Thực hư ‘nhân sâm biển’ giúp vua Minh Mạng ‘nhất dạ lục giao’

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 10/06/2014 01:33:00 +07:00

Có giai thoại kể rằng, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, người dân vùng Quảng Ngãi hàng năm đều phải tiến cống mắm nhum cho triều đình.

Có giai thoại kể rằng, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, người dân vùng Quảng Ngãi hàng năm đều phải tiến cống mắm nhum cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền.


Sự ưa thích đặc biệt của vị vua nổi tiếng sung mãn trong chuyện “phòng the” đối với loại sản phẩm từ biển này khiến loài nhum ngày càng trở nên nổi tiếng. Nhiều người tin rằng, nhum ẩn chứa những công dụng giúp quý ông tăng cường “bản lĩnh” và cũng chính là một trong những bí quyết sung mãn trong “chuyện ấy” của vua Minh Mạng.

“Thần dược” tăng cường “chuyện ấy” của nhà vua?


Nhum biển còn gọi là nhím biển, cầu gai (tên khoa học là sea urchin, sea chestnus) có hình dáng xù xì, xấu xí y hệt như chùm gai; thường sống từng nhóm ở những vùng biển có nhiều rong rêu hoặc san hô như Lý Sơn, Phú Quốc, Phan Rang, Phan Thiết… và nhiều nhất là ở Nha Trang.

Từ lâu, nhum được coi là món ăn đặc sản của các địa phương nói trên, được nhiều người săn lùng với số lượng lớn. Dân miền biển thường bổ đôi con nhum, gỡ thịt chấm muối chanh với mù tạt, ăn sống ngay khi mới vớt lên khỏi mặt nước hoặc trộn thịt nhum với trứng chưng mặn để ăn cơm. Có người nướng hoặc nấu thịt nhum với bắp chuối chát và cây chuối non…

Ngư dân săn nhum 

Nhưng theo các ngư dân thì ngon nhất vẫn là món cháo nhum, ăn nóng. Người Nha Trang từ lâu đã tự hào khẳng định, cháo nhum là quà tặng tuyệt hảo của biển khơi. Mùi vị của món cháo nhum không thể lẫn với bất cứ món hải sản nào khác bởi nó có vị ngọt thanh của nhân sò điệp, vị ngọt dịu như thịt tôm, cua mà phảng phất hương biển tanh nồng trong sự quyến rũ đậm đà của gia vị. Những người đi biển tin rằng ăn cháo nhum rất nhanh hồi phục sức khỏe và giúp tiêu hóa tốt hơn; riêng với cánh đàn ông, món nhum có tác dụng bổ dương và tăng cường “bản lĩnh phòng the”.

Công dụng của loài nhum bắt nguồn từ việc nó nằm trong danh sách đặc sản tiến vua thời nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng – vị vua nổi tiếng về khả năng “chăn gối” với giai thoại “nhất dạ lục giao” (một đêm ân ái 6 lần) và có tới 142 người con chính là người yêu cầu người dân miền biển Quảng Ngãi tiến cống loại mắm làm từ loài hải sản này.

Theo đó, trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Mắm nhum là sản vật ở các đảo ngoài biển. Dưới thời vua Minh mạng, người dân mỗi năm phải nộp 12 cân mắm nhum. Thời bấy giờ, nghĩa sâm (sâm miền núi Quảng Ngãi nay đã tuyệt giống, chúng tôi sẽ có dịp nhắc đến trong một bài viết khác) và mắm nhum là hai đặc sản ở Quảng Ngãi, triều đình đặt và bắt buộc phải cống bằng vật, không được dùng tiền để thay”. Vì vậy, người xưa còn quen gọi mắm nhum là mắm tiền hay mắm tiến.

Theo Đông y, loài nhum có chứa nhiều dưỡng chất, có tác dụng bổ dương, dùng bồi bổ cho những người có thể trạng yếu, tăng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. Qua phân tích, khoa học hiện đại cũng tìm thấy trong nhum có chứa nhiều protein, các loại vitamin A, B2, B1, chất béo và nhiều nguyên tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm vốn dễ hấp thụ, là “tác nhân” giúp cánh mày râu mạnh mẽ trong “chuyện ấy”.

Tuy không có tài liệu sử học nào đề cập đến việc vua Minh Mạng ăn mắm nhum thường xuyên để hỗ trợ chuyện “chăn gối” nhưng từ sự ưa thích đặc biệt của ông với loài hải sản chứa nhiều dưỡng chất này, người ta tin rằng, bên cạnh phương thuốc “Minh Mạng thang” nổi tiếng, nhím biển cũng là một trong những bí quyết giúp nhà vua mạnh khỏe, sung mãn trong chốn phòng the.

“Nhân sâm biển” được nhiều quốc gia coi trọng


Nhum có nhiều loại: nhum sọ màu trắng hoặc vàng cam, gai ngắn, ít thịt; nhum bàn gai nhọn, dài như chông; nhum đen thịt nhiều, ngon và béo, là đối tượng bị săn lùng nhiều nhất. Các ngư dân miền biển quả quyết, trong các loài cua, sò, ốc biển, chưa thứ nào qua nổi thịt nhum, nó vừa ngon vừa bổ, đặc biệt là trứng nhum.

Chế biến loài vật này, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số gai tua tủa bao quanh. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi bằng quả chanh. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt lẫn với trứng màu vàng đục bám dọc bên thành nó, đó là phần quý của loài hải sản này. Tại miền Trung, ngư dân thường lấy thịt và trứng tẩm gia vị rồi xào lên trước khi cho vào nồi cháo. Để có món cháo nhum ngon như ý, nhất thiết phải chọn nhum sống, vừa mới lặn bắt lên từ biển.

Nhum là món hàng đắt khách ở các vùng biển 

Tại Phú Quốc, người dân chọn những con nhum tươi vừa mới bắt mang về cắt gai, tách đôi ra, rửa sạch rồi đặt lên bếp than hồng nướng, cho thêm mỡ hành vào, mùi thơm rất hấp dẫn. Tuy nhiên, ngon nhất, độc đáo nhất chính là món mắm nhum đậm đà hương vị biển – sản vật tiến vua thời nhà Nguyễn. Chỉ có “nhum ta” (nhum đen), màu đỏ thẫm ngả sang đen, thịt chắc và thơm mới được dùng làm mắm thượng phẩm.

Giống nhum này sống nhiều ở những gành đá quanh mũi Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đổ vào phía Hoài Nhơn (Bình Định) nên mắm nhum là đặc sản của cư dân vùng biển này. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, sau đó đem vùi vào bếp tro hoặc phơi ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành thứ mắm vô cùng hấp dẫn.

Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, nhím biển từ lâu cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi vào danh sách những sản vật quý giá từ đại dương. Tuy nhiên đã có thời, chúng bị coi là thảm họa của đại dương. Vì lấy nguồn thức ăn là thực vật biển, người ta quy cho chúng là một trong những thủ phạm phá hoại hệ sinh thái biển. Do vậy, loài sinh vật đầy gai nhọn này bị tìm diệt hàng loạt. Đến những năm 1970, “quả cầu gai trên biển” bắt đầu trở nên có giá trị xuất khẩu lớn. Cơ quan sinh dục của chúng được Nhật Bản nhập khẩu với số lượng lớn để chế biến thành phương thuốc giúp tăng cường khả năng tình dục cho nam giới.

Những năm 1990, nhím biển thậm chí còn trở thành một trong những nguồn tài nguyên biển quý nhất ở bang California (Mỹ). Hiện nay, tại Nhật Bản và Triều Tiên, món nhum khá phổ biến. Trong các món sushi Nhật: sushi nhím biển được gọi là Uni. Nhím biển được bán trên thị trường Nhật có giá lên đến 400 USD/kg và có cả dạng đóng trong chai. Nhum được trộn với nước tương để ăn dưới dạng sashimi, trộn với lòng đỏ trứng quết trên các món hải sản nướng vỉ. Nhật cũng là nước nhập cảng nhum nhiều nhất thế giới. Theo tài liệu của Viện Hải dương học, trên thế giới hiện có khoảng 800 loài nhum nhưng chỉ có một số loài ăn được và thực sự có giá trị kinh tế.

Thực ra, phần ăn được của nhum là tuyến sinh dục, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng phong phú. Do nhu cầu tiêu thụ của các nước trên thế giới rất lớn nên nhum thường được các nước nuôi trồng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia…

Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu triển khai chương trình nuôi nhum ở những vùng biển có mực nước sâu trên 10m, độ mặn 28%, nhiệt độ đảm bảo 12 độ C trở lên. Ở Việt Nam, do chưa tìm ra phương pháp sinh sản nhân tạo giống nhum nên người nuôi vẫn chủ yếu tìm mua giống tự nhiên hoặc nhập giống từ nước ngoài.

Nhím biển càng già càng sung sức Theo kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học tại Oregon và California (Mỹ), nhím biển có thể sống tới trên 200 tuổi mà vẫn khỏe mạnh và có rất ít dấu hiệu bị lão hóa. Tiến sĩ Thomas Ebert, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Chẳng có sinh vật nào sống mãi được với thời gian nhưng loài nhím biển dường như trường sinh bất tử”. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nhím biển có thể sống đến 200 tuổi hoặc hơn. Chúng có thể chết vì động vật ăn thịt, vì bệnh tật hoặc vì sự săn lùng của con người nhưng rất hiếm khi chết do tuổi già. Bằng chứng thu thập được cho thấy, nhím biển 100 năm tuổi vẫn sung sức và tham gia vào quá trình sinh sản như nhím biển 10 năm tuổi. Trên thực tế, nhím biển càng trưởng thành lại càng tạo ra nhiều tinh trùng và trứng. Thậm chí, ở tuổi quá già, khả năng sinh sản của chúng vẫn cực kỳ hoàn hảo. Sự “sung sức” của loài hải sản này cũng là một trong những lý do khiến người ta ngày càng tin rằng, nhum thực sự là loại nhân sâm quý giá của biển mang lại nhiều lợi ích trong “chuyện ấy”.


TheoVọng Xưa (GĐ&XH)
Bình luận
vtcnews.vn