Thực hư uống nước đun sôi để nguội quá 24h gây nguy hiểm cho sức khỏe, nguy cơ ung thư

Sức khỏeThứ Năm, 01/08/2019 14:54:00 +07:00

Nhiều ý kiến cho rằng, uống nước đun sôi để nguội quá một ngày sẽ có nguy cơ bị ung thư, nhưng theo các chuyên gia, đó là quan niệm sai lầm.

Uống nước đun sôi để nguội lâu ngày có nguy cơ ung thư?

Thời gian vừa qua, mạng xã hội lan truyền thông tin nhiều người khuyên nên đổ nước đun sôi để nguội khi quá 24h, để tránh rước bệnh, thậm chí có thể bị ung thư. Một số người cho rằng, nước uống đun sôi ở nhiệt độ cao khiến nồng độ các chất có hại cho cơ thể như arsen, nitrate hay kim loại nặng trở nên đậm đặc hơn, dùng lâu sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, uống nước đun sôi để nguội quá 24h trong thời gian dài nguy cơ bị ung thư là quan điểm sai lầm và không hề có căn cứ.

“Lâu nay người ta thường nhắc tới chuyện nước bị thiu, chứ chỉ vì uống nước đun sôi để nguội quá 24h trong thời gian dài mà bị ung thư thì chắc ai cũng bị rồi”, ông Thịnh nói.

1

PGS. TS Phạm Duy Thịnh khẳng định việc nói uống nước đun sôi để nguội lâu ngày sẽ bị ung thư là vô lý.

Trước đây, nước tự nhiên rất sạch sẽ, hầu như không bị ô nhiễm hay nhiễm vi khuẩn và các chất độc hại như bây giờ nên rất có lợi. Bởi loại nước này chứa lượng oxy và chất khoáng, tốt cho sức khỏe. “Các chất này khi uống sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật trong ruột tiêu hóa tốt thức ăn. Do không bị ô nhiễm nên người dùng có thể uống được ngay”, ông Thịnh nói.

Ngày nay, do nguồn nước nhiều nơi không được vệ sinh, khiến việc đun sôi nước là cách an toàn và tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn và các chất có hại.

Việc này vô tình làm thay đổi cấu trúc tự nhiên hay làm mất đi lượng oxy và các vi lượng cần cho cơ thể đi chứ không thể gây ung thư như nhiều lời đồn thổi. 

"Tất nhiên, việc đun sôi nước có mặt tốt và cũng có mặt chưa tốt. Cụ thể, đun sôi sẽ giúp tiêu diệt những vi khuẩn hay các tạp chất có hại. Nhưng mặt khác, đun sôi nước ở nhiệt độ cao cũng làm mất đi các khoáng chất và lượng oxy tự nhiên có trong nước”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nước có thể bảo quản được bao lâu?

Theo PGS.TS Phạm Duy Thịnh, nước vốn không có giá trị dinh dưỡng nên tùy thuộc vào loại, nước thiu nhanh hay chậm, bảo quản dài hay ngắn.

Với những nước lấy từ sông, hồ, ao, suối hay nước giếng khoan, giếng đào bình thường do có lượng chất hữu cơ trong thành phần, nên khi đun sôi, các chất này bị phân hủy và dễ bị thiu hơn nước bình thường. Nước này cũng không bảo quản được lâu, có khi chỉ được vài giờ tới nửa ngày.

Với nước đã qua xử lý, thanh lọc như hiện nay, khá sạch sẽ nên đun sôi sẽ để được lâu hơn, và thời gian bảo quản cũng được lâu hơn, thậm chí có thể lên tới 24h.

2 3

Bảo quản nước trong bình, chai bằng sứ hay thủy tinh sẽ đảm bảo hơn. (Ảnh minh họa: Boldsky)

Ông Thịnh cũng cho biết, việc xác định nước thiu trong bao lâu, thời gian bảo quản dài hay ngắn hiện nay rất khó khẳng định chính xác, bởi tùy thuộc vào loại nước và thành phần có trong nước. Vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, tránh nhiễm bệnh là không nên tích trữ nước quá nhiều và để trong thời gian dài.

“Nhiều gia đình có thói quen đun nước xong đem chia thành nhiều bình để tích trữ rồi sử dụng dài ngày mà không hề hay biết việc này rất có hại.

Lúc này, nước đã bị thiu, thậm chí các chất hữu cơ cũng bị phân giải, chất vô cơ bị lắng xuống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Con người nếu uống phải loại nước trên sẽ có hại tới sức khỏe, nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn.

Uống và bảo quản nước thế nào cho đúng?

Để đảm bảo sức khỏe, PGS.TS Phạm Duy Thịnh khuyên mọi người, nước đun sôi để nguội không nên để quá lâu, chỉ tối đa khoảng một ngày. Có vậy mới tránh được nước bị thiu và không đảm bảo vệ sinh.

Nước nên được bảo quản trong những bình, chai hay lọ bằng sứ hoặc thủy tinh, không nên dùng vật liệu bằng sắt, nhôm, đồng để trữ nước. Vật bảo quản cũng cần phải có nắp đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh khói bụi hay không khí ô nhiễm.

“Nếu có điều kiện, chúng ta có thể dùng các thiết bị, máy lọc nước bằng màng lọc hay ion để loại bỏ các cặn bã, kim loại hay các chất độc hại”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Lưu ý trong việc trữ nước, PGS. TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa, Đại học khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trong tất cả các vật liệu thì bình hay chai nhựa là thứ không nên dùng để bảo quản nước đun sôi để nguội lâu ngày.

Bởi những bình, chai nhựa, đặc biệt là những loại bình nhựa làm bằng nhựa trôi nổi, nhựa tái chế đựng nước lâu ngày có khả năng giải phóng ra các phân tử hữu cơ hay chất có hại, dễ gây nhiễm độc cho cơ thể.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn