người đến dự mỗi người một việc, người mổ lợn, người nấu cơm, những người khéo léo lấy những tập giấy bản gấp đủ 12 quân giấy bạc – tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc này trông giống như những con thuyền, để thay cho những đồng tiền trước đây.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ, thầy cúng tiến hành làm lễ từ khoảng 11h trưa đến 13h chiều cùng ngày. Thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự.

Nội dung bài cúng đại thể: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân làng mời thần đá trời, thần vách đá cao nhât, thần vách đá hoa, thần giữ đất, giữ đá đến ăn cỗ. Cầu mong các thần phù hộ cho bà con bản Bún khỏe mạnh, không bị đau ốm bệnh tật, mưa thuận gió hòa, lúa ngô không bị sâu bệnh phá hoại, vật nuôi trong nhà sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt …”.

Sau khi hết một tuần hương, thầy cúng làm thủ tục cúng hóa tiền vàng cho các thần đá trở về nơi ở cũ. Lễ cúng kết thúc tại đây. Tiếp đó người ta tổ chức nấu thắng cố ngay tại nơi cúng để thầy cúng cùng nhân dân thụ lộc.

Trẻ con bị bệnh tật đau ốm thường được bố mẹ mang ra đặt ngồi lên mai của rùa đá vì họ tin rằng đứa bé sẽ được thần kim quy che chở và tiếp thêm sức mạnh để đứa trẻ có được sức khỏe dồi dào.

Ông Đinh Công Quán, chủ tịch xã Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La cho biết: “Về những tảng đá hình rùa, phía chính quyền địa phương cũng nắm được nhưng thực hư đó có phải là hóa thạch không thì đến nay chưa có kết luận. Tuy nhiên bà con trong vùng đất rất coi trọng và coi đó như một tín ngưỡng thiêng liêng”.

TheoHôn nhân & Pháp luật
Bình luận
vtcnews.vn