Thua U22 Hàn Quốc, HLV Hữu Thắng rút được bài học gì?

Thể thaoThứ Hai, 24/07/2017 14:21:00 +07:00

Thất bại trước đối thủ hàng đầu châu Á là cơ hội tốt để U22 Việt Nam tích lũy kinh nghiệm, hướng tới hình ảnh hoàn thiện hơn tại SEA Games 29 sắp tới.

U22 Việt Nam chính thức giành quyền dự vòng chung kết U23 châu Á 2018 với tư cách 1 trong 6 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Đến lúc này, nhiều người mới nhận ra, thất bại 1-2 trước U22 Hàn Quốc hóa ra lại đáng giá "ngàn vàng": Vừa đủ để U22 Việt Nam đi tiếp, vừa hay để HLV Hữu Thắng nhận ra vấn đề hiện tại của toàn đội trước thềm SEA Games.

Video: U22 Việt Nam 1-2 U22 Hàn Quốc

Đôi công cả trận là nhiệm vụ quá sức

Cách tiếp cận trận đấu của U22 Việt Nam khiến hầu hết phải bất ngờ. Với sơ đồ 4-4-1-1 (không có tiền vệ phòng ngự), U22 Việt Nam không giấu ý đồ chơi tấn công trước đối thủ mạnh bậc nhất châu Á.

HLV Hữu Thắng có lí khi cho rằng, tấn công là phương án hữu hiệu nhất để phòng ngự, và sức mạnh tấn công của U22 Việt Nam (ghi 11 bàn/ 2 trận) đủ sức đương đầu hàng thủ U22 Hàn Quốc. Cựu chiến lược gia SLNA đã đúng một nửa khi U22 Việt Nam có được vài cơ hội cùng bàn thắng gỡ hòa.

U22 Việt Nam đủ lực chơi "tất tay" với đối thủ, nhưng chỉ là chơi tấn công trong từng thời điểm cụ thể, thay vì tấn công trong cả trận. U22 Hàn Quốc trội thể lực hơn U22 Việt Nam, đó là điều không phải bàn cãi, kể cả khi toàn đội đã cải thiện thể lực rất nhiều trong thời gian qua.

Thể lực kém hơn, lại chọn lối chơi đôi công và áp sát liên tục rất tốn sức, U22 Việt Nam phải nhận bàn thua từ những tình huống "hồi mã thương" khi cả đội chưa kịp hồi phục.

u22 viet nam han quoc (3) 5

U22 Hàn Quốc (áo đỏ) tận dụng sai lầm khi U22 Việt Nam mải mê tấn công.

Bàn thua thứ nhất đến sau khi Văn Thanh và Đức Chinh vừa bỏ lỡ cơ hội ghi bàn. Bàn thua thứ hai xuất phát từ tình huống toàn đội mải mê tấn công đến mức... quên mất trung vệ Bùi Tiến Dũng đang ở ngoài sân điều trị chấn thương. 4 cầu thủ tấn công của U22 Hàn Quốc dễ dàng đánh bại 3 cầu thủ phòng ngự còn lại của U22 Việt Nam. Hệ quả tất yếu của nền tảng thể lực suy giảm đến mức không còn ai đủ sức lùi về hỗ trợ.

U22 Hàn Quốc chủ động đá chậm, chắc trong hiệp 2 để bảo vệ thành quả. Nhà báo Đặng Hoàng đưa ra quan điểm: Đến U22 Hàn Quốc mạnh như vậy mà còn chọn lối đá an toàn, chắc chắn để hướng tới kết quả, thì tại sao U22 Việt Nam lại chơi "bất chấp" như vậy dù chúng ta có đầy đủ lợi thế trong tay?

Khán giả ồ lên tiếc nuối với tình huống đối mặt hỏng ăn của Tuấn Tài, song U22 Hàn Quốc có không dưới 3 tình huống phản công với cơ hội ăn bàn rõ rệt trong 20 phút cuối. U22 Việt Nam đã may mắn khi không thủng lưới khi tuyến giữa mệt mỏi, còn hàng thủ chưa đạt được độ ăn ý cần thiết.

Video: Bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của U22 Hàn Quốc

Tinh thần là vũ khí quan trọng của U22 Việt Nam. Với sự hưng phấn, tự tin cao độ, toàn đội đã chơi một trận "ra trò" trước U22 Hàn Quốc. Nhưng nếu U22 Việt Nam mất vé đến vòng chung kết U23 châu Á năm sau, còn ai nhớ đến sự dũng cảm của HLV Hữu Thắng, khi kết quả cần được đặt lên hàng đầu?

Rõ ràng, U22 Việt Nam mạnh, đủ tiềm năng nhưng cần tiết chế và chơi tỉnh táo hơn một chút.

Có... hai Duy Mạnh thì tốt

Nhìn U22 Việt Nam chống đỡ khó khăn với bộ đôi Tuấn Anh - Xuân Trường ở giữa, HLV Hữu Thắng đang ước có... hai Duy Mạnh trong đội hình.

Hoàng Văn Khánh không đạt phong độ cao, Duy Mạnh được kéo về đá trung vệ thay thế để gia cố hàng thủ. Tuy nhiên, Duy Mạnh lùi vệ, U22 Việt Nam lại hụt mất một tiền vệ phòng ngự với khả năng bao quát và càn quét. Cả Tuấn Anh và Xuân Trường không được đánh giá cao ở khả năng tranh chấp và thu hồi bóng, nên không có Duy Mạnh chơi quét phía dưới, U22 Việt Nam đối diện với khó khăn.

Trả Duy Mạnh về vị trí cũ, U22 Việt Nam lại... hụt mất trung vệ chất lượng khi Văn Khánh mắc sai lầm, còn Tấn Sinh, Đình Trọng đang nỗ lực để tích lũy kinh nghiệm, chen chân vào đội hình chính.

Có lẽ, HLV Hữu Thắng chờ đợi 3 cái tên kể trên nhanh chóng hoàn thiện bản thân để trở về trung tâm hàng thủ đá cặp với Tiến Dũng, còn Duy Mạnh được trở lại vị trí đánh chặn.

BLV Quang Huy đánh giá: Đến Barcelona còn phải có Busquets càn quét, thì U22 Việt Nam không thể ra sân mà "chấp" tiền vệ phòng ngự được.

u22 viet nam han quoc 2 7

Không có Duy Mạnh càn quét, tuyến giữa của U22 Việt Nam (áo trắng) chơi rất vất vả. (Ảnh: Ngọc Anh)

Công Phượng hay nhất khi đá hộ công

Những bước di chuyển của Đức Chinh trên vai trò mũi nhọn là cách duy nhất để Công Phượng tỏa sáng trở lại.

Trước thềm giải đấu, HLV Hữu Thắng khẳng định: Công Phượng hay nhất khi đá hộ công. Với một tiền đạo cắm di chuyển hút người phía trên cùng đôi cánh cơ động sẵn sàng xâm nhập, Công Phượng có thể đi bóng dễ dàng mà không bị hậu vệ đối phương truy cản, bởi mỗi tình huống truy cản với Công Phượng đều là lựa chọn 5 ăn 5 thua. Truy cản được thì tốt, còn truy cản hụt thì đặt khung thành đội nhà vào thế báo động khi vẫn còn đó Đức Chinh, Văn Toàn, Quang Hải phía sau.

cong phuong u22 viet nam han quoc

Công Phượng hay nhất khi đá hộ công. (Ảnh: Ngọc Anh)

2 tình huống đi bóng, sút xa của Công Phượng vào lưới U22 Đông Timor và U22 Hàn Quốc đều diễn ra với cùng kịch bản: Công Phượng đi bóng, hậu vệ đối phương chỉ "dứ", lùi về, không truy cản quyết liệt và lưới rung lên như lẽ tất yếu. Pha kiến tạo gần nhất của Phượng cũng được thực hiện khi hậu vệ đối phương chỉ theo mà không vào bóng.

Ngược lại, tình huống Công Phượng đi bóng mà Đức Chinh, Văn Toàn không kịp lao lên hỗ trợ, hậu vệ đối phương thực hiện truy cản ngay khiến cầu thủ xứ Nghệ mất bóng.

Do đó, sự tỏa sáng của Công Phượng là thành quả của nỗ lực của cả đội, khi HLV Hữu Thắng đã tìm được hệ thống để cậu học trò đủ "đất diễn" phát huy phẩm chất. Điều đó không đồng nghĩa với việc Công Phượng có thể tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh (khi thay đổi hệ thống, vị trí hoặc lối chơi). Đây là điều ban huấn luyện U22 Việt Nam phải xem xét kỹ lưỡng.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn