Thực hư chuyện ăn vải mắc bệnh viêm não Nhật Bản

Sức khỏeThứ Ba, 05/07/2016 14:32:00 +07:00

Thông tin ăn vải dễ gây mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang khiến người dân hoang mang, không dám mua vải về ăn, vậy đâu là sự thật?

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng ăn vải dễ bị nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, không dám mua vải về ăn dù loại quả này đang vào chính vụ.

Trước thông tin này, các chuyên gia đã lên tiếng khẳng định không có chuyện ăn vải dễ mắc bệnh viêm não như tin đồn, người dân không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng như trên.

muavai

 

Bác sỹ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương.

Mùa viêm não Nhật Bản diễn ra vào cuối Xuân đầu Hè, hoặc cuối mùa Hè đầu mùa Thu nên các bậc phụ huynh cần cảnh giác. Khi trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

Sở dĩ bệnh có tên là viêm não Nhật Bản là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản, các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra vi rút gây bệnh và đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản. Ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống – nơi vi rút nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê... và từ đó truyền sang người.

Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh và tất nhiên việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu sinh sản ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên thường gọi là muỗi đồng ruộng.

Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, phát triển vào những tháng mùa hè, nóng lắm, mưa nhiều. Thông thường khoảng từ chập choạng tối đến đêm, muỗi từ cánh đồng bay về các chuồng gia súc để kiếm ăn, hút máu súc vật. Nếu chuồng gia súc gần nhà thì muỗi bay vào nhà hút máu người và truyền bệnh. Muỗi có thể bay xa tới 1,5 km và có thể bay lên cao trên mặt đất khoảng 13 mét – 15 mét.

CHU TRÌNH LÂY TRUYỀN CỦA VI RÚT VIÊM NÃO NHẬT BẢN

viemnaonb

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người.

Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản.

Theo bác sỹ Hải, dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C  kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như  vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.

Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng

như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Để phòng viêm não Nhật Bản cần tiêm vắc xin, đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi từ năm 1997 đến nay.

Lịch tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi

+ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

+ Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, người dân cần tiêu diệt muỗi là trung gian truyền bệnh cho người, khi ngủ cần mắc màn tránh bị muỗi đốt.

Video: Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm não mô cầu

Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn