Thực chất sự “bất bại” của MU là gì?

Thể thaoThứ Hai, 10/01/2011 02:21:00 +07:00

(VTC News) - Tuy nhiên, là một HLV lão làng giàu kinh nghiệm, Alex Ferguson hiểu rằng cái danh hiệu “đội bóng bất bại” là con dao hai lưỡi.

(VTC News) - Trận thắng Stoke City hồi đầu tuần trước có thể xem là hình ảnh của chính MU ở mùa giải năm nay, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại. Không ít chuyên gia đã phải dùng đến từ “thật khó tin” để nói về việc cho đến lúc này MU là đội duy nhất không bị đánh bại khi Premier League đã đi qua nửa đầu tiên, với 12 trận thắng và 8 trận hòa.

Ở trận thắng Stoke City, “Bầy quỷ” chỉ có đúng 2 cú sút đi trúng về phía khung gỗ của đối phương, và kết quả là họ thắng… 2-1! Nghĩa là hiệu suất thành bàn của các cú sút là 100%! Mùa này, hiếm khi người ta thấy MU chơi với phong độ cao nhất, nhưng họ vẫn luôn giành được kết quả tốt. Thực ra điều đó không có gì lạ trong bóng đá, nhưng cũng cho thấy bóng dáng của nhà vô địch trong năm nay - MU.

Nhưng trước khi chúng ta nói về việc MU có thể trở thành CLB không thể đánh bại ở nửa còn lại của mùa bóng giống như điều thần kỳ Arsenal đã làm được năm 2004 hay không (khi đó chắc chắn sẽ chạm vào lòng tự ái của các Gunners), hãy cùng nhìn sâu hơn về MU, cách mà họ đã thực hiện để đạt được hiệu quả cho đến lúc này.

“Cờ đến tay” Dimitar Berbatov

Với MU, có lẽ những màn trình diễn ngoạn mục, đẹp mắt bây giờ đã là “thời xa vắng”. Duy nhất một lần kể từ đầu giải, MU ghi nhiều hơn 3 bàn trong một trận. Tất nhiên, điều đó chẳng có gì là “thảm kịch” cả, chỉ có điều nó quá ít ỏi nếu so với mùa giải năm ngoái. Mùa giải 2009/10 MU đã 9 lần ghi được hơn 3 bàn trong một trận, trong khi năm nay đã sau 20 trận mới 1 lần họ làm được điều đó.

Berbatov đang được trao nhiều cơ hội thể hiện bản thân. 

Thế nên, nếu có một chân lý rằng “danh hiệu có được không phải bằng việc phá nát lưới đối phương”, thì một trong những CLB thấu hiểu điều đó tốt nhất là MU! Nên nhớ, mùa giải gần nhất MU vô địch Ngoại hạng Anh là năm 2008/09, khi đó họ cũng đã có 10 trận thắng với tỷ số chỉ 1-0. Người ta từng mãi chỉ trích Jose Mourinho về tính thực dụng, rằng “3 điểm là điều quan trọng nhất”, vậy họ sẽ nói gì về Alex Ferguson?

Kể từ đầu mùa, trận thắng đậm duy nhất của MU – trường hợp đặc biệt nhất - là khi họ hạ sát Blackburn Rovers với tỷ số 7-1 hồi cuối tháng 11/2010. Nhưng đó cũng chính là trận đấu quan trọng nhất để hiểu về MU hiện tại, để hiểu rằng HLV Alex Ferguson đã có sự thay đổi trong cách tổ chức tấn công của ông.

Trong 3 mùa giải trở lại đây, MU luôn tổ chức hàng công xoay quanh một cầu thủ duy nhất, các cầu thủ đó thay đổi theo từng năm. Mùa giải 2008/09 đó hẳn nhiên là Cristiano Ronaldo, còn Wayne Rooney thường xuyên phải “hy sinh thân mình” để nhường cho cầu thủ người Bồ phạm vi hoạt động rộng hơn, để Ronaldo hoàn toàn tự do thể hiện hết năng lực sở trường.

Khi Ronaldo chuyển sang Real, Rooney nhận lãnh sứ mệnh làm trung tâm của nửa trên đội bóng, và lập tức anh có mùa giải thành công nhất của mình ở MU (ghi 26 bàn, kém vua phá lưới Drogba 3 bàn). Khi dó, Dimitar Berbatov trở thành cầu thủ chơi lùi và đóng vai trò người phụ trợ cho Rooney.

Đến khi Rooney dần đánh mất vị trí của mình (vì chấn thương, vì scandal đòi ra đi để được tăng lương, mất phong độ), Berbatov tình cờ được trao vai trò hạt nhân. Trận đấu với Blackburn nói trên đã thể hiện hoàn hảo điều này. Berba ghi 5 bàn (kỷ lục ghi bàn của 1 cầu thủ trong lịch sử Premier League), trong khi Rooney là người kết nối lối chơi và hỗ trợ tấn công. Trận này, Rooney đã thực hiện 84 đường chuyền và chỉ 2 lần tung sút; khác hẳn với lần gặp Blackburn năm ngoái khi anh chỉ có 40 đường chuyền nhưng sút cầu gôn 8 lần.

Việc Rooney đóng vai trò người phụ trợ cũng được thể hiện trong các trận gần đây gặp Birmingham và West Brom, anh đá dạt ra biên nhiều hơn còn Berbatov thường ngự trị ở khu vực cấm địa.

Phải chăng, đã đến thời của Dimitar Berbatov?

“Mắc kẹt” vì… Berbatov

Cách Ferguson đang xếp Rooney trong vai trof đá hộ công cho Berbatov có vẻ như là điều nghịch lý, khó hiểu, nhất là khi gặp Arsenal “máy sấy tóc” thậm chí lại không để tiền đạo người Bulgaria trong danh sách dự bị! Nhưng thực ra, đó cũng là cách mà các HLV đối thủ cũng đã và đang áp dụng.

Thực vậy, HLV Carlo Ancelotti cũng đã thực hiện chiến thuật này năm ngoái: Drogba là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải, nhưng trong trận đấu ở Old Trafford có tính chất quyết định đến danh hiệu mùa giiar, ông lại chọn Nicolas Anelka làm tiền đạo chính. Tương tự, ở mùa giải này, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Arsenal tính đến thời điểm hiện tại là Marouane Chamakh, nhưng trong trận đấu với Chelsea và Manchester City vừa qua thì Wenger lại dùng Robin van Persie. Vì sao vậy?

Rooney, cầu thủ cho những trận đấu lớn của MU. 

Trong những trận đấu quan trọng, những cầu thủ mưu mẹo, có khả năng hỗ trợ tốt và năng nổ như Rooney, Anelka, van Persie là rất cần thiết. Bình thường họ chơi lùi hơn Berbatov, Drogba và Chamakh đã giúp gắn kết hơn trong việc liên kết lối chơi. Rõ ràng trong bóng đá hiện đại vẫn có chỗ cho kiểu tiền đạo cổ điển luôn túc trực trong vòng cấm địa, nhưng chắc chắn đó không phải là mẫu tiền đạo cho mọi trận đấu.

Nhìn lại thời điểm MU ký hợp đồng với Berbatov. Mùa giải 2007/08 khi vô địch Champions League, MU có một bộ ba cầu thủ cực thích hợp với lối chơi phòng ngự phản công sắc bén là Ronaldo, Rooney và Carlos Tevez. Tuy nhiên đôi khi họ vẫn cần mẫu cầu thủ thường xuyên túc trực trong vòng cấm địa đối phương (kiểu như Louis Saha nhưng Saha khi đó bị chấn thương), một số 9 thực thụ để có thể gây nguy hiểm thường trực lên đối phương, nhất là trong trường hợp đối phương tổ chức phòng ngự kiểu đổ bê tông, tầng tầng lớp lớp.

Chắc chắn MU khi mua Berbatov không dự định mang về một tiền đạo theo mẫu Saha. Và vì đã dùng đến 30 triệu bảng mua một tiền đạo lừng danh, MU cũng đã tạo điều kiện hết mức cho Berbatov thi đấu thường xuyên, đẩy Tevez dần lên ghế dự bị, thành người thừa. Nhưng thi đấu bên cạnh Ronaldo và Rooney nhiều mà Berbatov vẫn không cải thiện khả năng của mình, luôn khiến người ta cảm thấy anh không bao giờ thích hợp được với lối đá của đội.

Có thể thấy, Alex Ferguson hiếm khi sử dụng Berbatov trong những trận cầu lớn ở cúp châu Âu. Kể từ thời điểm Berba gia nhập CLB đến nay, MU đã trải qua 11 trận ở vòng knock-out Champions League qua các năm. Berbatov được ra sân 3 lần đầu tiên trong số 11 trận đó, nhưng trong tất cả 8 lần còn lại đều phải ngồi trên băng ghế dự bị. Rõ ràng Ferguson rất hiểu mẫu cầu thủ có khả năng phản công nhanh, tràn đầy sức mạnh mới là nhân tố chính đưa đến thắng lợi trong những trận cầu lớn.

Kể từ năm 2006 đến 2009, MU thường rất đáng sợ kể cả trên sân khách. Nhưng từ đầu mùa giải đến nay, MU đã nhiều lần “hút chết” bởi lối đá xoay quanh một tiền đạo yếu đuối, chậm chạp và không phù hợp với kiểu bóng đá phản công chớp nhoáng. Đó chính là lý do vì sao MU chỉ có 2 thắng 7 hòa trong 9 lần đi xa Old Trafford.

Trong nhưng lần đi làm khách, khi MU phải chơi phòng thủ nhiều hơn, người ta nhận ra rằng lúc phản công họ không còn đủ sự gắn kết. MU có vẻ như đang bị mắc kẹt giữa tư duy phòng ngự phản công để đoạt 3 điểm và tư duy cố đá thủ hòa để giành 1 điểm. Kết quả là thường xuyên… hòa.

MU có thể bất bại cả mùa bóng?

Theo logic đó thì chỉ khi nào Sir Alex Ferguson khai thông được bế tắc trong tư duy tấn công của chính bản thân ông, đồng nghĩa với việc sử dụng Berbatov như thế nào, thì MU sẽ tìm lại được sức công phá của họ. Berbatov sẽ là giải pháp tốt trước những đối thủ yếu có xu hướng chơi tử thủ, khi đó khả năng “nằm vùng” và “săn mồi” của anh sẽ được phát huy. Còn trước những đối thủ mạnh không ngại đôi công với “Bầy quỷ”, thì vai trò của những cầu thủ như Rooney phải được đặt làm trọng tâm.

Arsenal đã làm nên điều kỳ diệu năm 2004, liệu MU có tái hiện được điều đó? 

Như vậy, thực tế MU đang có trong tay cả 2 lựa chọn rất tốt cho 2 phương án tấn công, vấn đề là vận dụng vào lúc nào và vận dụng như thế nào mà thôi. Chỉ có làm tốt việc tấn công thì những trận quan trọng còn lại của mùa giải (2 lần gặp Chelsea, các trận lượt về gặp Liverpool, Arsenal, Manchester City, Tottenham) mới mong tiếp tục duy trì khả năng “bất bại”.

Ngoài trận đấu với Chelsea bị hoãn do tuyết quá dày, lượt đi MU đã lần lượt hạ Liverpool (3-2), Arsenal (1-0), Tottenham (2-0), và hòa Man City (0-0). Cả 3 trận thắng đó đều trên sân nhà Old Trafford, và trận hòa Man City là trên sân khách. Điều đó càng cho thấy MU phải cải thiện rất nhiều hàng công thì mới vượt qua được những chông gai nơi “đất khách quê người” ở lượt về.

Về khả năng phòng ngự, sự trở lại của Rio Ferdinand sau thời gian chấn thương đúng là “quý như vàng”. Số lần “hút chết” của họ ở mỗi trận đã được giảm đi nhiều kể từ khi cặp đôi Rio Ferdinand và Nemanja Vidic tái hợp. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp khả năng MU trở thành đội bóng không thể đánh bại ở cả mùa giải được tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, là một HLV lão làng giàu kinh nghiệm, Alex Ferguson hiểu rằng cái danh hiệu “đội bóng bất bại” là con dao hai lưỡi. Ông sẽ lấy cái đó làm động lực thôi thúc các học trò làm nên kỳ tích; nhưng cũng không quên cảnh tỉnh chính mình và toàn đội bóng rằng không nên bị đè chết bởi áp lực này. MU có quyền lựa chọn, và 3 điểm mới là sự lựa chọn thông minh!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn