'Thực hiện chương trình GDPT mới, dành những gì tốt nhất cho lớp 1'

Diễn đànThứ Năm, 10/09/2020 11:58:00 +07:00
(VTC News) -

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại cuộc kiểm tra công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở Thái Bình mới đây.

Học sinh lớp 1A đang được cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Thu Lan, trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, Thái Bình) hướng dẫn làm quen với các chữ cái G, H, I, K, L, M thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động giáo dục. Nữ giáo viên viết lên bảng các chữ cái để học sinh nhận diện, đọc theo.

Sau đó cô cho các em chơi trò chơi tìm chữ cái trong tranh; thảo luận theo nhóm để học sinh cùng nhau tìm câu trả lời rồi lên bảng trình bày trước cả lớp và bạn ở dưới nhận xét đúng - sai. Việc học viết các nét cong trái (Ɔ), cong phải (c), cong kín (o), sau khi được giáo viên cầm tay hướng dẫn viết bảng, các học sinh lại được đứng tạo tư thế giống các nét này.

Lớp 33 học sinh, tất cả đều hào hứng tham gia sôi nổi các hoạt động giáo viên hướng dẫn. Phần “giải lao” giữa tiết học, cả lớp được ca hát, hoạt động theo đề xuất của mình. Đôi khi có em còn “mải” chơi, nói chuyện tự do trong lớp, giáo viên nhẹ nhàng đến bên khuyến khích - hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động cùng các bạn. Lớp học cứ thế diễn ra rất tự nhiên, giáo viên linh hoạt với bài học của mình và hoàn toàn làm chủ được tiết dạy.

'Thực hiện chương trình GDPT mới, dành những gì tốt nhất cho lớp 1' - 1

Học sinh lớp 1A trường Tiểu học Đông La (Thái Bình).

Với tiết học hôm nay tôi đã thay đổi nhiều về phương pháp dạy học là tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn và tự tin giao tiếp - phát biểu ý cá nhân. Qua những buổi dạy đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi thấy học sinh rất vui vẻ, thích thú học tập.

Chương trình này có nhiều ưu điểm thực tế là giúp học sinh chủ động, tích cực học tập, tự nắm bắt kiến thức từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn, các hoạt động giáo dục cũng giúp các em được phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, biết liên hệ và vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống”, cô giáo Đặng Thị Thu Lan nói.

Cô Lan có 20 năm kinh nghiệm dạy học và thường xuyên chủ nhiệm lớp 1, cô cho rằng để dạy được học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân cô và các đồng nghiệp cũng phải thay đổi nhiều điều trong cách dạy học so với trước đây.

Ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn về sử dụng sách giáo khoa 1, bản thân cô cũng thường xuyên tự vào tìm hiểu, học hỏi các bài giảng mẫu theo chương trình mới trên hệ thống quản lý học tập của Bộ. Từ đó, nữ giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế bài giảng riêng cho học sinh của mình.

“Các hướng dẫn trước đây của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác, cơ bản đã giúp tôi làm quen với việc dạy học thông qua các hoạt động giáo dục. Do đó, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi không bị bỡ ngỡ và dễ bắt nhịp đổi mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình”, nữ giáo viên cho biết.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - Nguyễn Viết Hiển cho biết, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã tăng cường đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy - học. Từ năm 2018 đến nay, địa phương này đã xây mới và bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.400 phòng học, 145 phòng học bộ môn, 276 công trình phụ trợ.

Việc bồi dưỡng giáo viên dạy học theo chương trình mới cũng được tỉnh nghiêm túc triển khai trên tinh thần lấy chất lượng làm chính. Theo đó, 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của Thái Bình đã hoàn thành bồi dưỡng về chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới. Đơn vị này đang tiếp tục các hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên theo các yêu cầu và lộ trình Bộ GD&ĐT đã đề ra.

'Thực hiện chương trình GDPT mới, dành những gì tốt nhất cho lớp 1' - 2

Giờ lên lớp của cô và học sinh trường Tiểu học Đông La (Thái Bình).

Trong các phát biểu về thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn, Trưởng phòng GD&ĐT các huyện/thành phố của tỉnh Thái Bình đều cho biết, đang tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học và xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học/hoạt động giáo dục.

Chúng tôi đã thành lập các tổ chuyên môn gồm giáo viên cốt cán theo từng môn học để hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn giúp giáo viên đại trà khi triển khai bài dạy. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ chuyên môn cũng sinh hoạt đều đặn hàng tháng và xây dựng chuyên đề dạy học cho học sinh”, Trưởng phòng GDĐT huyện Hưng Hà - Đinh Bá Khải nói.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ cũng cho biết, cứ mỗi tuần các tổ chuyên môn dạy lớp 1 của các trường Tiểu học trên địa bàn đều sinh hoạt, trao đổi chuyên đề, dự giờ liên trường để trao đổi kinh nghiệm.

Giáo viên lớp 2 cũng phải tham gia các hoạt động này để tìm hiểu, làm quen và sẵn sàng thực hiện chương trình mới trong năm học tới. Mạng lưới tổ chuyên môn liên trường của huyện Thái Thụy vẫn thường xuyên sinh hoạt, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ nhau cùng nâng cao chất lượng giáo dục với mục tiêu thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ lo lắng nhất về đội ngũ giáo viên khi thay đổi phương pháp và hình thức bồi dưỡng là giáo viên đại trà chủ yếu học tập qua mạng dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, nhưng sau thực tế triển khai, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng đã phải khẳng định “lần đổi mới này bài bản nhất so với các lần trước”.

“Thay vì giáo viên này đi học về rồi bồi dưỡng tiếp cho giáo viên khác thì lần này các thầy cô được trực tiếp nghiên cứu, học tập tài liệu gốc; tham gia bồi dưỡng qua mạng nhưng được kiểm soát chặt chẽ về quá trình học, phải hoàn thành ở mức “Đạt” bài kiểm tra chất lượng cuối khóa mới được tham gia đứng lớp dạy học.

Các thầy cô lớp 1 do đó đều nắm vững chương trình và tạo lập được thói quen, ý thức tự bồi dưỡng nâng cao năng lực của bản thân, đáp ứng yêu cầu của đổi mới”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng - Trần Đức Cường nói.

Thầy cô nói ít, để học sinh được nói nhiều hơn

Đánh giá cao ngành giáo dục tỉnh Thái Bình trong công tác chuẩn bị và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học của cả 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT và Mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị địa phương tiếp tục phát huy và triển khai hiệu quả những hoạt động này, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục.

'Thực hiện chương trình GDPT mới, dành những gì tốt nhất cho lớp 1' - 3

6.JPG

Theo Thứ trưởng Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT chú trọng đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ thế mạnh phát triển quy mô sang chú trọng phát triển chất lượng. “Việc này khẳng định chúng ta phải xây dựng nền giáo dục chất lượng. Giáo dục mà không có chất lượng, học sinh lớp 1 vào đầu năm chưa biết đọc viết đến hết năm học vẫn chưa biết đọc thông viết thạo, thì coi như là chưa được giáo dục và như thế là lãng phí”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây cũng là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi yêu cầu giáo viên tổ chức dạy học thông qua các hoạt động giáo dục để khuyến khích sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học trò. Giáo viên khi đó chỉ là người hỗ trợ, định hướng cho các em tự tìm hiểu, khám phá các bài học.

“Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh. Với lớp 1 năm nay là lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới, phải chú trọng về chất lượng. Các thầy phải ưu tiên những gì tốt nhất từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất cho lớp học mở màn sự đổi mới này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều đổi mới so với chương trình hiện hành nên trong công tác thanh - kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý phải chọn những người hiểu về chương trình mới để có nhận định đúng đắn, tránh dùng tư duy và hiểu biết cũ để làm cản trở những đổi mới, sáng tạo tích cực của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông.

Các lớp học còn lại của cấp Tiểu học, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công văn 4612/BGDĐT-GDTrH. Trong đó lưu ý 4 yêu cầu cần đổi mới là: xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.

Đối với các lớp đang học chương trình hiện hành nhưng ngay khi chuyển cấp sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (lớp 5 và 9), Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch chỉ đạo việc bổ trợ cho học sinh để các em để các em không bị bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới.

Cùng với những chỉ đạo về việc chăm lo đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để nhà trường và đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ hi vọng và tin tưởng Thái Bình với sự chuẩn bị chu đáo sẽ trở thành “điểm sáng” trong công tác thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quỳnh Trang
Bình luận
vtcnews.vn