Thua Milan, Barca đã đá kém như thế nào?

Thể thaoThứ Năm, 21/02/2013 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Được đánh giá cao hơn hẳn cả về phong độ, lực lượng cũng như thành tích đối đầu nhưng đêm qua, Barca đã không còn là chính mình khi đá với Milan

(VTC News) - Được đánh giá cao hơn hẳn cả về phong độ, lực lượng cũng như thành tích đối đầu nhưng đêm qua, Barca đã không còn là chính mình khi đối đầu với AC Milan.


Dù phải thi đấu trên sân khách, trước một đội bóng mạnh của Serie A nhưng Barca vẫn được đánh giá nhỉnh hơn đối thủ. Từ phong độ, lực lượng đến tiếng nói lịch sử, tất cả đều nghiêng về đội bóng xứ bò tót. Nên nhớ, suốt 9 năm qua, họ chưa từng thua tại San Siro, và trong cả 2 lần gặp gỡ ở mùa giải trước, đội bóng xứ Catalan đều có được 2 trận hòa trong thế thắng.

Barca đêm qua đã thua đau trước Milan 

Tuy nhiên tất cả những thống kê ấy đều trở nên vô nghĩa vào đêm qua, khi mà Allegri tỏ ra quá hợp lý trong cách sắp xếp đội hình, còn kẻ đóng thế Roura lại sao chép công thức của Vilanova một cách quá máy móc. Kết quả, dù vẫn giữ đúng lối đá tiki-taka và kiểm soát bóng gấp 2,5 lần đối thủ, nhưng Barca lại thảm bại 0-2, đồng thời đứng trước nguy cơ rất lớn bị loại ngay khỏi vòng 1/8 Champions League.

Đó có thể coi là một kết thúc bất ngờ với đa số người hâm mộ trước khi trận đấu diễn ra, nhưng lại vô cùng hợp lý với những diễn biến trong suốt 90 phút thi đấu. Thất bại của người Tây Ban Nha, một phần đến từ sự thăng hoa của các cầu thủ chủ nhà, nhưng một phần khác cũng đến từ sự yếu kém của chính họ. Vậy đêm qua, Messi cùng các đồng đội đã đá kém tới mức nào?

1. Dứt điểm quá ít

Triết lý của tiki-taka là kiểm soát bóng nhiều nhất có thể, nhưng đồng thời nó cũng lộ ra nhược điểm trước những hàng phòng ngự kiên cố, đó là các cầu thủ quá lười dứt điểm. Trong cả trận chiến đêm qua, chỉ 1 lần duy nhất, các ngôi sao của Barca dứt điểm từ xa (Iniesta). Họ bật nhả quá nhiều trước vòng cấm AC Milan, nhưng lại chẳng thể tìm được phương án khả dĩ nào để tiếp cận khung thành của Abbiati.

Hệ quả là Blaugrana chỉ tung được đúng 7 cú sút trong cả trận, ít hơn cả đội chủ nhà Milan (dù Rossoneri chơi phòng ngự). 2 người dứt điểm nhiều nhất bên phía Barca là Xavi và Messi cũng chỉ có 2 cú sút, ít hơn cả nỗi thất vọng lớn nhất của Milan mùa này: Kevin-Prince Boateng (3 cú sút).

Hàng tiền vệ, tuyến mạnh nhất của Barca đã có một ngày thi đấu dưới sức 

2. Không tạo ra được sự đột biến

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Barca phải đụng độ với một đội bóng chơi phòng ngự phản công với số đông. Mùa giải trước, họ cũng gặp Chelsea ở tứ kết và đã thi đấu rất tốt trong hiệp 1 của trận lượt về (dẫn trước 2-0). Điểm mấu chốt trong 2 bàn thắng ấy đó là, nó không xuất phát từ những đường chọc khe thuần túy ở trung lộ mà lại bắt nguồn từ các pha bấm bóng bổng vào vòng cấm và treo bóng từ đường biên.

Đêm qua, Jordi Roura đã có cả 45 phút đầu tiên nghiền ngẫm cách đá của Rossoneri nhưng ông lại không có bất cứ sự thay đổi nào trong hiệp 2, khi mà các học trò đã lộ rõ sự bế tắc trước chiếc xe buýt 2 tầng mà Milan giăng ra. Messi, Xavi, Iniesta, Fabregas vẫn chỉ biết… ban và bật, và không tìm thấy nổi, dù chỉ 1 khe hở giữa hàng thủ đội chủ nhà. Để rồi nguyên lý muôn thuở của bóng đá “tấn công nhiều không ghi được bàn thắng” đã vận vào đúng Barca.

3. Quá ít sự thay thế

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi khi Barca ra sân, người ta đều có thể đoán được tới 90% danh sách thi đấu của họ. Nguyên nhân là vì Messi, Xavi, Iniesta chơi quá ăn ý với nhau, và một phần khác là do đội hình dự bị của Barca có quá ít sự thay thế.

Đêm qua, sau khi bị dẫn bàn, Alexis Sanchez và Mascherano cũng được tung vào sân như một giải pháp chữa cháy bất đắc dĩ. Quả nhiên là, những người vào sân từ ghế dự bị đá còn dở hơn cả những vị trí chính thức (Fabregas và Puyol), để rồi không những Barca chẳng tìm thấy bàn gỡ, mà họ còn để thua thêm 1 bàn nữa.

Chỉ một mình Messi là không đủ để tạo ra sự đột biến 

4. Messi thiếu người chia lửa

Sau khi dị nhân người Argentina ghi được tới 91 bàn thắng trong năm 2012, một nghiên cứu tỉ mỉ đã được tiến hành với M10. Kết quả, người ta nhận thấy rằng cự ly ghi bàn trung bình của siêu sao 25 tuổi rơi vào khoảng 13m trước khung thành đối phương. Điều đó cũng có nghĩa là nếu ngăn được bóng đến chân chàng lùn này trong vòng cấm, mành lưới sẽ được an toàn.

Allegri hiểu rõ điều ấy và ông luôn bố trí rất đông hậu vệ đeo bám Messi khi anh này có xu hướng xâm nhập khu vực 16m50. Nếu lúc ấy, trong đội hình Barca có một tiền đạo khác, biết sút xa hoặc tì đè thay truyền nhân của Maradona, có thể tình thế đã khác.


Giang Hương

Bình luận
vtcnews.vn